EVN - Doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số

2022 là năm thứ tư Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận Giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Đây là giải thưởng rất quan trọng, tôn vinh những nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên EVN, góp phần thiết thực vào quá trình chuyển đổi số của ngành năng lượng nói riêng và đất nước nói chung.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN chia sẻ, đây là năm thứ tư EVN nhận được giải thưởng vể chuyển đổi số. Đặc biệt, năm nay, EVN cũng đã vinh dự nhận Giải thưởng Doanh nghiệp công nghệ số IOT 4.0.

“Đây là những giải thưởng rất quan trọng, tôn vinh những nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên EVN”, Phó Tổng giám đốc Võ Quang Lâm khẳng định và cho rằng, những kết quả mà EVN đạt được trong thời gian qua góp phần thiết thực vào quá trình chuyển đổi số của ngành năng lượng nói riêng và đất nước nói chung. Đặc biệt, những kết quả đó đã được người dân, khách hàng sử dụng điện ghi nhận đánh giá cao qua quá trình sử dụng các dịch vụ điện mà EVN cung cấp.

Chuyển đổi số EVN
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN đại diện tập đoàn đón nhận giải thưởng

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc EVN, để đạt được giải thưởng quan trọng này, EVN cùng với 49 doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, cơ quan nhà nước, đã vượt qua hơn 400 hồ sơ dự thi chung khảo của 5 hạng mục: Sản phẩm dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu; Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc; Sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng; Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp doanh nghiệp nước ngoài.

Các giải pháp ứng dụng tiêu biểu về chuyển đổi số giúp EVN trở thành doanh nghiệp số xuất sắc năm 2022 gồm: Hệ thống phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS 2.0); Giải pháp cổng thông tin điện tử EVN và số hóa nghiệp vụ hành chính văn phòng (EVNPortal); Giải pháp Quản lý sửa chữa bảo dưỡng theo điều kiện vận hành (CBM); Ứng dụng phục vụ người lao động trong Tập đoàn Điện lực Việt nam (SmartEVN); Giải pháp tích hợp với Cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia vào hệ thống thông tin quản lý khách hàng sử dụng điện (CMIS 3.0).

Triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, EVN đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-EVN ngày 17/2/2021 phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025. EVN đặt mục tiêu, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và hướng tới doanh nghiệp số vào năm 2025.

Theo đó, EVN xác định, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức của từng người lao động trong toàn tập đoàn; xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo các cấp và toàn thể người lao động; xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của toàn thể người lao động. Từ đó, tập đoàn và các đơn vị đã từng bước chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cách làm, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo.

Hiện thực hóa mục tiêu, giai đoạn 2021-2022, EVN và các đơn vị thực hiện chuyển đổi số trong 5 lĩnh vực: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin. Tính đến tháng 9/2022, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022 của EVN đã đạt khối lượng bình quân 85,5%.

Ở lĩnh vực quản trị, hiện 100% đơn vị thành viên của tập đoàn đã áp dụng hệ thống Digital – Office, 100% báo cáo được luân chuyển dưới dạng điện tử, 100% các cán bộ quản lý được cấp chữ ký số. EVN đã hoàn thành kết nối giữa hệ thống văn phòng số (Digital Office) với trục liên thông văn bản quốc gia và chính thức sử dụng từ 01/01/2020, không sử dụng văn bản giấy, kết nối tới gần 200 cơ quan gồm Chính phủ, Bộ, ngành, các cơ quan hành chính trung ương, địa phương. Đặc biệt, tập đoàn ban hành 27.000 mã định danh điện tử để các đơn vị gửi/nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản Quốc gia.

Số hóa lĩnh vực đầu tư xây dựng, EVN và các đơn vị thành viên đã ứng dụng sổ nhật ký công trình điện tử, biên bản nghiệm thu điện tử và quản lý hồ sơ dự án điện tử,… Trong 3 tháng đầu năm 2022, EVN và các đơn vị trực thuộc đã triển khai áp dụng hồ sơ điện tử cho 2.950 dự án, 1.207 dự án áp dụng chữ ký số, 160 dự án áp dụng sổ nhật ký công trình điện tử; hoàn thành thử nghiệm và triển khai AI trong phân tích hình ảnh giám sát thi công và ứng dụng công nghệ mới như 3D, UAV, BIM từ khâu khảo sát thiết kế đến khâu triển khai dự án. Đặc biệt, EVN là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện đấu thầu qua mạng, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao.

Ở lĩnh vực sản xuất, EVN đã hoàn thành cập nhật 97,3% dữ liệu thiết bị điện đang vận hành tại các nhà máy, đường dây truyền tải từ 110kV đến 500kV. Trong công tác sửa chữa bảo dưỡng khai thác hiệu quả thiết bị, tập đoàn đã triển khai áp dụng sửa chữa theo phương pháp tiến tiến như RCM (bảo dưỡng theo độ tin cậy) đối với các nhà máy và CBM (bảo dưỡng theo điều kiện) đối với lưới điện. Đặc biệt, đã thử nghiệm thành công áp dụng AI trong phân tích hình ảnh, nhận diện 20 đối tượng thiết bị trên đường dây phục vụ công tác giám sát vận hành, phát hiện tình trạng bất thường của các đường dây truyền tải.

Lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng là điểm sáng của EVN trong công tác chuyển đổi số, mang lại tối đa các tiện ích cho khách hàng sử dụng điện. Đến nay, EVN đã lắp đặt 21,1 triệu công tơ điện tử, đạt 70,9% tổng số công tơ trên lưới, là cơ sở quan trong để thu thập và khai thác dữ liệu phục vụ khách hàng. EVN cũng đã cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến; kết nối đa kênh, đa nền tảng trên môi trường số, giúp khách hàng sử dụng điện có thể đăng ký dịch vụ, kết nối với ngành Điện mọi lúc, mọi nơi, 24/7. EVN cũng triển khai trải nghiệm số cho khách hàng và người sử dụng cuối để tăng sự hài lòng của khách hàng; chăm sóc khách hàng theo hướng “cá nhân hóa” đến từng khách hàng; tự động hóa việc chăm sóc khách hàng, lắng nghe, thấu hiểu khách hàng thông qua việc xử lý thông tin.

Đặc biệt, tập đoàn đã xây dựng hệ sinh thái EVNCONNECT, kết nối với các nền tảng: Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, Cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia, nền tảng số của các tỉnh Thái Nguyên ID, Hue-S; kết nối với ngân hàng, ví điện tử, Mobile Money, trung tâm hành chính công và cổng dịch vụ công các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, EVN cũng không ngừng nâng cao năng lực hạ tầng viễn thông, ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong khai thác và triển khai các dịch vụ công nghệ thông tin; xây dựng nền tảng và kiến trúc CNTT, hệ sinh thái số linh hoạt, tăng cường khai thác tối đa các dịch vụ, dữ liệu dùng chung để đẩy nhanh quá trình xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số trong EVN.

Tính đến tháng 9/2022, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022 của EVN đã đạt khối lượng bình quân 85,5%. Với việc chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực hoạt động, EVN đang hướng tới mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và hướng tới hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025.

Lê Hoa