Dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý II

Theo VASEP, trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia,. xuất khẩu cá tra cũng sẽ khả quan hơn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 3/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, xuất khẩu thủy sản quý I/2023 đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022.

Thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu giảm và giá nhập khẩu cũng giảm theo.

Dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý II sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.

Xu hướng xuất khẩu một số sản phẩm thủy sản trong nửa đầu năm 2023 chủ yếu gồm:

xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.  xuất khẩu cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau Covid.

xuất khẩu các loài cá biển tiếp tục tăng, trong đó có đóng góp ngày càng lớn của hàng gia công, xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu từ nguyên liệu NK như cá hồi, cá tuyết cod, cá minh thái. Tại các thị trường lớn như Mỹ, EU đang có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm truyền thống tại các siêu thị cho người tiêu dùng châu Á. Do vậy, xuất khẩu hàng khô (cá, tôm, mực), nước mắm, chả cá, đồ hộp sẽ tăng.

Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia các nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa.  xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước.

Từ thực tế biến động thị trường, các DN thủy sản có điều chỉnh hợp lý các sản phẩm xuất khẩu. Ví dụ, với Trung Quốc thì ngoài sản phẩm đông lạnh, DN nên tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi/sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch.

Với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU,  DN quan tâm hơn đến xu hướng nhập khẩu hàng cho các siêu thị châu Á, nghĩa là các dòng sản phẩm truyền thống của người châu Á vẫn đang hút khách: hàng khô, nước mắm, mắm ruốc…

Thời gian tới, để gia tăng giá trị xuất khẩu thủy sản cần phải tập trung 3 trụ cột, đó là sản phẩm an toàn cao, sản phẩm tốt cho sức khỏe, sản phẩm thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, động lực để phát triển xuất khẩu thủy sản cũng cần lưu ý đó là đáp ứng xu thế tiêu dùng và nâng giá trị sản phẩm thủy sản.

Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thủy sản tập trung vào các sản phẩm cho sức khỏe, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Việt Nam có nhiều lợi thế.

Để vượt qua những khó khăn tác động trong năm 2023, phần lớn các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng cần ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và quản trị hiệu quả hàng tồn kho.

Có tới 87% doanh nghiệp thủy sản nhận thức được vấn đề đầu tư vào công nghệ để phát triển bền vững, tuy nhiên số doanh nghiệp này cho biết chưa sắp xếp được tài chính nên chưa thể triển khai; chỉ 13% doanh nghiệp sẵn sàng nguồn lực đầu tư ngay.

Có 3 vấn đề liên kết ngành thủy sản cần phải đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Đó là tăng cường liên kết theo chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp, tăng cường liên kết trong chế biến để đa dạng chuỗi sản phẩm cho nhiều thị trường và tăng cường liên kết hệ sinh thái tạo điều kiện kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường.

Hiện các công ty lớn đã tập trung liên kết hệ sinh thái, ví dụ như ở các doanh nghiệp Việt Úc, Vĩnh Hoàn, cần có những thương hiệu mạnh, mô hình khép kín để khẳng định chất lượng, giá trị gia tăng, giúp thủy sản có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường. Đồng thời, việc này giúp thương hiệu thủy sản Việt Nam phát triển hơn nữa trên thị trường thế giới.

Tính riêng tháng 3/2022, XK thủy sản ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. XK các mặt hàng chủ lực vẫn giảm 8 – 39%. Trong đó, XK tôm giảm 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%. Tuy nhiên, XK các loài cá biển khác vẫn tăng trưởng dương 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết quý I, XK tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%, cá tra đạt 447 triệu USD, thấp hơn 32% so với cùng kỳ và cá ngừ giảm 31% đạt 179 triệu USD. XK mực, bạch tuộc cũng thấp hơn 8% so với cùng kỳ đạt 54 triệu USD. Riêng XK các loài cá biển vẫn tăng nhẹ 3% đạt 435 triệu USD.

Hoàng An