Dự báo giá quặng sắt sẽ lao dốc trong nửa cuối năm nay

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) vừa cảnh báo việc thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng sẽ khiến thị trường quặng sắt toàn cầu rơi vào tình trạng dư cung lớn và giá mặt hàng này có thể sụt giảm mạnh trong nửa cuối năm nay.

Trong nửa đầu năm nay, thị trường toàn cầu thiếu hụt khoảng 56 triệu tấn quặng sắt. Tuy nhiên, Goldman Sachs dự báo thị trường sẽ dư cung đến 67 triệu tấn quặng sắt trong nửa cuối năm nay, chủ yếu do việc thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng và sự sụt giảm đáng kể nhu cầu sử dụng thép tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Giá quặng sắt
 Diễn biến giá quặng sắt loại hàm lượng chứa 62% sắt trên thị trường quốc tế từ đầu năm đến nay (Đồ hoạ: tradingeconomics.com)

 

Goldman Sachs cũng điều chỉnh giảm dự báo giá quặng sắt trong 3 tháng tới từ 90 USD xuống 70 USD/tấn, trong 6 tháng tới từ 110 USD xuống còn 85 USD/tấn. Ngân hàng đầu tư này nhận định tình trạng khó khăn trên thị trường quặng sắt toàn cầu lần này sẽ kéo dài lâu hơn so với đợt bán tháo diễn ra trong năm 2021. Tuy nhiên, Goldman Sachs nhận định thị trường quặng sắt thế giới sẽ không diễn biến tiêu cực như giai đoạn 2014 – 2015 khi giá quặng sắt rơi về mức 38 USD/tấn.

Theo Goldman Sachs, vấn đề hiện tại của thị trường là diễn biến giá quặng sắt có mối liên hệ chặt chẽ với tình hình thị trường bất động sản tại Trung Quốc. Việc Chính phủ Trung Quốc tiến hành kiểm soát chặt chẽ các khoản vay liên quan đến bất động sản từ năm ngoái đã khiến thị trường bất động sản nước này hiện rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng lao dốc.

Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Ratings (Hoa Kỳ) dự báo doanh số bán bất động sản trên toàn quốc ở Trung Quốc có thể giảm tới 30% trong năm nay, thấp hơn gần 2 lần so với dự báo trước đó, khi ngày càng nhiều người mua nhà ở Trung Quốc tạm ngừng thanh toán nợ vay mua nhà. Mức sụt giảm này cũng tồi tệ hơn hồi năm 2008 khi doanh số bán nhà tại Trung Quốc giảm khoảng 20%.  

Hãng nghiên cứu thị trường Bloomberg Intelligence (Hoa Kỳ) cũng nhận định tình trạng thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hoá thế giới, đặc biệt là thị trường kim loại công nghiệp.

Tại Trung Quốc, hoạt động xây dựng chiếm khoảng 49% tổng nhu cầu sử dụng thép, chiếm 32% tổng nhu cầu sử dụng nhôm, và chiếm 9% tổng nhu cầu sử dụng đồng của nước này. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu quặng sắt và các kim loại công nghiệp hàng đầu thế giới.

Giới đầu tư hiện kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm tung ra các biện pháp giải cứu thị trường bất động sản do lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nước này.  

Quỳnh Trang