Dự báo giá đường tăng 12%, doanh nghiệp mía đường nào hưởng vị "ngọt" nhất?

Giá đường trong nước trong tháng 5 vừa qua đã tăng 10% so với thời điểm đầu năm trong bối cảnh giá đường thế giới vượt đỉnh 10 năm. Dự báo các doanh nghiệp mía đường trong nước sẽ được hưởng lợi khi sản lượng tăng và giá đường từ nay đến cuối năm sẽ tăng 12% so với năm ngoái.

Giá đường thế giới vượt đỉnh 10 năm, giá đường trong nước bắt đầu tăng từ quý 2/2023

Diễn biến giá đường thế giới
 Diễn biến giá đường thế giới và lượng tồn kho cuối kỳ các niên vụ trên toàn cầu. (Nguồn: USDA, ISO, Chứng khoán SSI)

Theo báo cáo mới nhất về ngành mía đường của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, giá đường thế giới trong tháng 4/2023 đã đạt 0,27 USD/pound, tăng 35% so với thời điểm đầu năm và tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức đỉnh 10 năm do điều chỉnh giảm dự báo sản lượng của Ấn Độ và Trung Quốc.

Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã điều chỉnh giảm dự báo lượng đường dư cung trên thế giới trong niên độ 2022/2023 từ 6,2 triệu tấn trong tháng 11/2022 xuống 4,2 triệu tấn trong tháng 2/2023. Trong đó, tại Ấn Độ, Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) ước tính sản lượng đường sản xuất cho niên độ 2022/2023 chỉ đạt 34 triệu tấn, thấp hơn 2,5 triệu tấn so với dự báo gần nhất và giảm 5% so với cùng kỳ niên độ trước. Chất lượng mía thấp hơn dự kiến do điều kiện thời tiết không thuận lợi, cây mía chín sớm hơn và giảm trọng lượng.

Đối với Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng đường của Trung Quốc chỉ đạt 9 triệu tấn, thấp hơn 1 triệu tấn so với dự báo trước đó và thấp hơn 6,3% so với niên độ trước.

Nhìn chung, lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến trong niên độ 2022/2023 sẽ giảm 13% so với niên độ trước, tạo áp lực khiến giá đường neo ở mức cao.

Tuy nhiên, Chứng khoán SSI lưu ý sản lượng đường sản xuất của Thái Lan ở mức cao có thể khiến tình trạng buôn lậu đường vào Việt Nam trong giai đoạn 2023/2024 trở nên phức tạp hơn. Cụ thể, USDA dự báo sản lượng đường của Thái Lan trong niên độ 2022/2023 có thể đạt 11 triệu tấn, tăng 8,3% so với niên độ trước do điều kiện thời tiết thuận lợi và tỷ lệ chuyển đổi mía thành đường cao hơn.

Trong niên độ 2023/2024, sản lượng đường của Thái Lan dự kiến sẽ tăng lên 11,2 triệu tấn, tăng 1,5% so với niên độ 2022/2023. Đây được xem là mức cao khi so với giai đoạn 2017 – 2020 sản lượng đường của nước này sụt giảm vì hạn hán. Do đó, USDA dự báo Thái Lan sẽ xuất khẩu 11 triệu tấn trong niên độ 2022/2023 (tăng 57% so với niên độ trước) và 12 triệu tấn trong niên độ 2023/2024 (tăng 9% so với niên độ trước).

Diễn biến giá đường trong nước
 Tương quan diễn biến giá đường trắng trong nước với giá đường thế giới. (Nguồn: VSSA, Chứng khoán SSI)

Tại Việt Nam, giá đường đã bắt đầu tăng theo giá đường thế giới. Trong tháng 5/2023, giá đường trong nước đã tăng lên mức 20.000 đồng/kg, tăng 10% so với thời điểm đầu năm và tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi hầu như không đổi trong suốt quý 1/2023 ở mức khoảng 18.000 đồng/kg.

Theo USDA, mức tiêu thụ đường nội địa của Việt Nam trong năm nay sẽ ở mức ổn định từ 2,3 - 2,4 triệu tấn/năm. Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) hiện ước tính sản lượng đường trong nước niên độ 2022/2023 đạt 871 nghìn tấn, tăng 16,6% so với niên độ trước.

Chứng khoán SSI dự báo giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam. Giá đường tinh luyện dự báo sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg từ quý 2/2023.

Ngoài ra, Chứng khoán SSI kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô.

Chứng khoán SSI cũng kỳ vọng giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía. Các chính sách chống trợ cấp, chống bán phá, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được Bộ Công Thương áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.

Triển vọng đầu tư doanh nghiệp mía đường

giá cổ phiếu doanh nghiệp mía đường
Giá cổ phiếu và giá đường nội địa có hệ số tương quan cao (từ cao đến thấp: SLS, QNS, LSS, SBT). (Nguồn: VSSA, Chứng khoán SSI)

Nhận định về triển vọng đầu tư đối với các doanh nghiệp mía đường đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Chứng khoán SSI giữ quan điểm khả quan đối với Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS - sàn: Upcom) và Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán: SLS – sàn: HNX).

Cụ thể, đối với Đường Quảng Ngãi, công ty ước tính kết quả kinh doanh tích cực trong 4 tháng đầu năm nay với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt hoàn thành 41% và 48% kế hoạch cả năm. Kết quả kinh doanh ấn tượng này chủ yếu đến từ mảng đường; trong khi đó, mảng sữa đậu nành vẫn đối mặt với nhu cầu yếu.

Đối với mảng đường, Đường Quảng Ngãi cho biết tổng sản lượng đường của công ty trong năm 2023 ước tính sẽ đạt 200.000 tấn, tăng 54% so với năm ngoái, nhờ diện tích canh tác tăng thêm 45% và sản lượng đường cao hơn. Ngoài ra, công ty bắt đầu bán mặt hàng đường đóng gói nhãn hiệu “Đường An Khê” vào các kênh thương mại điện tử với khởi điểm là vào chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh hồi tháng 3/2023, và hợp tác với chuỗi bán lẻ BigC, Coop, Winmart để bán mặt hàng đường đóng gói này trong tháng 5/2023.

Đối với mảng sữa đậu nành, trong tháng 3/2023, Đường Quảng Ngãi đã tăng giá bán trung bình 5% so với đầu năm, điều này phần nào bù đắp cho chi phí đậu nành tăng trong quý 2/2023. Công ty dự kiến cho ra mắt sản phẩm mới (sữa đậu nành bổ sung chất xơ) trong nửa cuối năm 2023.

Chứng khoán SSI nhận định tiêu thụ sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi trong năm nay sẽ đi ngang so với năm 2022 do nhu cầu yếu. Tuy nhiên, việc thuế Giá trị gia tăng có thể được giảm từ 10% xuống 8% sẽ là yếu tố hỗ trợ tiêu thụ sữa đậu nành trong nửa cuối năm 2023.

Đối với Mía đường Sơn La, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 3 quý đầu năm tài chính 2023. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt tăng 73% và 138% so với cùng kỳ năm tài chính 2022.

Tỷ suất lợi nhuận của Mía đường Sơn La cao hơn mức bình quân của các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình của công ty đạt 29% trong 3 quý đầu năm tài chính 2023, so với mức 24% của cùng kỳ năm tài chính 2022.

Tuy quy mô nhỏ (công suất nghiền 5.000 tấn/ngày) nhưng Mía đường Sơn La có điều kiện trồng mía thuận lợi nên năng suất cây trồng cao hơn (64 tấn/ha, so với bình quân là 62 tấn/ha) và tỷ lệ chuyển đổi đường từ mía cao hơn (13, so với mức trung bình là 10,2). Sản lượng đường của công ty đạt khoảng 60.000 – 70.000 tấn/năm.

Chứng khoán SSI cho biết diện tích trồng mía của Mía đường Sơn La có thể sẽ tăng thêm 20% so với diện tích hiện tại, đạt 11.000 ha, qua đó tận dụng cơ hội giá đường tăng cao.

Mía đường Sơn La trả cổ tức tiền mặt tương đương khoảng 50% lợi nhuận. Chứng khoán SSI lưu ý Mía đường Sơn La được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và kỳ vọng với lợi nhuận ròng kỳ vọng cao cho năm 2023, Mía đường Sơn La có thể tăng cổ tức tiền mặt lên 160%-200% trên mệnh giá, tương đương với tỷ suất cổ tức tiền mặt trong khoảng 11%-12%.

Duy Quang