Động lực nào cho xuất khẩu Việt Nam vượt qua 4 áp lực?

Làm gì để vượt qua 4 áp lực trong bối cảnh ngành Công Thương đặt ra mục tiêu tăng 6% kim ngạch xuất khẩu so với năm 2022 và duy trì thặng dư thương mại?

xuất khẩu

Xuất khẩu chịu áp lực lớn

Năm 2022, xuất khẩu hàng hoá nước ta tăng 10,6%, đạt 371,tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%).

Nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện có 2 áp lực lớn đối với hoạt động này. Thứ nhất, tốc độ tăng xuất khẩu chậm lại bắt đầu từ quý IV, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Một số mặt hàng chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm… đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng xuất khẩu chung của cả nước.

Thứ hai, mặc dù, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng KNXK). Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.

Đó là 2 trở ngại từ năm 2022. Đến 2023 này, xuất nhập khẩu của nước có độ mở nền kinh tế lớn như Việt Nam tiếp tục chịu thêm 2 áp lực mới. Đó là những khó khăn của nhiều nền kinh tế được dự báo lạm phát cao, suy thoái, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị trên thế giới, kéo theo sức mua, tiêu dùng trên toàn cầu giảm, nhất là tại các thị trường lớn như Mỹ và EU là những thị trường nhập khẩu nhiều hàng hóa của Việt Nam. Điều này đã bộc lộ rõ từ những tháng cuối năm 2022, đó là tình trạng thiếu đơn hàng.

Tiếp đến, xu hướng toàn cầu hoá đã “trật đường ray” và nguy cơ trở lại bảo hộ mậu dịch ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia điều chỉnh các biện pháp thương mại (gia tăng các biện pháp phòng vệ, đánh thuế chống phá giá,…). Đến nay, các nước đã tiến hành điều tra 225 vụ việc PVTM với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính riêng 11 tháng đầu năm 2022,Hoa Kỳ đã khởi xướng mới 10 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (thép dây không gỉ dạng tròn, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ, một số sản phẩm ống thép) và 1 vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm bìa kẹp hồ sơ.

Ấn Độ, Úc và Mê-xi-cô cũng lần lượt khởi xướng 3 vụ việc điều tra chống bán phá giá với tấm trải sàn vinyl, amoni nitrat, thép cán nguội. Ngoài ra, Ấn Độ và Ma-rốc cũng khởi xướng điều tra 2 vụ việc tự vệ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của ta (nhựa PVC; săm lốp xe mô tô, xe máy, xe đạp).

Cuối cùng, các đối tác nhập khẩu lớn nước ta “khó tính” hơn, họ điều chỉnh các điều kiện thương mại, phi thương mại, các quy định liên quan tới giảm phát thải carbon, siết chặt vấn đề chất lượng với hàng hoá nhập khẩu. Mới đây, EU thông báo sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sản xuất. Đây là thông tin không mấy vui vẻ với các nhà xuất khẩu vào EU, họ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải”. Điều này làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đồng bộ các giải pháp

Làm gì để vượt qua 4 áp lực nói trên trong bối cảnh ngành Công Thương đặt ra mục tiêu tăng 6% kim ngạch xuất khẩu so với năm 2022 và duy trì thặng dư thương mại? Bộ Công Thương đã đề ra bộ giải pháp cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Về xuất khẩu, đơn vị chức năng thuộc Bộ Thường xuyên cập nhật tình hình giá cả hàng hoá, biến động cung cầu trên thị trường thế giới, thông tin về các biện pháp quản lý của các đối tác nhập khẩu để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh; khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, tăng sản lượng thu mua từ nguồn cung trong nước với những mặt hàng có giá nhập khẩu tăng cao và có phương án thay thế thị trường thích hợp; kăng cường tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới để đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu.

Về xúc tiến thương mại, giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh hoạt động XTTM mở rộng thị trường theo hướng ưu tiên triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào với các thị trường sớm khôi phục giai đoạn hậu Covid-19; tập trung đẩy mạnh hoạt động XTTM đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường, khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam. Lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy mạnh hoạt động XTTM, xây dựng kế hoạch, lộ trình XTTM theo chuỗi, có tính dài hạn và có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức XTTM Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp. Xây dựng, triển khai kế hoạch XTTM theo định hướng chiến lược về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, tận dụng các cơ hội phục hồi thị trường quốc tế.

Về phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua TMĐT Go Export: Hoàn thiện và mở rộng mô hình đã triển khai thử nghiệm, đưa các sản phẩm của Việt Nam lên sàn TMĐT Amazon và các sàn TMĐT tại các quốc gia khác; duy trì, phát triển các kênh thông tin thị trường TMĐT trên nền tảng ECVN, Vietnamexport, giải pháp tiếp thị đa kênh, gắn nhãn uy tín,… Phát triển ứng dụng Vsign.vn nhằm mục tiêu Kết nối với dữ liệu hải quan trong việc tra cứu, kiểm tra thông tin C/O điện tử gửi đi nước ngoài. Kết nối doanh nghiệp sản xuất chưa có năng lực xuất khẩu với đơn vị logistic chuyên nghiệp. Tạo sân chơi cho các doanh nghiệp có uy tín tìm kiếm đối tác có năng lực sản xuất hàng hóa; xây dựng Đề án Hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương và đề xuất Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ Bộ Công Thương.

Về phòng vệ thương mại, hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu hải quan với cơ sở dữ liệu về PVTM để phục vụ công tác điều tra, áp dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các phương án và cách thức hợp tác giữa hai bên để thúc đẩy việc Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án 824 Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ; Đề án 316 Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM; Đề án 1659 Nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, v.v...

Những giải pháp trên cũng là những công cụ, động lực để hoạt động xuất khẩu nước ta vượt qua 4 áp lực nói trên.

 

Phục Linh