“Điều gì đang thu hút các công ty Đan Mạch đến Việt Nam?”

Hiện nay, số công ty Đan Mạch đầu tư tại Việt Nam nhiều gấp đôi số công ty của các nước Bắc Âu khác cộng lại và Việt Nam nằm rất cao trong danh sách các ứng viên hàng đầu mà các công ty Đan Mạch mong muốn mở rộng hoạt động tại châu Á.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, trong bối cảnh thế giới ngày càng nhiều bất ổn, từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bệnh dịch Covid-19, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina, làm đứt gãy chuỗi cung cầu, các doanh nghiệp Đan Mạch đang có xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một thị trường hấp dẫn của họ. Thương mại và đầu tư của Đan Mạch với Việt Nam đều tăng mạnh trong năm 2022.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đan Mạch tăng 26,8%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch tăng 50,5%. Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng khá ấn tượng như phương tiện vận tải, phụ tùng tăng gần gấp 5 lần, tăng 483,8%, giày dép tăng 182,8%, túi xách, ví, vali, ô, mũ, dù tăng 88%, dệt may tăng 75,9%, thủy sản tăng 70,8%...

Về đầu tư, trong năm nay, Đan Mạch đã nổi lên là 1 trong 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, phần lớn nhờ vào cam kết đầu tư trị giá 1 tỉ USD của Tập đoàn LEGO để xây dựng nhà máy đầu tiên của họ tại Việt Nam. Đây cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO.

Theo ông David Hutt, tác giả bài viết “Điều gì đang thu hút các công ty Đan Mạch đến Việt Nam?” đăng trên website dw.com của Đài Deutsche Welle (Đức) mới đây, nhiều công ty Đan Mạch đang đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, trong bối cảnh vị thế của Việt Nam ngày một tăng và trở thành trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng của khu vực cũng như thế giới. Các gã khổng lồ công nghệ như Apple (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc) gần đây đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Ông Troels Jakobsen - Tham tán thương mại Đan Mạch tại Việt Nam - cho biết thêm, hiện nay, số công ty Đan Mạch đầu tư tại Việt Nam nhiều gấp đôi số công ty của các nước Bắc Âu khác cộng lại và Việt Nam nằm rất cao trong danh sách các ứng viên hàng đầu mà các công ty Đan Mạch mong muốn mở rộng hoạt động tại châu Á.

Khi đưa tin về khoản đầu tư 1 tỉ USD của LEGO vào Việt Nam, báo Financial Times từng nhận định Việt Nam trong những năm gần đây đã trở thành một điểm sản xuất có chi phí thấp hơn thay cho Trung Quốc trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam thu hút các công ty nước ngoài một phần nhờ vị trí thuận lợi, như gần với các thị trường lớn như Trung Quốc và các một số thị trường khác. Mặt khác, Việt Nam đang có sự cải thiện cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối. Ngoài ra, Việt Nam đang đầu tư đáng kể vào các nguồn năng lượng tái tạo để thúc đẩy cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Bà Lina Hansen - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch phụ trách thương mại và bền vững toàn cầu, gần đây đã chỉ ra năng lượng là yếu tố quyết định chính để họ đầu tư vào Việt Nam.

Hiện Việt Nam có tốc độ tăng trưởng sản xuất năng lượng tái tạo nhanh nhất Đông Nam Á và nằm trong số 10 quốc gia sản xuất điện mặt trời hàng đầu thế giới, năng lượng tái tạo chiếm hơn 11% tổng sản lượng điện toàn hệ thống.

Công ty năng lượng lớn nhất Đan Mạch là Orsted đã đề xuất làm dự án điện gió có tổng công suất 3.900MW tại Việt Nam, với mức đầu tư ước tính từ 11,9 - 13,6 tỉ USD. Dự kiến, các dự án đầu tiên liên quan đến khoản đầu tư này sẽ bắt đầu sản xuất điện vào năm 2030.

"Việt Nam có lợi thế tự nhiên về gió ngoài khơi. Với hơn 3.000km bờ biển, mực nước nông và tốc độ gió ổn định, Việt Nam có các điều kiện tuyệt vời để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đáng tin cậy và có khả năng cạnh tranh về chi phí" - ông Sebastian Hald Buhl - Giám đốc Orsted tại Việt Nam nhận định.

Tháng 8/2022, tập đoàn Orsted đã ký thỏa thuận với Công ty TNHH MTV dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC, thuộc tập đoàn PetroVietnam, để hợp tác trong một số dự án năng lượng tái tạo.

Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị cũng cho rằng, một trong những điểm tạo nên sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các doanh nghiệp Đan Mạch đó là “chiến lược phát triển của hai nước có nhiều điểm tương đồng và phù hợp: lấy phát triển bền vững làm mục tiêu xuyên suốt, xác định tiến hành chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là biện pháp có tính dài hạn.”

Bên cạnh đó, hàng loạt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động về cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia triển khai trong thời gian vừa qua đã giúp cho các doanh nghiệp Đan Mạch ngày các biết đến Việt Nam nhiều hơn.

Đầu tháng 9, Đại sứ quán cũng đã tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Đan Mạch: Hợp tác trong chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tại thủ đô Copenhaghen” và sắp tới hơn 30 doanh nghiệp, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, sẽ tháp tùng Thái tử kế vị Frederik trong chuyến thăm Việt Nam từ  ngày 1-3/11. Đây sẽ là cơ hội tốt cho cho Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư từ Đan Mạch.

Hi vọng thông qua những hoạt động như vậy, cùng với quyết tâm của cả hai phía, kết quả hợp tác trong thời gian tới sẽ tương xứng với tiềm năng, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.

[Quảng cáo]

Thanh An