Tổng Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã chứng khoán: POW - sàn: HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với doanh thu thuần đạt 7.669,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 731,8 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 2,1 lần và 39,2 lần so với quý 4/2021.

Theo giải trình, doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do sản lượng điện tại các nhà máy điện của Điện lực Dầu khí Việt Nam tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2021, giúp lợi nhuận gộp đạt 1.437 tỷ đồng trong quý 4/2022, so với mức lỗ 329 tỷ đồng trong quý 4/2021. Bên cạnh đó, hoạt động tài chính giúp công ty thu về 115 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và chênh lệch tỷ giá, so với mức lỗ 48 tỷ đồng trong quý 4/2021.

Lũy kế cả năm 2022, Điện lực Dầu khí Việt Nam ghi nhận 28.235 tỷ đồng doanh thu và 2.323 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 21% và 13% so với năm 2021. Như vậy, tổng công ty đã hoàn thành 115% mục tiêu doanh thu và 312% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2022.

Chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của Tổng Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Việt Nam xem tại đây.

Giá cổ phiếu POW
Diễn biến giá cổ phiếu POW của Tổng Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đến nay. (Nguồn: FireAnt)

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Điện lực Dầu khí Việt Nam đạt 56.641 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do tài sản ngắn hạn tăng 34%. Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng gấp 2 lần, đạt 12.284,1 tỷ đồng (chiếm 21% tổng tài sản) do phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng. Đầu tư tài chính ngắn hạn của tổng công ty cũng tăng gấp 3 lần, đạt 1.624 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản tiền gửi tại ngân hàng có kỳ hạn từ 3 tháng đến 12 tháng.

Đối với phần nguồn vốn, nợ phải trả của Điện lực Dầu khí Việt Nam tăng 7,7%, lên 23.535,4 tỷ đồng (chiếm 41% tổng nguồn vốn). Nguyên nhân chủ yếu chi phí phải trả ngắn hạn đã tăng 89%, và vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 18%. Vốn chủ sở hữu của tổng công ty đạt 33.106,2 tỷ đồng, tăng 6,3%.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1, giá cổ phiếu POW của Điện lực Dầu khí Việt Nam tăng 0,4%, đạt 12.400 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu POW đạt gần 8 triệu đơn vị.

Hiện Điện lực Dầu khí Việt Nam đang xếp thứ 4 trong số các nhà sản xuất điện lớn nhất Việt Nam. Tổng công ty sở hữu và vận hành 6 nhà máy điện với tổng công suất lên tới 4.205 MW, gồm 3 nhà máy nhiệt điện khí (2.700 MW), 1 nhà máy nhiệt điện than (1.200 MW) và 2 nhà máy thuỷ điện công suất 305 MW với tổng sản lượng điện hàng năm khoảng 20 – 22 tỷ kWh, chiếm 8% tổng nhu cầu thị trường.

Chiến lược đầu tư phát triển trong những năm tới, tổng công ty sẽ đầu tư thêm các dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (1.500 MW), Miền Trung 1 và 2 (1.500 MW), LNG Cà Mau và LNG Quảng Ninh, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực điện khí.

Hiệu quả kinh doanh của Điện lực Dầu khí Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tiếp tục được cải thiện khi các các nhà máy điện đi vào giai đoạn giảm bớt chi phí khấu hao và nợ vay. Cụ thể, các nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 đã đi vào giai đoạn trả nợ xong vốn vay đầu tư, khấu hao giảm; qua đó, mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn trong những năm tới cùng với sản lượng điện gia tăng.