Dệt may và "cơn lốc" Covid-19

Để vượt qua cơn nguy, ổn định việc làm cho lao động, doanh nghiệp dệt may đã đi bằng nhiều cách khác nhau...

Đại dịch Covid-19 khiến nguồn cung nguyên phụ liệu bị đứt, thị trường xuất khẩu gián đoạn, đơn hàng giảm mạnh, thậm chí nhiều đơn hàng bị huỷ, hoãn... là mối lo lớn của ngành may. Để vượt qua cơn nguy, ổn định việc làm cho lao động, doanh nghiệp đã đi bằng nhiều cách khác nhau.

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), 9 tháng đầu năm 2020, toàn ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 25,584 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại dệt may 9 tháng đạt 13,765 tỷ USD, chiếm 53% tỷ lệ giá trị gia tăng, giảm 12,11% so với cùng kỳ.

Mới sản xuất 50 - 60% năng lực

Bộ Công Thương cũng nhận định, dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỷ USD, do Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 600 - 640 tỷ USD, giảm 15-20% so với 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.

Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Thực tế, các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may Việt Nam là veston, sơ mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho quý cuối năm.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, mục tiêu xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2020 là 40 tỷ USD, tuy nhiên do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống của ngành giảm sâu, có mặt hàng giảm đến 80-90%, vì vậy kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ bỏ xa kết quả thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019.

Gần 75 năm phát triển, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho rằng, đại dịch Covid -19 tác động tiêu cực, lớn hơn nhiều lần so với khủng hoảng tài chính năm 2018. Trong năm qua, May 10 phải đối mặt với 2 khó khăn lớn nhất. Đó là sự nguy hiểm của dịch bệnh. Doanh nghiệp vừa phải sản xuất vừa phải đảm bảo sức khoẻ cũng như sự an toàn cho 12 nghìn lao động. Khó khăn nữa đó là đột ngột mất nguồn cung do 50-60% nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Khi thách thức nguồn nguyên liệu dần được giải quyết thì giữa tháng 3, May 10 lại đối diện với hàng loạt các đơn hàng bị dừng, hoãn, huỷ do dịch bệnh không cho xuất khẩu vào những thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Trong khi những thị trường này chiếm tới 80% doanh thu của May 10.

"Có lẽ đây là một cú sốc với May 10 lớn nhất từ trước tới nay, vì tất cả các nước May 10 có đơn hàng xuất khẩu đều dừng, huỷ. Trớ trêu, đến 25/7, dịch bệnh bùng phát dịch trở lại, khi đó khó khăn lần 1 vẫn chưa hết, đây thực sự là khó khăn kép với ngành dệt may", ông Việt chia sẻ.

Sản lượng tiêu thụ của May 10 có tới 80% là xuất khẩu, còn lại 20% là tiêu thụ nội địa. Theo ông Việt, nội địa tiêu thụ có tăng gấp đôi nhưng cũng chỉ chiếm 30-40% doanh thu của May 10. Hàng năm cứ tháng 9 là doanh nghiệp này đã ký đơn hàng cho quý 1 năm sau, nhưng năm nay đến giờ phút này hợp đồng mới chỉ đáp ứng 50-60% năng lực, còn lại vẫn phải đi tìm kiếm đơn hàng, ăn đong từng tuần, từng tháng.

Tương tự, May Hồ Gươm cũng không ngoại lệ. Tổng giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm ông Phí Ngọc Trịnh cho biết, công suất của May Hồ Gươm hiện cũng mới chỉ đạt 60% lượng đơn hàng so với kế hoạch.

Trong điều kiện bình thường, cứ tới đầu tháng 10 là doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho cả năm. Nhưng dịch Covid-19 khiến tới tận tháng 9/2020 May Hồ Gươm vẫn chưa thể xác định được quý cuối cùng của năm sẽ có bao nhiêu đơn hàng. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của May Hồ Gươm là 30 triệu USD, năm nay có thể giảm đi 10%.

Không những thế, sự chậm trễ trong thanh toán cũng khiến doanh nghiệp may loay hoay. "Khách châu Âu hiện nay chậm tiền 3 tháng, khách Mỹ thậm chí trả lời rằng khi nào có tiền chúng tôi sẽ trả", ông Trịnh cho hay.

det may
Đến thời điểm hiện tại hợp đồng mới chỉ đáp ứng 50-60% năng lực, còn lại vẫn phải đi tìm kiếm đơn hàng

Linh hoạt chuyển đổi để thích ứng

Dù gần 3.000 con người và gia đình người lao động đang là một gánh nặng vô hình trên vai ông chủ May Hồ Gươm, nhưng điều cơ bản khiến ông Trịnh cảm thấy thoải mái đó là hiện nay công nhân vẫn đang căng sức làm việc trên chuyền may.

Cả thế giới cách ly, làm việc ở nhà, không ai dùng những loại trang phục trang trọng nữa. Hàng cao cấp đã dừng từ đầu năm và hoàn toàn chưa biết có thể trở lại vào lúc nào. Chính vì vậy, những xưởng may veston của May Hồ Gươm phải chuyển sang may hàng vest nữ loại thời trang thông thường cho Mango, Zara, Walmart và các loại quần áo cơ bản cho các thương hiệu may mặc trung bình khác, không phải hàng thời trang theo xu hướng. Việc làm thường xuyên nên đến nay doanh nghiệp chưa phải giảm thu nhập của người lao động. Công nhân ở các nhà máy đóng tại các tỉnh xa hoặc gần thành phố vẫn có mức thu nhập từ 5,5 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Còn với May 10, để trụ vững như bây giờ, ông Việt đau đáu với những câu hỏi: Làm thế nào để duy trì việc làm cho 12 nghìn lao động, làm sao để duy trì dòng tiền, nguồn cung khi thị trường sụt giảm; làm sao để vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa chống dịch... Nhưng với tinh thần vượt khó được thống nhất, coi trọng từ lãnh đạo cao nhất xuống người lao động, đồng thời duy trì văn hoá kỷ luật trong quân đội đã giúp May 10 đứng vững trong đại dịch.

Bên cạnh tinh thần vượt khó, toàn bộ hệ thống May 10 được chuyển đổi rất nhanh. Do mặt hàng truyền thống là thời trang công sở, sơ mi, veston... bị sụt giảm nghiêm trọng từ 30-50% trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu, nên May 10 chuyển sang sản xuất các mặt hàng y tế: khẩu trang vải, khẩu trang y tế, bộ phòng chống dịch. Vì thế, chỉ trong vòng 45 ngày, doanh thu từ khẩu trang đã bằng tổng doanh thu bình quân 2 tháng trước khi chưa có đại dịch xảy ra. "Khả năng thích ứng, linh hoạt, chuyển đổi và kiểm soát rủi ro khi chuyển đổi sẽ quyết định sự thành bại của doanh nghiệp", ông Việt nói.

Song song với đó, vì đơn hàng "ăn đong" nên May 10 chuyển đổi kế hoạch hành động, kế hoạch thực hiện mục tiêu thay đổi trong chiến lược dài hạn. Lý do vì đa phần những thông tin cho kế hoạch dài hạn là chưa có, nếu có thì xác suất sai là tương đối cao. Bởi vậy, May 10 phải có kế hoạch dự báo cho trung và dài hạn nhưng kế hoạch hành động thì rất ngắn hạn.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cũng thừa nhận, dù Covid–19 diễn ra khiến tình hình kinh doanh khó khăn, các đơn hàng từ nước ngoài đứt nguồn cung... Tuy nhiên, với tinh thần luôn cố gắng vượt qua mọi hoàn cảnh, TNG đã tìm kiếm những cơ hội để vượt khó. TNG tìm thấy cơ hội đến từ làm khẩu trang.

Đây không chỉ là con đường giúp doanh nghiệp giải quyết được vấn đề doanh thu mà luôn tạo được công ăn việc làm cho người lao động ngay cả trong thời kỳ khó khăn. Khi hàng loạt người lao động phải đối mặt với cảnh thất nghiệp thì người lao động của TNG không một ngày nghỉ, bởi đơn hàng về khẩu trang, đồ bảo hộ y tế lớn, nên tiền lương trả cho công nhân còn cao hơn trước dịch.

Ngoài ra, TNG còn thành lập thêm phòng nghiên cứu đấu thầu quốc tế. Các nước Nhật, EU, Mỹ mua các đồ bảo hộ y tế thông qua website đấu thầu quốc tế, nên đơn đặt hàng TNG đến liên tục. "Năm nay dù khó khăn nhưng TNG vẫn đầu tư thêm 1 nhà máy ở Võ Nhai, giai đoạn 2 vào năm tới số lao động sẽ tăng lên 2 vạn. Nếu cứ đà này, 2 vạn vẫn thiếu và vẫn phải tiếp tục mở thêm nhà máy", ông Thời vui mừng cho biết.