Dệt may Thành Công (TCM): Lợi nhuận 8 tháng tăng 48% so với cùng kỳ

Dệt may Thành Công (TCM)cho biết lợi nhuận 8 tháng đầu năm nay tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái và đã nhận được 80% đơn hàng cho quý 4/2022.

Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã chứng khoán: TCM – sàn HoSE) vừa cho biết, trong tháng 8 vừa qua, đạt 19,402 triệu USD doanh thu và 1,368 triệu USD lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 185% và 485% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cho biết mặc dù chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí xăng dầu và chi phí logistics tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay nhưng công ty đã nỗ lực gia tăng năng suất và cắt giảm chi phí, qua đó giúp nâng cao kết quả kinh doanh.

Doanh thu tháng 8 của Dệt may Thành Công đến từ 3 mảng chính, gồm sản phẩm may (chiếm 77% tổng doanh thu), vải (chiếm 15%) và sợi (chiếm 7%). Xét về cơ cấu thị trường, Hoa Kỳ hiện là thị trường lớn nhất của Dệt may Thành Công, chiếm 39,57% tổng doanh thu trong tháng 8. Theo sau là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, lần lượt chiếm 21,59%, 20,2% và 8,81% tổng doanh thu. Công ty cũng xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường khác như Canada, Đài Loan, Vương quốc Anh…

Luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt 127,715 triệu USD và lợi nhuận sau thuế đạt 8,08 triệu USD, lần lượt tăng 20% và tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với các mục tiêu kinh doanh đã đề ra, công ty hiện đã hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận của cả năm nay.

Tính đến tháng 9, công ty đã có đủ đơn hàng cho quý 3/2022, nhận khoảng hơn 80% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý 4/2022 và bắt đầu nhận một số đơn hàng cho quý 1/2023.

Giá cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công
Diễn biến giá cổ phiếu TCM của Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công từ đầu năm 2022 đến hết ngày 23/9/2022 (Nguồn: FireAnt)

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/9/2022, cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công đạt 43.200 đồng/cổ phiếu.

Dệt may Thành Công cho biết để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty vừa qua đã chọn đối tác World Fashion Exchange (Ấn Độ) để triển khai hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Dự án ERP sẽ được Dệt may Thành Công triển khai trong tháng 10/2022, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 2/2024.

Công ty kỳ vọng hệ thống ERP sẽ giúp công ty tối ưu hơn nữa công tác quản trị, kiểm soát chi phí, nâng cao năng suất, giảm thời gian hoàn thành đơn hàng, chuẩn hoá mẫu hàng và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hệ thống ERP sẽ giúp công ty cải thiện công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm (R&D), dịch vụ logistics và dịch vụ khách hàng.

Bên cạnh đó, công ty đã hợp tác với Viện nghiên cứu dệt may Hàn Quốc (KOTITI Global) gia tăng công tác R&D, để phát triển các loại vải có tính năng nổi trội, mang lại giá trị sản phẩm cao hơn.

Hiện Dệt may Thành Công đang sở hữu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh gồm sợi, dệt, đan, nhuộm, may và phân phối, giúp công ty tự chủ động nguồn cung vải, ổn định biên lợi nhuận, giảm phụ thuộc đáng kể vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu – “điểm nghẽn” của ngành dệt may Việt Nam. Công ty đang xem xét kế hoạch đầu tư mở rộng nhà máy nhuôm và đan tại tỉnh Vĩnh Long nhằm tăng thêm 33% công suất vải đan và 50% công suất vải dệt.

Quỳnh Trang