Dệt may Thành Công: Lợi nhuận tháng 4 tăng đột biến 80%, lượng đơn hàng quý 3 đã đạt 65% kế hoạch

Dệt may Thành Công cho biết lợi nhuận sau thuế tháng 4 tăng gần 81% so với cùng kỳ tháng 4/2022, đạt hơn 1,51 triệu USD, chủ yếu nhờ thương vụ chuyển nhượng 1,2 triệu cổ phiếu SAV. Công ty cũng cho biết đã nhận được 65% đơn hàng theo kế hoạch doanh thu trong quý 3/2023.
Dệt may Thành Công
Dệt may Thành Công cho biết hiện công ty đã nhận được khoảng 80% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý 2/2023 và nhận khoảng 65% đơn hàng cho quý 3/2023.

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã chứng khoán: TCM – sàn: HoSE) cho biết, trong tháng 4 vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu đạt 10,587 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 1,515 triệu USD, tăng 80,8% so với tháng 4/2022. Lợi nhuận trong tháng 4 của Dệt may Thành Công đến từ hoạt động dệt may, chuyển nhượng cổ phiếu và nhận được một phần khoản phải thu từ khách hàng Sear-Kmart.

Cụ thể, trong tháng 4, Dệt may Thành Công đã chuyển nhượng gần 1,2 triệu cổ phiếu SAV của Công ty Cổ phần Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu (Savimex). Sau giao dịch, công ty còn nắm giữ 203.000 cổ phiếu SAV.

Dệt may Thành Công cho biết doanh thu dệt may tháng 4 đến từ 3 mảng chính, gồm sản phẩm may (chiếm 78% tổng doanh thu dệt may), vải (chiếm 15%) và sợi (chiếm 5%). Xét về thị trường xuất khẩu, các đối tác tại châu Á chiếm hơn 54% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của công ty trong tháng 4 vừa qua; theo sau là châu Mỹ (chiếm 41%), châu Âu (chiếm 3,3%) và châu Đại Dương (chiếm 0,8%).

Trong đó, thị trường Hoa Kỳ là thị trường chủ lực của công ty (chiếm 36,15% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may), theo sau là Hàn Quốc (chiếm 20,98%) và Nhật Bản (chiếm 15,98%). Dệt may Thành Công cho biết, do ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế, lạm phát cao tại hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian qua, người tiêu dùng tại các thị trường này đã giảm chi tiêu cho những mặt hàng không phải là hàng thiết yếu, trong đó có hàng dệt may. Điều này làm cho tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam, bao gồm của công ty bị giảm sút. Tuy nhiên, nhờ vào chiến lược đa dạng hoá thị trường, trong đó có thị trường châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như chú trọng phát triển thị trường nội địa với mảng vải sợi để giảm thiểu rủi ro, kết quả kinh doanh của Dệt may Thành Công vẫn ghi nhận nhiều điểm tích cực so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt 47,26 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho biết mặc dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính là dệt may sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 theo tỷ lệ sụt giảm doanh thu cũng như tình hình khó khăn chung của toàn ngành dệt may Việt Nam, nhưng nhờ vào khoản lợi nhuận từ hoạt động tài chính nên lợi nhuận sau thuế 4 tháng đầu năm nay đạt 3,757 triệu USD. Con số này chỉ giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2022.

Dệt may Thành Công cho biết hiện công ty đã nhận được khoảng 80% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý 2/2023 và nhận khoảng 65% đơn hàng cho quý 3/2023. Công ty nhận định theo tình hình đơn hàng thực đến đến thời điểm hiện tại và thông lệ, đơn hàng quý 3 và quý 4 sẽ khả quan hơn khi người tiêu dùng tại Hoa Kỳ và các thị trường khác sẽ chi tiêu, mua sắm nhiều hơn cho mùa lễ hội.

Duy Quang