Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

ThS. Nguyễn Bích Ngọc (Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải)

Tóm tắt:

Ngành Thủy sản hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Thương hiệu thủy sản Việt Nam đang dần được khẳng định và được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, việc định hướng chiến lược phát triển cho ngành Thủy sản theo từng giai đoạn khi mà thị trường thế giới có những biến động lớn là điều thực sự cần thiết. Trước những khó khăn và thách thức của dịch bệnh Covid-19, căng thẳng giữa Nga và Ukraina cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực trên thế giới, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội nhiều hơn nữa để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản, thể hiện được vai trò quan trọng và vị trí không thể thay thế trên trường quốc tế. Bài viết bàn đến những thách thức và cơ hội, đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong giai đoạn tới đây.

Từ khóa: thủy sản, đẩy mạnh, cơ hội, thách thức.

1. Đặt vấn đề

Thủy sản được coi là mặt hàng xuất khẩu truyền thống ở Việt Nam lâu nay. Không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế, ngành Thủy sản nói chung còn góp phần quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người dân cả nước. Ngày 1/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm làng cá Cát Bà (TP Hải Phòng) sau những ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc. Và để ghi nhớ sự kiện này, ngày 1/4 hàng năm được chọn là ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong xu thế mở cửa và hội nhập đất nước, ngành Thủy sản luôn coi xuất khẩu là động lực và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này. Việc ngành Thủy sản chú trọng đầu tư ngày một nhiều hơn và đúng hướng đã hình thành tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế thủy sản, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nghề cá cả nước, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Các lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản đều được định hướng phát triển phục vụ xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu đã trở thành động lực lớn để thúc đẩy khai thác và nuôi trồng thủy sản. Những năm vừa qua, ngành Thủy sản đã chủ động đẩy mạnh việc áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu tới nhiều nước hơn nữa.

Từ những năm 1990, ngành Thuỷ sản đã tập trung đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm. Từ đó, ngành hàng Thuỷ sản của Việt Nam đã tiếp cận và từng bước đáp ứng những đòi hỏi cao nhất về lĩnh vực này trên thị trường thế giới.

Cụ thể, về lĩnh vực nuôi trồng, từ chỗ là một nghề sản xuất phụ, mang tính tự cấp, tự túc, đến nay, nuôi trồng thủy sản đã trở thành một ngành hàng hóa tập trung, phát triển trên tất cả các loài thủy vực nước ngọt, lợ, mặn theo hướng bền vững. Về hoạt động chế biến xuất khẩu, Việt Nam đã tiếp cận với trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến của khu vực và thế giới trong một số lĩnh vực chế biến thuỷ sản. Sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đảm bảo chất lượng và có tính cạnh tranh, tạo dựng được uy tín trên thị trường thế giới. Các cơ sở sản xuất không ngừng được gia tăng, đầu tư, đổi mới. Đây là hướng phát triển tất yếu để duy trì và giữ vững vị thế xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trên trường Quốc tế hiện nay.

2. Thực trạng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam

Trong những năm qua, ngành Thủy sản Việt Nam đã nắm bắt được điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, đạt được nhiều kết quả ấn tượng như đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động địa phương, làm thay đổi bộ mặt phát triển nhiều địa phương trong cả nước,... Từ năm 2011 đến năm 2020, ngành Thủy sản đã có bước phát triển vượt bậc. Tổng giá trị xuất khẩu của giai đoạn này lớn hơn nhiều tổng giá trị xuất khẩu trong giai đoạn 14 năm trước đó. (Hình 1)

Hình 1: Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2020

 xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam

Về sản phẩm xuất khẩu: thủy sản nuôi để xuất khẩu chủ yếu là tôm và cá tra. Xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng cao nhất, tăng trưởng cao nhất và ổn định nhất. Từ năm 1998 đến năm 2020, giá trị xuất khẩu tăng gấp hơn 8 lần từ 457 triệu USD lên 3,73 tỷ USD năm; tăng trưởng trung bình hàng năm ở mức 10%. Tỷ lệ giá trị xuất khẩu tôm trong tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản ngày càng gia tăng, từ 36% đến 50%. Còn xuất khẩu cá tra tăng gấp 162 lần, từ 9,3 triệu USD năm 1998 lên 1,5 tỷ USD năm 2020; tăng trưởng trung bình hàng năm ở mức 26%. Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị xuất khẩu cá tra trong tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản giảm từ 32% xuống 18%. Còn với hoạt động xuất khẩu hải sản thì giá trị xuất khẩu hải sản chiếm 30- 35% tổng giá trị XK thủy sản. Từ năm 1998 đến năm 2020, kim ngạch tăng gấp 10 lần, từ 315 triệu USD năm 1998 lên 3,2 tỷ USD năm 2020, có mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 11%. 

Về thị trường xuất khẩu: từ khi phát triển hoạt động xuất khẩu thuỷ sản đến nay, Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu hàng thủy sản đến hơn 160 thị trường trên thế giới. Trong đó đứng đầu là các nước: Mỹ, khối EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, Anh, Canada, Nga, chiếm khoảng 92-93% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản sang các nước trong khối EU chững lại; xuất khẩu thủy sản sang các nước khối ASEAN, Hàn Quốc vẫn ổn định, còn  xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất và xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản cũng duy trì tăng trưởng khả quan. (Hình 2)

Hình 2: Thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam năm 2020

 xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam

Có thể thấy, những thị trường chính đem lại nguồn lợi lớn cho Việt Nam từ hoạt động xuất khẩu thuỷ sản là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước trong khối EU,… Trong đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng thủy sản Việt Nam và Trung Quốc là thị trường tiềm năng của nước ta.

Số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 117,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm gần 9% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ các nền kinh tế bên ngoài. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới được nhận định là sẽ tăng trưởng rất khả quan do dư địa xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc còn rất lớn, đặc biệt khi quy định hạn chế các hoạt động công cộng, dịch vụ giải trí, du lịch tại nhiều nơi được nới lỏng sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản ngày càng nhanh nhạy với thông tin, nhu cầu của thị trường, nắm vững được các quy định, tiêu chuẩn và đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc. Hơn thế nữa, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được phép tham gia xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Đây là một trong những bước tiến để thuỷ sản Việt nam xâm nhập sâu rộng hơn nữa vào thị trường tiềm năng có dân số đông nhất thế giới này.

3. Cơ hội và thách thức của thuỷ sản Việt Nam

hội

- Việt Nam có nhiều yếu tố được thiên nhiên ban tặng như đường bờ biển dài, hệ thống sông, hồ đa dạng, thuận lợi cho việc nuôi trồng các loại thủy sản. Hơn nữa, biển của Việt Nam có nhiều dòng hải lưu nóng, lạnh khác nhau nên nguồn cá, hải sản khá phong phú. Ngư dân Việt Nam lại có truyền thống đi biển khai thác hải sản lâu đời, hình thành các làng nghề đánh cá xa bờ. Do đó, Việt Nam có thể cung cấp khối lượng lớn thủy sản an toàn, chất lượng ổn định nhờ nguồn cung dồi dào và từ tiềm năng của 28 tỉnh ven biển, có nguồn đất, nguồn nước nuôi trồng thuỷ sản và ngành chế biến phát triển với hơn 600 doanh nghiệp xuất khẩu.

- Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm phát triển ngành Thuỷ sản với mục tiêu và kế hoạch phát triển lớn, tạo lập hệ thống sản xuất - kinh doanh có chiến lược, bài bản. Hơn nữa, ngành Thuỷ sản và các doanh nghiệp thuỷ sản ngày càng quan tâm đến vệ sinh An toàn thực phẩm, trách nhiệm môi trường - xã hội, các nhà máy chế biến đều áp dụng HACCP, ngày càng nhiều vùng nuôi, nhà máy chế biến đạt các chứng nhận bền vững như ASC, GLOBAL GAP, MSC,VietGAP,… Nhờ đó, thuỷ sản Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng trong khu vực và thế giới ưa chuộng.

- Công nghệ chế biến phát triển có thể tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao. Nguồn lao động có tay nghề cao, nguồn cung hàng khá ổn định và có sự áp dụng các mô hình khép kín, liên kết chuỗi tốt trong các ngành hàng nên có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng các nước.

- Có nhiều hiệp định FTA với các nước và vùng lãnh thổ mang lại lợi thế về thuế xuất nhập khẩu và cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA với các nước tham gia, chiếm 73% giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó có 13 FTA đã ký và chiếm 71% giá trị xuất khẩu thuỷ sản. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020 và hiệp định UKVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang EU và Anh, tạo nhiều điều kiện hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

- Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, một cuộc khủng hoảng lương thực đang âm thầm diễn ra và cũng hết sức gay gắt. Các số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, giá lương thực đã tăng 30% trong vòng một năm qua do dịch bệnh Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị thắt chặt. Để ứng phó trước tình trạng này, có ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn cắt giảm xuất khẩu và tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm cho nước mình. Những động thái này được đánh giá là có thể khiến cho tình hình khan hiếm lương thực càng trở nên tồi tệ hơn, khiến giá cả tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng khắp nơi trên thế giới.

Là một quốc gia có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam được tin tưởng sẽ là nguồn cung cấp lương thực quan trọng, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi. Đây được coi như là một cơ hội mang tính chiến lược cho Việt Nam. Khi đã có nguồn hàng hóa dồi dào, ổn định và chất lượng thì nước ta có thể dễ dàng thỏa thuận hợp tác cung cấp dài hạn sản phẩm cho nhiều nước khác. Khi đó, Chính phủ có thể ký các hợp đồng khung với các nước, vừa thể hiện vai trò quan trọng của Việt Nam, vừa  tạo ra được một “quyền lực mềm” để tái đầu tư cho sản xuất trong nước.

Thách thức

- Ngành Thủy sản nước ta hiện nay đang phải đối mặt với yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu. Điều này tác động nghiêm trọng tới việc quy hoạch, cơ cấu sản xuất và tập quán nuôi trồng thủy sản của người dân. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ở sông, hồ, một số vùng biển khiến thủy sản chết hàng loạt, ảnh hưởng lớn đến sản lượng và chất lượng thuỷ sản xuất khẩu.

- Tình trạng tăng trưởng “nóng” của một số thị trường thủy sản cũng để lại nhiều hệ lụy, nhất là tình trạng được mùa nhưng lại mất giá. Ngoài ra, sự thay đổi về tỷ giá, biến động thị trường cũng tác động mạnh đến doanh nghiệp và toàn ngành Thủy sản.

- Rõ ràng, các thị trường chắc chắn rất chú trọng kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc như "thẻ vàng IUU" mà châu Âu đang gắn cho sản phẩm thủy sản từ Việt Na Các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước ngày càng khắt khe. Hiện nay, thị trường tiềm năng lớn là Trung Quốc vẫn đang tăng cường kiểm soát đối với hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu nên các doanh nghiệp thủy sản nước ta cần phải không ngừng nâng cao chất lượng và thực hiện đầy đủ quy định, hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 để đáp ứng được các yêu cầu của nước nhập khẩu. Riêng đối với những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, rất dễ có nguy cơ lượng hàng thủy sản bị trả về, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và uy tín của ngành Thủy sản Việt Nam.

- Sự căng thẳng giữa Nga và Ukraina, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đã gây ra những khó khăn lớn cho các doanh nghiệp. Giá dầu tăng và liên tục tạo đỉnh mới đã khiến giá cước vận tải tăng và khiến các chi phí đầu vào tăng theo. Xuất khẩu thủy sản phải đối mặt với các thách thức lớn trong thời gian tới do sự khan hiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất xuất khẩu, như việc tăng giá cước tàu cùng với các chi phí đầu vào tăng. Các đơn hàng xuất khẩu thời điểm này là đơn hàng đã ký trước và trong giai đoạn dịch Covid-19. Do vậy, giá xuất chưa bù đắp được sự tăng lên về chi phí sản xuất giai đoạn này. Đây là gánh nặng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, làm giảm bớt lợi nhuận của họ.

- Việc TP. HCM thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa, ra các quy định kiểm dịch hàng thủy sản đông lạnh đối với những nguyên liệu nhập khẩu dùng làm thực phẩm chế biến xuất khẩu cũng là những vấn đề khó khăn với các doanh nghiệp thủy sản.

4. Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng thuỷ sản Việt Nam

Ngày 11/3/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Quyết định số 339/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể:

* Mục tiêu chung đến năm 2030:

Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

* Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 đối với ngành Thuỷ sản

a) Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm.

b) Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn.

c) Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD.

d) Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Việt Nam cần tập trung chủ yếu vào 3 trụ cột quan trọng là nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản; gắn tăng trưởng thủy sản với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; nuôi trồng thủy sản xuất khẩu phải góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người lao động.

Một số giải pháp sau đây hướng đến việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới:

- Ngành Thủy sản điều chỉnh sản xuất từ phát triển theo số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm tăng giá trị và lợi nhuận, khuyến khích DN áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế khác để nâng cao giá trị hàng thủy sản xuất khẩu, đồng thời thực hiện kiểm soát việc phòng dịch Covid -19 thật tốt để các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu đảm bảo đầy đủ yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu và không bị trả hàng về.

- Các doanh nghiệp cần được kết nối và khai thông các vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ và cơ quan chức năng cần tạo thêm các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua việc rà soát lại các thủ tục hành chính phiền hà, phức tạp; giảm thời gian kiểm nghiệm, cấp chứng thư; đẩy mạnh áp dụng việc đăng ký điện tử thông quan hàng hóa.

- Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố sống còn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nên khuyến khích các doanh nghiệp phát huy sáng kiến, ứng dụng giải pháp công nghệ trong sản xuất và có các chính sách đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Việc phổ biến liên tục và thường xuyên các kiến thức khoa học, kinh nghiệm về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản sẽ góp phần nâng cao năng lực của các trung tâm khuyến ngư, tăng cường chất lượng đội ngũ nhân lực ngành Thuỷ sản trong những năm về sau.

- Thực hiện các đề án, dự án bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; áp dụng mô hình chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ không thân thiện với môi trường sang các ngành nghề khác có hiệu quả kinh tế cao. Chính phủ cần ban hành chế tài “mạnh tay” hơn trong kiểm soát các loại thủy sản bị cấm xuất khẩu; thực hiện nghiêm quy định xử phạt theo Luật Bảo vệ môi trường.

- Cần có sự quan tâm hơn nữa đến đời sống của những người lao động trong ngành Thuỷ sản do tình hình phân phối lợi ích trong quá trình sản xuất và xuất khẩu thủy sản hiện nay còn nhiều bất cập. Hoàn thiện hơn nữa các điều luật về quyền lao động, cải thiện điều kiện lao động; đảm bảo phân phối hợp lý lợi ích giữa những người tham gia quá trình sản xuất - xuất khẩu thủy sản nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, xung đột xã hội.

Về cơ bản, ngành Thủy sản đang được đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, mang lại năng suất cao, sản phẩm chất lượng. Việc phát triển xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới; đồng thời, từng bước góp phần nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân. Và việc này cần được gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trung tâm thông tin thuỷ sản, Quá trình phát triển. Truy cập tại:
  2. https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/gi%E1%BB%9Bi-thi%E1%BB%87u/-qu%C3%A1-tr%C3%ACnh-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n
  3. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Tổng quan Ngành. Truy cập tại:
  4. https://vasep.com.vn/gioi-thieu/tong-quan-nganh
  5. Nguyên Anh (2020). Chiến lược phát triển thuỷ sản: Thế và lực mới. Truy cập tại:
  6. https://thuysanvietnam.com.vn/chien-luoc-phat-trien-thuy-san-the-va-luc-moi/
  7. Chính phủ (2021), Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  8. Ngọc Lâm (2022), 4 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thuỷ sản tăng 2,2%. Truy cập tại:
  9. https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/4-thang-dau-nam-2022-tong-san-luong-thuy-san-tang-2-2-693984

PROMOTING VIETNAM’S SEAFOOD EXPORTS IN THE CURRENT CONTEXT

Master. Nguyen Bich Ngoc

University of Transport Technology

Abstract:

The seafood industry is now one of Vietnam’s spearhead economic sectors, and it has made important contributions to the country's economic development. Vietnam's seafood brand is gradually being affirmed and welcomed by many countries around the world. Therefore, it is necessary to have strategic development orientations for Vietnam’s seafood industry in each period when the global market experiences large fluctuations. Facing the difficulties and challenges from the COVID-19 pandemic, the Russia – Ukraine conflict, the energy and food crises in the world, Vietnam needs to better take advantage of opportunities to promote its seafood exports to concrete its role and position in the global market. This paper discusses challenges and opportunities, and makes some recommendations to boost Vietnam's seafood exports in the coming time.

Keywords: seafood, promoting, opportunity, challenge.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]