Đáp ứng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang EU: Kinh nghiệm từ một doanh nghiệp

Từ kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu theo GSP, May 10 đã chủ động đàm phán với đối tác để họ chỉ định nguồn nguyên liệu từ các nước EU, Thái Lan, Malaysia… và mới đây là Hàn Quốc để đáp ứng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang EU.
May hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu tại Tổng Công ty Cổ phần May 10 (Garco 10)
Làm hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10

 

Những năm đầu của 2010, khi Việt Nam và EU mới khởi động đàm phán EVFTA, Tổng Công ty May 10-CTCP (May 10) sử dụng Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) để xuất khẩu sang EU với những lợi thế và những khó khăn nhất định.

Về thuận lợi, hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam sẽ có những ưu đãi về thuế khi nhập khẩu vào các nước có chế độ GSP trên cơ sở đơn phương (không đòi hỏi có đi, có lại). Tức là họ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của nước ta nhập vào thị trường của họ mà không đòi hỏi yêu cầu ngược lại.

Nhờ có ưu đãi về thuế nhập khẩu dành cho Việt Nam, nên May 10 sẽ có động lực tăng số lượng các đơn hàng xuất đi EU. Số lượng đơn hàng tăng sẽ góp phần giải quyết được việc làm, đảm bảo tăng trưởng, thu hút đầu tư và ổn định năng lực sản xuất. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để May 10 tận dụng để đầu tư xây dựng, nâng cao cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống công nhân viên.

Khó khăn của việc tận dụng các lợi thế của GSP của May 10 chính là việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ nguyên liệu để xin được C/O form A (được hưởng ưu đãi).

Để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ nguyên liệu để xin được C/O form A, có 2 trường hợp: Sản phẩm có xuất xứ toàn bộ. Lúc đó, May 10 chưa thể đáp ứng được tiêu chuẩn này hoặc sản phẩm có thành phần nguyên liệu nhập khẩu.

Với May 10, đối với hàng FOB thì các nguyên liệu chính vẫn do khách hàng chỉ định và chủ yếu nhập từ Trung Quốc (không nằm trong quy tắc xuất xứ cộng gộp). Chỉ có một số ít đơn hàng, nguồn nguyên liệu chính nhập từ Thái Lan (5%), tuy nhiên khách hàng cũng không yêu cầu cấp form A khi May 10 xuất khẩu. Các phụ liệu May 10 tự mua ở trong nước vẫn còn chiếm tỉ lệ rất nhỏ (khoảng 10%).

Vì thế, hầu như May 10 không thể xin được C/O form A cho hàng FOB. Đối với hàng gia công, khách hàng gửi nguyên liệu cho May 10 sản xuất nguồn chính cũng không phải từ các nước trong khu vực được ưu đãi, hoặc có thì số lượng không đáng kể. Một số đơn hàng gia công, khách hàng cũng chỉ định May 10 mua vải trong nước, tuy nhiên May 10 cũng chưa phải làm form A cho khách hàng, do số lượng còn hạn chế và thị trường xuất khẩu cũng không phải là các nước được hưởng ưu đãi thuế.

Như vậy, mặc dù hệ thống GSP dành rất nhiều ưu đãi, thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, nhưng May 10 vẫn rất khó để có thể tận dụng được các ưu đãi đó.

Tuy nhiên, từ 2015, khi Việt Nam và EU công bố “kết thúc cơ bản đàm phán EVFTA” thì doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đầu tư vào nguyên phụ liệu dệt may mạnh mẽ, đặc biệt là Vinatex ngay trong năm 2015 đã triển khai 42 dự án với số vốn 6.360 tỷ đồng, trong đó tập trung vào khâu nguyên liệu, gồm 12 dự án dệt, 9 dự án sợi. Năm 2016 đầu tư tiếp 5.000 tỷ đồng vào các dự án sợi và dệt nhằm hoàn tất chuỗi cung ứng dệt-may.

Bởi vậy, đến tháng 8/2020, khi EVFTA có hiệu lực, May 10 với kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu theo ưu đãi GSP đã bắt nhịp ngay vào thỏa mãn các điều kiện xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Nhiều mã hàng là thế mạnh của May 10 đã về 0% ngay từ 1/8/2020 như các mã HS 6204, 6203, 6104… Trong khi hàng xuất khẩu theo GSP là 9%.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết: Tổng Công ty May 10 tính toán đến chiến lược phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích của EVFTA cùng nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác.

"Với Tổng công ty 10 chúng tôi, thì trong các chủng loại sản phẩm của May 10 đang xuất khẩu vào châu Âu, thì cũng có những chủng loại sản phẩm có được hưởng về thuế bằng không ngay. Chúng tôi có thể sử dụng chuỗi cung ứng dệt may để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ từ vải”.

Từ kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu theo GSP, May 10 đã chủ động đàm phán với đối tác để họ chỉ định nguồn nguyên liệu từ các nước EU, Thái Lan, Malaysia… và mới đây là Hàn Quốc, sau khi Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã ký Thư trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc để triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU vào cuối năm 2020.

Vụ Bản