Đắk Nông đẩy mạnh phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa

Những năm qua, cùng với chính sách chung của Nhà nước về phát triển thương mại về khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các loại hình thương mại gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất, kinh doanh. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao thu nhập người dân, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Cụ thể, tỉnh Đắk Nông tập trung xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế. Các cơ quan, ban ngành chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập, xây dựng mô hình thí điểm mua bán hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức sản xuất, kinh doanh xây dựng điểm bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế, đặc trưng, đặc sản của địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên địa bàn tỉnh và của các tỉnh, thành trong cả nước.

Sản phẩm OCOP của Đắk Nông

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông triển khai các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Tháng 9.2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại xã Thuận An, H.Đắk Mil. Đây là vùng cà phê CNC đầu tiên ở Đắk Nông có liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước đột phá, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vùng cà phê này có tổng diện tích 335 ha, với 186 hộ nông dân ở các thôn Thuận Hạnh, Đức An và HTX Công Bằng Thuận An tham gia sản xuất. Người dân nơi đây đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ… để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng thị trường.

Trước đó, tỉnh Đắk Nông đã công nhận 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC khác. Trong đó, vùng sản xuất lúa ứng dụng CNC tại xã Buôn Choáh (H.Krông Nô) có diện tích gần 550 ha; hai vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng CNC tại xã Thuận Hà (416 ha) và Thuận Hạnh (1.133 ha) cùng H.Đắk Song.


Tỉnh cũng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, bảo quản sau thu hoạch và chế biến; sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho những mặt hàng có tiềm năng, lợi thế để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất hàng hóa tại miền núi, vùng sâu, vùng xa tiếp cận, trao đổi, thỏa thuận, hợp tác về hệ thống phân phối hàng hóa trên cả nước để xây dựng một quy trình ổn định cung cấp hàng hóa từ vùng sản xuất đến các cơ sở bán buôn và bán lẻ.

Mặt khác, tỉnh Đắk Nông khuyến khích phát triển thương nhân, doanh nghiệp là người dân địa phương tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và các thương nhân, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh hỗ trợ kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại miền núi vùng sâu, vùng xa và đẩy mạnh liên kết bền vững, thường xuyên giữa các doanh nghiệp tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa với nhau.

Để phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, tỉnh Đắk Nông khuyến khích phát triển hệ thống doanh nghiệp cung ứng các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh tại miền núi, vùng sâu, vùng xa phù hợp với từng khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế trên địa bàn. Rà soát và triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư, kịp thời sửa đổi, bổ sung để thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo chợ tại khu vực miền núi, biên giới.

Đồng thời, Đắk Nông ưu tiên các nguồn lực xây dựng hệ thống chợ, trung tâm thương mại, hệ thống bán buôn, bán lẻ, cửa hàng tiện ích hiện đại nhằm phát triển các mô hình thương mại – dịch vụ gắn với sản xuất, chế biến với lưu thông, phân phối hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và nâng cao đời sống của nhân dân.

Song song với đó, tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, các giải pháp công nghệ số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuổi cung ứng và tăng khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức triển khai các hoạt động liên kết vùng, miền nhằm tăng cường các hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị cho sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức các phiên chợ hàng việt tại địa bàn khó khăn.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông cũng thường xuyên tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, thương nhân, doanh nghiệp.…trên địa bàn để nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về quản lý và phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Quá trình thực hiện, địa phương chủ động nghiên cứu, xây dựng các nội dung thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên các ấn phẩm, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, bản tin, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tin rằng, với những hoạt động đa dạng, phong phú, liên tục của tỉnh Đắk Nông đã và đang phát huy hiệu quả trong phát triển hệ thống chính sách; đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương. Đồng thời, tăng cường năng lực cho cán bộ, nhân dân của tỉnh, huyện, xã về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Lê Minh Tuấn