Đăk Lắk: Triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành kế hoạch số 1987/CTr-UBND ngày 15/3/2022 Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023.

Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII.

ông Đinh Xuân Hà – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
ông Đinh Xuân Hà – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk

Trao đổi vớp phóng viên Tạp chí Công Thương, ông Đinh Xuân Hà – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã đề ra Sở triển khai Thực hiên chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk theo các nội dung:

Về kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành, địa phương tham mưu hoàn thành Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đây là nội dung hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, là tiền đề tạo động lực để phát triển tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục phối hợp, tham gia ý kiến với các ngành để sớm trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch sử đụng đất thời kỳ 2021-2030. Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 15 đơn vị hành chính cấp huyện, là cơ sở cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư và thu hút đầu tư, góp phần huy động vốn để phát triển kinh tế của tỉnh.

Về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công

Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công hàng năm. Đôn đốc, tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất so với kế hoạch để ra, sớm đưa các công trình đã đầu tư vào sử dụng hiệu quả.

Ưu tiên bố trí vốn để triển khai thực hiện hiệu quả những dự án có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và của tỉnh; các dự án hạ tầng kết nối trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hệ thống Tỉnh lộ, các dự án kết nối với các vị trí thuận lợi thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo động lực cho tăng trưởng.

Một trong 3 dự án đột phá tạo tăng trưởng của tỉnh là đầu tư hạ tầng giao thông. Dự án đường Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đã được Chính phủ đồng ý đưa vào danh mục các công trình triển khai từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023. Việc xây dựng tuyến đường cao tốc sẽ đáp ứng việc kết nối, phát triển mạnh hơn nữa kinh tế Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, UBND tỉnh rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn để cân đối vốn đối ứng theo yêu cầu của Chính phủ, để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án tại tỉnh là gần 1.000 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư

Sở đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư; giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật về thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư. Sở cùng với các ngành, địa phương xây dựng danh mục quy mô dự án kêu gọi đầu tư tại các địa phương trong tỉnh. Xây dựng danh mục 109 dự án, khu vực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm-thủy sản trên địa bản tỉnh. Kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm đi vào hoạt động.

Rà soát, tham mưu UBND tỉnh danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2022-2025; Sở tham mưu UBND tỉnh Đăk Lắk ban hành Quy định trình tự, cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư và quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh (thay thế Quyết định số 32), làm cơ sở cho việc giải quyết các thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước (ODA, FDI), cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương và địa phương để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn nước ngoài, viện trợ nước ngoài cho các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Thu hút đầu tư năng lượng tái tạo vào Đăk Lắk
Thu hút đầu tư năng lượng tái tạo vào Đăk Lắk

Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã

Sở tiếp tục nghiên cứu, đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết nhiều TTHC, đặc biệt trong lĩnh vực ĐKKD; làm tốt vai trò của cơ quan tham mưu về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục tham mưu triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tham mưu UBND tỉnh kịp thời tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh để tham mưu tháo gỡ, giúp doanh nghiệp, HTX khôi phục sản xuất kinh doanh, thích ứng an toàn linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Tập trung triển khai có hiệu quả một số nội dung do Sở chủ trì tham mưu như: Nghị quyết số 9/2021/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển KTTT giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; triển khai Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV…. tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX tiếp cận các nguồn hỗ trợ, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch.

Thành phố Buôn Ma Thuột
Thành phố Buôn Ma Thuột

Để triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2022 và thời gian tới Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Đẩy mạnh huy động có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh; triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Mê Thuột, trọng tâm là phối hợp trình Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Mê Thuột phát triển thành thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Qua đó làm cơ sở đẩy mạnh thu hút đầu tư các nguồn vốn, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển KT-XH của TP. Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk.

Văn Thắng