Đặc điểm tình hình phân phối thu nhập của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long

TS. Bùi Thị Kim Thanh - Phạm Lê Đông Hậu (Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ)

Tóm tắt:

Bài báo nghiên cứu đặc điểm của tình trạng bất bình đẳng thu nhập hộ gia đình tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở số liệu điều tra mức sống dân cư được khảo sát bởi Tổng cục Thống kê Việt Nam, nghiên cứu cho thấy mức độ bất bình đẳng thu nhập tại vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ đến từ chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn, mà còn có sự đóng góp rất lớn từ sự khác biệt thu nhập giữa các hộ gia đình trong cùng khu vực thành thị và sự khác biệt thu nhập giữa các hộ gia đình trong cùng khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, yếu tố khu vực sinh sống có ảnh hưởng nhiều hơn đến mức độ bất bình đẳng thu nhập so với các yếu tố đặc điểm hộ gia đình.

Từ khóa: phân phối thu nhập, tăng trưởng kinh tế, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới và của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong giai đoạn gần đây, tình hình phân phối thu nhập của người dân trong nước có sự cải thiện đáng kể song song với việc tăng trưởng kinh tế. Mức độ bất bình đẳng thu nhập đo lường theo chỉ số Gini có xu hướng giảm từ 0,431 (năm 2016) xuống 0,373 (năm 2020). Chiều hướng giảm này cũng xảy ra ở các vùng kinh tế trọng điểm và ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (chỉ số Gini giảm từ 0,405 ở năm 2016 xuống 0,372 ở năm 2020). Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 8,23% xuống còn 2,75% trong cùng giai đoạn.

Các nghiên cứu đã thực hiện về tình hình phân phối thu nhập của người dân ở Việt Nam phần nào giải thích tác động của một số yếu tố trong nền kinh tế (chẳng hạn như sự thay đổi trong trình độ học vấn, thị trường lao động, thị trường tài chính) có ảnh hưởng đến vấn đề bất bình đẳng thu nhập. Các nghiên cứu cố gắng ước lượng mối quan hệ nhân quả của từng yếu tố đơn lẻ đến tình hình phân phối thu nhập và tập trung lý giải cho phạm vi nền kinh tế chung của cả nước. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu đi sâu phân tích đặc điểm cụ thể của tình hình bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam, cũng như tại các địa phương cụ thể. Hiểu rõ đặc điểm này có thể hỗ trợ tốt cho định hướng chính sách, đặc biệt là nhóm chính sách liên quan đến điều tiết và phân phối thu nhập, giúp việc hoạch định chính sách trở nên hiệu quả hơn.

2. Tổng quan nghiên cứu

Với đà tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Việt Nam từ sau giai đoạn đổi mới, thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm. Câu hỏi đặt ra là liệu tăng trưởng kinh tế có giúp thu nhập cá nhân được phân phối đồng đều hơn, hay chênh lệch hơn? Một số nhà nghiên cứu đã tìm câu trả lời thông qua việc phân tích tác động của những kết quả có được từ tăng trưởng kinh tế lên sự chênh lệch trong phúc lợi giữa các cá nhân, hoặc lên mức độ nghèo đói trong xã hội.

Nghiên cứu của Lê Quốc Hội và Chu Minh Hội (2015) chứng minh rằng mức độ phát triển cao của thị trường tài chính làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam. Thêm vào đó, các yếu tố liên quan đến vốn con người như trình độ học vấn, suất sinh lợi của học vấn càng làm vấn đề này thêm trầm trọng (Le và Booth, 2014). Đồng thời, khác biệt trong lợi ích có được từ tăng trưởng kinh tế xuất phát từ sự khác biệt giữa các dân tộc cũng làm gia tăng sự phân hóa trong thu nhập ở Việt Nam (Kang và Imai, 2012). Những bằng chứng tương tự về tác động của tăng trưởng kinh tế lên tình trạng phân phối thu nhập ở các quốc gia khác cũng được công bố trong nhiều nghiên cứu trong giai đoạn gần đây, đơn cử như các nghiên cứu của Park và Mercado (2015), Tridico (2017) và Hailemariam (2021).

Bên cạnh nhiều nhân tố tác động tiêu cực đến tình trạng bất bình đẳng thu nhập, dòng kiều hối và tiền công trả cho lao động di cư từ nông thôn ra thành thị được xem như những yếu tố giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa hai khu vực này (Le và Booth, 2014; Benjamin, Brandt và McCaig, 2017; Bui và Imai, 2019). Trần Huy Phương và cộng sự (2021) cho thấy việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giúp bình đẳng hóa thu nhập giữa lao động nam và lao động nữ. Thêm vào đó, sự phát triển của thị trường lao động cũng góp phần giúp thu nhập tại Việt Nam được phân phối đồng đều hơn nhờ vào việc tăng cơ hội việc làm cho toàn dân (Benjamin, Brandt và McCaig, 2017).

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp phân tách theo nhóm (decomposition by population subgroups) (Shorrocks, 1984) để xác định rõ đặc điểm cấu thành của tình hình bất bình đẳng thu nhập tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, mức độ bất bình đẳng thu nhập được phân chia thành 2 yếu tố thành phần, gồm: bất bình đẳng trong nhóm (within-group inequality) và bất bình đẳng giữa các nhóm (between-group inequality). Ý tưởng cơ bản của phương pháp này được hiểu như sau. Mức độ bất bình đẳng thu nhập chung của toàn vùng được cấu thành bởi sự chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư trong vùng và bởi cả mức độ bất bình đẳng thu nhập nội bộ trong các nhóm dân cư này.

Chỉ số đo lường bất bình đẳng chung toàn vùng Ι (θ) được phân tách thành 2 thành phần cụ thể như sau:

thu nhập

Thành phần thứ nhất đo lường bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư trong vùng, thành phần thứ hai đo lường mức độ bất bình đẳng nội bộ trong các nhóm dân cư này. Trong đó,  và  lần lượt là tỷ lệ của tổng dân số thuộc nhóm k và thu nhập trung bình của nhóm k. Tổng trọng số của các bất bình đẳng trong nội bộ nhóm được ghi nhận thông qua Ι(k∶θ).

Trong nghiên cứu này, có 3 tiêu chí được dùng để phân chia các hộ gia đình tại vùng đồng bằng sông Cửu Long thành các nhóm dân cư nhỏ hơn. Tiêu chí đầu tiên là khu vực sinh sống của hộ gia đình, hộ gia đình sinh sống tại thành thị và hộ gia đình sinh sống tại nông thôn. Tiêu chí này được chọn dựa theo thực tế chênh lệch trong thu nhập bình quân giữa hai khu vực. Tiêu chí thứ  hai là giới tính của chủ hộ. Nhóm các hộ gia đình có chủ hộ là nam và các hộ gia đình có chủ hộ là nữ có thể có sự khác biệt trong thu nhập. Sau cùng là tiêu chí về trình độ học vấn của chủ hộ. Quan điểm phổ biến cho rằng, các hộ gia đình mà chủ hộ trình độ học vấn cao có xu hướng thu nhập cao hơn các hộ còn lại. Theo tiêu chí này, bài nghiên cứu chia các hộ tại đồng bằng sông Cửu Long thành 2 nhóm: nhóm có chủ hộ đã tốt nghiệp trung học phổ thông và nhóm có chủ hộ chưa tốt nghiệp trung học phổ thông.

Số liệu phân tích trong bài được lấy từ bộ số liệu điều tra mức sống dân cư (VHLSS) cho năm 2020, được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê Việt Nam. Đây là bộ số liệu khảo sát một cách có hệ thống các tầng lớp dân cư tại Việt Nam, bao gồm thông tin về thu nhập, chi tiêu, y tế, giáo dục và các đặc điểm liên quan đến chất lượng cuộc sống của cá nhân và hộ gia đình. Do đó, kết quả phân tích dựa theo số liệu này mang tính tin cậy cao và phản ánh được vấn đề nghiên cứu.

4. Kết quả và thảo luận

Như đã đề cập, các yếu tố vùng miền, học vấn, đặc điểm hộ gia đình có thể dùng làm tiêu chí phân chia dân cư của vùng đồng bằng sông Cửu Long thành các nhóm dân cư nhỏ hơn. Qua đó, việc phân tích mức thu nhập, mức độ bất bình đẳng sẽ cho thấy được cụ thể sự khác biệt trong thu nhập giữa các nhóm dân cư này. Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình có khác biệt giữa các nhóm dân cư phân theo cả 3 tiêu chí trên. Chênh lệch trong mức thu nhập trung bình giữa các hộ ở thành thị với nông thôn  lớn nhất, trong khi khác biệt này giữa hộ có chủ hộ là nam và hộ có chủ hộ là nữ hầu như không đáng kể. (Bảng 1)

Nếu xét về tình trạng bất bình đẳng nội bộ trong mỗi nhóm dân cư, hầu như không có khác biệt đáng kể giữa các nhóm dân cư được xem xét. Bất bình đẳng thu nhập trong từng nhóm dân cư đều xoay quanh mức độ bất bình đẳng của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long là 3,34 (Bảng 2). Bên cạnh đó, bất bình đẳng nội bộ trong nhóm dân cư có vẻ như là thành phần cấu thành chính của tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (Bảng 3). Mặc dù thu nhập bình quân giữa các nhóm dân cư có khác nhau, nhưng tình trạng phân hóa giàu nghèo trong từng nhóm dân cư lại khá tương đồng. Trong 3 tiêu chí phân chia ở Bảng 3, khu vực sinh sống của hộ gia đình có ảnh hưởng nhiều nhất đến chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư. Sự khác biệt thu nhập giữa thành thị với nông thôn đóng góp gần 3% vào mức độ bất bình đẳng thu nhập trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự khác nhau trong mức thu nhập giữa nhóm hộ có chủ hộ tốt nghiệp trung học phổ thông và nhóm có chủ hộ chưa tốt nghiệp phổ thông cũng như nhóm hộ có chủ hộ là nam với nhóm còn lại không đóng góp nhiều vào tình trạng bất bình đẳng thu nhập của vùng.

Phát hiện trên có thể đi ngược lại với quan điểm thường được mặc định là tình trạng chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn, hoặc chênh lệch thu nhập giữa nhóm người có trình độ học vấn cao với nhóm còn lại là nhân tố chính dẫn đến tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Thông tin ở Bảng 3 cho thấy nhân tố còn lại, sự khác biệt trong nội bộ nhóm đóng vai trò không kém trong việc phân hóa thu nhập.

Bảng 1. Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình  thu nhập

Bảng 2. Mức độ bất bình đẳng thu nhập của mỗi nhóm dân cư

 thu nhập

Bảng 3. Bất bình đẳng thu nhập trong nhóm và bất bình đẳng thu nhập giữa các nhóm dân cư

 thu nhập

5. Kết luận

Mức độ bất bình đẳng thu nhập tại vùng đồng bằng sông Cửu Long có sự đóng góp rất lớn từ sự khác biệt thu nhập giữa các hộ gia đình tuy có cùng đặc điểm về khu vực sinh sống, trình độ học vấn, giới tính của chủ hộ, nhưng vẫn có thể khác nhau về các đặc điểm như nghề nghiệp, tuổi tác, sức khỏe,... Chính sự khác nhau này dẫn đến mức bất bình đẳng thu nhập đáng kể trong nội bộ mỗi nhóm dân cư phân theo 3 tiêu chí đề cập từ đầu bài. Việc không tương đồng mức thu nhập trong mỗi nhóm dân cư có cùng khu vực sinh sống, trình độ học vấn và giới tính của chủ hộ cho thấy cần có các nghiên cứu chi tiết hơn để chỉ ra yếu tố cụ thể quan trọng dẫn đến sự khác biệt này. Điều này còn gợi ý cho các chính sách phân phối, điều tiết thu nhập nên chú ý giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập nội bộ trong cùng nhóm dân cư song song với việc thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm dân cư khác nhau.  

Lời cảm ơn: Đề tài này được tài trợ bởi Trường Đại học Cần Thơ, mã số: T2022-41.

Tài liệu tham khảo:

  1. Benjamin, D., Brandt, L. & McCaig, B. (2017). Growth with equity: Income inequality in Vietnam, 2002-14. Journal of Economic Inequality, 15(1): 25-46.
  2. Bui, T. P & Imai, K.S (2019). Determinants of Rural-Urban Inequality in Vietnam: Detailed Decomposition Analyses Based on Unconditional Quantile Regressions, The Journal of Development Studies, 55(12): 2610-2625.
  3. Hailemariam, A., Sakutukwa, T. & Dzhumashev, R. (2021). Long-term determinants of income inequality: evidence from panel data over 1870–2016. Empirical Economics, 61: 1935-1958.
  4. Kang, W. & Imai, K.S. (2012). Pro-poor growth, poverty and inequality in rural Vietnam. Journal of Asian Economics, 23(5): 527-539.
  5. Lê Quốc Hội & Chu Minh Hội (2015). Tác động của phát triển tài chính đến bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á, 26(8): 02-17.
  6. Le, H. & Booth, A.L. (2014). Inequality in Vietnamese urban-rural living standards, 1993-2006. Review of Income and Wealth, 60(4): 862-886.
  7. Shorrocks, A. F. (1984). Inequality decomposition by population subgroups. Econometrica: Journal of the Econometric Society, 1369-1385.
  8. Park, C.Y & Mercado, R. (2015). Financial Inclusion, Poverty, and Income Inequality in Developing Asia. Asian Development Bank Economics Working Paper Series No. 426.
  9. Tridico, P. (2018). The determinants of income inequality in OECD countries. Cambridge Journal of Economics, 42(4): 1009-1042.

INCOME DISTRIBUTION CHARACTERISTICS IN THE MEKONG DELTA

Ph.D Bui Thi Kim Thanh1

Pham Le Dong Hau1

1School of Economics, Can Tho University

Abstract:

The study explores the characteristics of household income inequality in the Mekong Delta. Based on the General Statistics Office of Vietnam’s data about the living standards, the study finds out that the level of income inequality in the Mekong Delta is not only affected by the income gap between the urban and rural areas, but also greatly driven by the income gap among households in urban areas as well as the income gap among households in rural areas. In addition, the factor of living area has more influence on the level of income inequality than that of the factor of household characteristics.

Keywords: income distribution, economic growth, Mekong Delta.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]