Cuối năm lại lo thực phẩm bẩn

Dịp cuối năm, mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt ngăn chặn triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm “bẩn”... nhưng vì lợi nhuận, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm vận chuyển, kinh doanh các loại thực phẩm này...

Thường trực lỗi no thực phẩm bẩn dịp Tết

“Trước, nhà cô mua phải loại mật ong giả này này. Cô thấy quảng cáo trên facebook đúng loại hoa nhãn nhà hay dùng, nên đặt mua hai chai giá 150.000 đồng/chai. Về đổ ra sử dụng, thấy lạ lạ, mật không có độ sánh, rất loãng, nếm thử thì nhạt...”.

Đó là chia sẻ của cô Hải Ngọc - cán bộ về hưu khi đến tham quan Phòng Trưng bày Nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm với chủ đề “Hàng giả, hậu quả thật”. Cô Ngọc cho biết, tin quảng cáo trên mạng, thấy giá thành hợp lý, cô đã đặt 2 chai mật ong hoa nhãn về sử dụng. Nhưng khi dùng, chất lượng không đảm, mật loãng, làm từ đường. Gọi điện, nhắn tin phản ánh đến nơi bán thì bị chặn... Vài hôm sau đọc báo, thấy thông tin, lực lượng chức năng bắt quả tang một cơ sở ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang sản xuất mật ong từ đường, nước cốt mạch nha... lấy sản phẩm đặt mua ra so sánh với hình ảnh sản phẩm bị thu giữ thì không khác gì nhau.

an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm là nỗi lo chung của nhiều người dịp cuối năm, dù các lực lượng chức năng đã tăng cường, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Đây là câu chuyện, là sự trăn trở của rất nhiều người tiêu dùng khi đến tham quan Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức. Bởi, họ - những người tiêu dùng, đặc biệt là các chị, các mẹ thường xuyên đi chợ mua đồ nhưng cũng không thể phân biệt được gói mì chính giả, lọ sa tế thật, hay đến hộp Danisa, Cosy... được làm giả, làm nhái một cách tinh vi, khó phát hiện.

Chị Thu Trang, Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự, thật giả lẫn lộn, rất khó phát hiện. Hộp bánh Danisa họ làm giả giống quá. Nếu không quan sát kỹ, “Daminsa” rất giống với “Danisa” rồi thương hiệu bánh “Cosy” với “Cozy”... Thường ngày, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường, nhưng mỗi dịp Tết đến, vấn đề chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm là một nỗi lo lắng.

Thực tế, thời điểm cuối năm, mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt ngăn chặn triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm “bẩn”... nhưng vì lợi nhuận, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm “tuồn” thực phẩm “bẩn” len lỏi ra thị trường và đi vào bữa ăn của nhiều gia đình, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

an toàn thực phẩm
QLTT Hà Nội phối hợp phát hiện trên 01 tấn ức vịt và cánh gà đông lạnh không rõ nguồn gốc

Đầu tháng 12, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phối hợp với công an TP Hà Nội kiểm tra, tạm giữ gần 1,2 tấn thực phẩm là ức vịt và cánh gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một hộ kinh doanh tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.

Lực lượng chức năng cho rằng, số lượng hàng hóa tạm giữ ở vụ việc này rất lớn, cho thấy các đối tượng vi phạm đã có tính toán kỹ lưỡng, tranh thủ đưa ra thị trường dịp cuối năm.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2022, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp với Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô cực lớn tại địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội.

Bên trong các thùng hàng chủ yếu chứa các sản phẩm thực phẩm đã qua sơ chế, gồm có: chân gà, móng lợn, dê muối và nhiều đùi lợn muối Tây Ban Nha… Một điểm chung là tất cả sản phẩm đều có xuất xứ ở nước ngoài và đều là lô hàng 3 không: không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định.

Về cảm quan, khó phát hiện ra số hàng này là thực phẩm bẩn nhưng trên tem mác cho thấy nhiều thực phẩm đã hết hạn từ 1 năm, thậm chí là gần 2 năm.

Càng gần Tết, thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn nhập vào Việt Nam càng nhiều vì nhu cầu tiêu thụ cuối năm thường tăng cao. Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được tuồn vào nội địa nhiều nhất qua đường bộ. Từ các tỉnh giáp biên giới, hàng lậu được đưa vào tiêu thụ sâu trong nội địa nếu không được ngăn chặn kịp thời.

an toàn thực phẩm
Lực lượng chức năng Lào Cai ngăn chặn xử lý gần 1.500 hộp mì tôm chiên ăn liền không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 5/12, Cục QLTT tỉnh Lào Cai phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai, kiểm tra, khám lô hàng đang tập kết tại khu vực tổ 5 đường Vũ Trọng Phụng, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai. Kết quả khám lô hàng gồm 97 thùng cát tông, bên trong chứa 1.455 hộp mì tôm chiên dạng viên ăn liền (15 hộp/thùng); Trên vỏ bao bì không thể hiện xuất xứ của hàng hóa.

Trong khi đó, tại Lạng Sơn, lực lượng QLTT cũng kiểm tra 2 hộ kinh doanh trên địa bàn và phát hiện 90 lít rượu trắng không có nhãn mác, xuất xứ. Lực lượng QLTT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở kinh doanh nêu trên.

Tương tự, tại Quảng Ninh, chỉ trong thời gian rất ngắn, lực lượng QLTT tỉnh đã liên tiếp phát hiện và xử lý gần 40 vụ việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 400 triệu đồng, tiêu hủy hơn 5 tấn thực phẩm không đủ điều kiện an toàn lưu thông.

Trong đó, có nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc là chân vịt ăn liền, chân gà ăn liền, chả cá viên, bì heo, xúc xích, củ cải muối, trái cây, sữa…

Tại Bình Dương, vào cuối tháng 11, lực lượng QLTT tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Bình Dương cũng phát hiện 130 kg thực phẩm đã qua chế biến không rõ nguồn gốc xuất xứ bao gói sẵn lưu trong kho đông lạnh, trên bao bì không có thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa với số lượng cụ thể gồm:

50 kg chả lụa cây (loại 01 kg/cây); 80 kg nem (loại 0,5 kg/bịch) của một công ty thực phẩm nằm trên đường Bùi Văn Bình, phường Phú Lợi. Toàn bộ số lượng hàng hóa vi phạm trên đã được Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Bình Dương tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Siết chặt quản lý, bảo đảm thị trường ổn định

Nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường dịp Tết, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, an toàn thực phẩm các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Trong kế hoạch này, Tổng cục QLTT chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh,...

Đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn thường có chiều hướng gia tăng trong dịp cuối năm, lễ, tết.

Lực lượng QLTT khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

Nguyên Vỵ