Công nghệ Blockchain trong cho vay ngang hàng (P2P) tại Việt Nam

ThS. PHẠM THỊ THÁI HÀ (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu đánh giá sự khác biệt giữa hình thức cho vay ngang hàng và hình thức cho vay truyền thống. Qua đó, xác định xu hướng phát triển hoạt động cho vay ngang hàng trong tương lai tại Việt Nam dựa vào kết quả khảo sát quyết định sử dụng dịch vụ cho vay ngang hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; từ đó đưa ra đề xuất quản lý hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam.

Từ khóa: cho vay ngang hàng, P2P lending, blockchain, big data.

1. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy các ngành nghề kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó là sự ra đời của hàng loạt công ty công nghệ tài chính Fintech các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây… nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng P2P lending đã tạo điều kiện cho người lao động với thu nhập trung bình, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp cận các khoản vay tiêu dùng nhỏ với lãi suất hợp lý phù hợp. Khả năng chi trả chính là giải pháp tối ưu, bên cạnh đó giúp người dân tránh khỏi nạn tín dụng đen.

Công nghệ Blockchain mang lại rất nhiều lợi ích trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong đó phải kể đến sự phát triển của hoạt động cho vay ngang hàng P2P lending. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 150 công ty Fintech hoạt động. Các công ty Fintech Việt Nam hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có khoảng hơn 40 công ty P2P Lending - Cho vay ngang hàng như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan,... Số liệu này cho thấy lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng phát triển ở thị trường Việt Nam. Do vậy, bài nghiên cứu lựa chọn đề tài “Công nghệ Blockchain trong cho vay ngang hàng (P2P) tại Việt Nam”, với mục đích xác định xu hướng phát triển hoạt động cho vay ngang hàng trong tương lai tại Việt Nam dựa vào kết quả khảo sát quyết định sử dụng dịch vụ cho vay ngang hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, đưa ra quan điểm quản lý cho vay ngang hàng tại các nước trên thế giới và các kiến nghị cho Việt Nam.

2. Công nghệ Blockchain trong cho vay ngang hàng (P2P) tại Việt Nam

2.1. Công nghệ Block chain

Công nghệ Blockchain đang tạo ra những giao dịch nhanh hơn, rẻ hơn, an toàn hơn và minh bạch. Công nghệ blockchain đóng vai trò như là một cuốn sổ cái cho tất cả các giao dịch, với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao. Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, với blockchain, các bên tham gia chỉ cần xây dựng một mạng sổ cái chia sẻ tất cả thông tin giao dịch, khi một thành viên cập nhật thông tin thì tất cả các thành viên còn lại được phép xem, đọc,...

2.2. Cho vay ngang hàng

Cho vay ngang hàng: là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua các tổ chức trung gian tài chính.

Ở mỗi quốc gia sẽ có các mô hình cho vay ngang hàng biến đổi cho phù hợp với điều kiện và luật pháp quy định. [2]

Ưu và nhược điểm cho vay ngang hàng:

- Ưu điểm:

+ Nguồn vốn dễ tiếp cận hơn: Đối với một số người đi vay, cho vay ngang hàng là nguồn vốn dễ tiếp cận hơn so với các khoản vay thông thường từ các tổ chức tài chính. Điều này có thể do người đi vay xếp hạng tín dụng thấp hoặc mục đích vay không điển hình.

+ Lãi suất thấp hơn: Các khoản vay P2P thường đi kèm với lãi suất thấp hơn do sựcạnh tranhlớn hơn giữa những người cho vay và phí gốc thấp hơn.

+ Thủ tục nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí. Giảm chi phí cho người đi vay và tăng thu nhập cho người cho vay.

- Nhược điểm:

+ Rủi ro tín dụng: Các khoản cho vay ngang hàng có rủi ro tín dụng cao. Nhiều người đi vay đăng ký khoản vay P2P có xếp hạng tín dụng thấp không cho phép họ nhận một khoản vay thông thường từ ngân hàng. Do đó, người cho vay nên biết về xác suất vỡ nợ của đối tác của mình.

+ Rủi ro mất vốn:các khoản cho vay của nhà đầu tư sẽ không được bảo hiểm tiền gửi như kênh ngân hàng truyền thống.

+ Rủi ro vận hành: Nền tảng hoạt động của cho vay ngang hàng là sự phát triển công nghệ, khi phần mềm bị lỗi hoặc ngưng hoạt động (hoặc đơn giản là nhà cung cấp dịch vụ rút khỏi thị trường) thì rủi ro nhà đầu tư có thể phải đối mặt với nguy cơ bị mất trắng.

+ Rủi ro pháp lý: Nhà cung cấp dịch vụ có thể phải đối mặt với rủi ro bị cấm hoạt động hoặc hạn chế hoạt động do ở khá nhiều nước chưa công nhận tính pháp lý của cho vay ngang hàng.

3. Lợi ích sử dụng Blockchain trong cho vay ngang hàng

Khi áp dụng Blockchain trong cho vay ngang hàng giúp cho quá trình cho vay trở nên hiệu quả, loại bỏ được các bước trung gian khi xét duyệt khoản vay, vì những lợi ích sau:

Chi phí cho khoản vay được cắt giảm: vì người vay và người cho vay giao dịch trực tiếp với nhau.

Thời gian cho vay rút ngắn: quá trình cho vay nhanh chóng bằng cách sử dụng những hợp đồng thông minh dựa vào công nghệ Blockchain.

Lãi suất khác nhau: Các hợp đồng thông minh có thể tự động tạo ra lãi suất cố định dựa trên hồ sơ của người vay.

Blockchain có thể kết nối người vay và người cho vay từ khắp nơi trên thế giới thông qua một nền tảng tập trung. Toàn bộ quá trình cho vay ngang hàng trên nền tảng blockchaintrở nên liền mạch và đáng tin cậy hơn.

4. Xác định nhu cầu sử dụng dịch vụ của hoạt động cho vay ngang hàng tại TP. Hồ Chí Minh

4.1. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Dựa trên lý thuyết mô hình chấp nhận công nghệ TAM, mô hình thống nhất chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT), tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Giả thuyết H1: Mức độ phổ biến cho thấy sản phẩm P2P lending được nhiều người biết đến.

Giả thuyết H2: Cảm nhận tính hữu ích trình bày mức độ mà người dân có niềm tin rằng sử dụng dịch vụ P2P lending sẽ mang nhiều lợi ích cho họ.

Giả thuyết H3: Cảm nhận mức độ bảo mật và rủi ro liên quan đến sự an toàn và bảo mật thông tin mà các ứng dụng cho vay ngang hàng cung cấp cho khách hàng.

Giả thuyết H4: Lòng tin tác động đến sự hài lòng của khách hàng với chất lượng dịch vụ tại ngân hàng.

Tác giả điều tra gián tiếp bằng phiếu khảo sát điện tử cho các khách hàng đang sử dụng các dịch vụ gửi tiền và vay tiền tại các ngân hàng thương mại dựa trên nền tảng internet. Kết quả khảo sát thu được 168 mẫu. Đánh giá mức độ đồng tình của người dân đối với mỗi phát biểu, nghiên cứu sử dụng thang đo Likert 5 điểm, từ “1 - Hoàn toàn không đồng ý” đến “5 - Hoàn toàn đồng ý”.

4.2. Kết quả nghiên cứu

4.2.1. Phân tích nhân tố khám phá và kiểm định thang đo

Hệ số KMO đạt 0.824 > 0.5, Barletts test hệ số p-value < 5%, có thể kết luận phép kiểm định là phù hợp. Từ 13 biến quan sát hình thành 3 nhân tố tác động với hệ số Eigen values > 1. Mô hình 3 nhân tố này giải thích được 78.59% (> 50%) cho 13 biến quan sát Bảng 1.

Bảng 1. Kiểm định KMO

Kiểm định KMO

Bảng ma trận xoay, các biến đều có hệ số tải factor loading > 0.5, như vậy mô hình có ý nghĩa thực tế như Bảng 2.

Bảng 2. Ma trận xoay

Ma trận xoay

Sau khi phân tích EFA 5 lần, lần lượt loại bỏ đi các biến thuộc: Cảm nhận mức độ phổ biến gồm: PB1, PB2, PB3, PB4, PR5. Kết quả có nhân tố có 3 nhân tố, gồm: Cảm nhận tính hữu ích (HI), Bảo mật và rủi ro (PR) và Lòng tin (LT).

Nhân tố Ý định sử dụng dịch vụ P2P lending (YD) đóng vai trò là biến phụ thuộc cũng có Hệ số KMO đạt 0.75 > 0.5, Barletts test hệ số p-value < 5%, có thể kết luận phép kiểm định là phù hợp, có tổng phương sai trích 82.57% và các hệ số Factor loading đều lớn 0.5.

Bảng 3. Kiểm định KMO

Kiểm định KMO

Bảng 4. Ma trận xoay

Ma trận xoay

Hệ số Cronbach’s Alpha của các nhân tố đều đạt trên 0.7, hệ số tương quan của các biến so với tổng đều > 0.3. Vì vậy, các biến đo lường thành phần đều đạt yêu cầu.

Hình 1: Kiểm định thang đo

Kiểm định thang đo

Như vậy, dựa vào kết quả Cronbach’s Alpha và EFA cho thấy mô hình nghiên cứu ban đầu được điều chỉnh lại thành 4 nhân tố tác động đại diện cho 16 biến quan sát tác động đến Ý định sử dụng dịch vụ P2P lending.

Phương trình hồi quy:

FAC_YD = β0 + β1*FAC_HI + β2*FAC_PR + β3*FAC_LT

Với:

- FAC_YD (biến phụ thuộc): Ý định sử dụng dịch vụ P2P lending.

- FAC_HI (biến độc lập): Cảm nhận về tính hữu ích của dịch vụ P2P lending.

- FAC_PR (biến độc lập): Cảm nhận về tính rủi ro của dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P lending).

- FAC_LT (biến độc lập): Lòng tin của khách hàng đối với dịch vụ cho vay ngang hàng.

Hệ số Adjusted R Square = 0.698 tương đương mức độ giải thích của mô hình là 69.8%. Nghĩa là có 69.8% sự biến động của biến phụ thuộc được biến độc lập giải thích.

Hệ số Durbin watson = 2.054 nằm trong khoảng Du (1.704) và 4 - Du (2.296) mô hình không bị tự tương quan.

Bảng 5. Kết quả phân tích hồi quy đa biến

Kết quả phân tích hồi quy đa biến

Các hệ số p-value của các biến phụ thuộc đều < 5%, do đó các biến đều có ý nghĩa thống kê và các hệ số Beta đều khác 0. Hệ số VIF <10, như vậy không có hiện tượng đa cộng tuyến.

Bảng 6. Hệ số hồi quy Coefficients

Hệ số hồi quy Coefficients

Như vậy, phương trình hồi quy chuẩn hóa có kết quả như sau:

FAC_YD = 0.551*FAC_HI + 0.091*FAC_PR + 0.626*FAC_LT

Từ phương trình trên, ta thấy được các nhân tố tính Hữu ích, lòng tin và cảm nhận về rủi ro ảnh hưởng như thế đến Ý định sử dụng dịch vụ cho vay ngang hàng P2P lending, nhân tố có hệ số nhân lớn hơn sẽ tác động nhiều hơn ý định sử dụng dịch vụ này.

4.2.2 Kết luận

Như vậy, có 3 nhân tố tác động trực tiếp đến Ý định sử dụng dịch vụ cho vay ngang hàng P2P lending, là các nhân Hữu ích, lòng tin và cảm nhận về rủi ro.

Trong đó, Lòng tin có tác động lớn nhất với hệ số Beta = 0.626. Điều này thể hiện khách hàng tin rằng Chính phủ sẽ hoàn thiện chính sách pháp lý về việc cấp phép, quản lý giám sát hoạt động cho vay ngang hàng để khách hàng có thể an tâm sử dụng dịch vụ này.

Tiếp theo là nhân tố về tính hữu ích với hệ số Beta = 0.551. Qua đó có thể thấy được rằng những lợi ích của cho vay ngang hàng mang lại cho khách hàng không thể phủ nhận, chính vì thế, khách hàng sẵn sàng sử dụng dịch vụ này.

Cuối cùng là mức độ Cảm nhận về tính rủi ro có ảnh hưởng ít nhất đến ý định sử dụng dịch vụ P2P lending. Một lý do cho thấy khách hàng trong thời đại công nghệ số đã thường xuyên tiếp cận các dịch vụ ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Blockchain, Big data,… nên cảm nhận về tính rủi ro trong tầm kiểm soát của họ.

Từ kết quả khảo sát ý định sử dụng dịch vụ P2P Lending của các khách hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, có thể thấy tiềm năng phát triển của hoạt động này rất lớn. Có thể thấy rằng, tại Việt Nam, với dân số hơn 98 triệu người, phần đông trong độ tuổi lao động, thu nhập đang tăng khá nhanh và người dân thích dùng công nghệ tiên tiến; tỷ lệ cá nhân sử dụng Internet cũng ngày càng cao và phổ biến, năm 2018 tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam là 70.35% dân số [2]. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng còn ở mức khiêm tốn so với khu vực theo Ngân hàng Thế giới. Tại Việt Nam, mới chỉ có khoảng 40% người lớn có tài khoản ngân hàng so với tỷ lệ 80% của Trung Quốc hay 74% tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì thế, xu thế phát triển cho vay ngang hàng hứa hẹn tạo ra các bước đột phá trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, công nghệ thông tin đang phát triển nhanh chóng.

5. Một số đề xuất quản lý hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam

Hoạt động cho vay ngang hàng là hình thức vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam, chính vì vậy, Chính phủ cần có quy định hướng dẫn cụ thể đối với việc thành lập cũng như tổ chức hoạt động P2P Lending. Các văn bản quy phạm pháp luật này phải quy định rõ các điều kiện cấp phép hoạt động P2P Lending như yêu cầu mức vốn tối thiểu, hạn mức cho vay tối đa, đáp ứng các tiêu chuẩn về công nghệ cũng như cần phải đảm bảo an toàn hoạt động đối với công ty; cụ thể hóa các quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp P2P Lending; quy định rõ ràng, chặt chẽ về quyền truy cập thông tin của người cho vay và người đi vay, làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp P2P Lending đối với nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra đổ vỡ.

Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý tTheo Quyết định số 999/QĐ- TTg năm 2019 phê duyệt đề án kinh tế chia sẻ, trong đó giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng cơ chế thí điểm về quản lý trong cho vay ngang hàng. Cần có các quy định về vốn, quy trình cấp phép hoạt động, quy định giám sát thị trường, quy định bảo vệ người đi vay đối với các công ty P2P Lending.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Quang Trị (2021). Cơ hội và thách thức phát triển Fintech tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương, 27, 329-333.
  2. Nguyễn Mạnh Hùng, Tạ Thu Hồng Nhung (2020). Thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương, 25, 326-331.
  3. Bùi Tín Nghị, Nguyễn Thị Thái Hưng, Trần Hải Yến, Đào Mỹ Hằng, Nguyễn Thị Vân (2022). Cho vay ngang hàng: Kinh nghiệm quản lý tại một số quốc gia và bài học đối với Việt Nam. Truy cập tại https://tapchinganhang.gov.vn/cho-vay-ngang-hang-kinh-nghiem-quan-ly-tai-mot-so-quoc-gia-va-bai-hoc-doi-voi-viet-nam.htm
  4. Nguyễn Ngọc Chánh (2019). Cho vay ngang hàng tại Việt Nam và một số vấn đề đặt ra. Tạp chí Tài chính, 712, 65 - 68.
  5. Alawadhi, S. and Morris, A. (2008).The Use of the UTAUT Model in the Adoption of E-government Services in Kuwait. 41st Hawaii International International Conference on Systems Science (HICSS-41 2008), January 2008 (pp. 7-10). Waikoloa, Big Island, HI, USA.

THE APPLICATION OF BLOCKCHAIN TECHNOLOGY

IN PEER-TO-PEER LENDING IN VIETNAM

• MA. PHAM THI THAI HA

Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

This study analyzes the differences between the peer-to-peer lending and traditional method lending, thereby determining the future peer-to-peer lending development in Vietnam. This study was done by surveying the decision to use peer-to-peer lending services of customers in Ho Chi Minh City. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to manage the peer-to-peer lending in Vietnam.

Keywords: peer-to-peer lending, P2P lending, blockchain, big data.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]