Công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2021

Ngày 2/6/2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen đã đồng chủ trì Lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2021.
Toàn cảnh Lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021
Toàn cảnh Lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 là ấn phẩm được biên soạn với sự hợp tác chặt chẽ giữa Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương.

Đây là ấn phẩm thứ ba trong chuỗi các ấn phẩm Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam do Chương trình Đối tác Năng lượng Đan Mạch - Việt Nam xây dựng. Chương trình là một phần đóng góp của chính phủ Đan Mạch cho Nhóm Châu Âu (Team Europe) với mục đích hỗ trợ phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam. 

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết báo cáo được xây dựng với nguồn số liệu có chất lượng tốt, sử dụng các mô hình cấp cao để tính toán các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung. 

Báo cáo đã cung cấp các thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng bền vững gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại buổi Lễ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 đưa ra một thông điệp rất rõ ràng, rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết tại COP26 ở Glasgow. 

Cụ thể, báo cáo đưa ra góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050, cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và gợi mở các thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh. 

Đặc biệt, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam đã xem xét kịch bản để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông theo đó điện khí hóa ngành giao thông, chuyển đổi nhiên liệu hoá thạch sang nhiên liệu điện phân, và tăng cường phương thức vận tải bằng đường sắt điện khí hoá sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon và ô nhiễm không khí.

Báo cáo được kỳ vọng sẽ cung cấp một số thông tin đầu vào cho việc thực hiện Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch Tổng thể Năng lượng Quốc gia, Chiến lược Biến đổi Khí hậu của Việt Nam cũng như các kế hoạch và chiến lược khác của Chính phủ.

Các chuyên gia tham gia chia sẻ tại buổi Lễ
Các chuyên gia tham gia chia sẻ tại buổi Lễ

Theo ông Kim Højlund Christensen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm vào khoảng 7% và nền kinh tế đang phát triển dẫn đến gia tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng cũng như lượng khí thải carbon. 

Điều quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam và toàn cầu là, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam có thể tách rời tiêu thụ năng lượng và phát triển kinh tế, đồng thời chuyển đổi hệ thống năng lượng của mình thành một hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ tiết kiệm năng lượng.

“Chúng tôi rất vui được chia sẻ với các đối tác Việt Nam các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất mà Đan Mạch đã có được trong suốt 30 năm qua để hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng to lớn về chuyển đổi xanh và cam kết chống biến đổi khí hậu cũng như đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 một cách hiệu quả và công bằng nhất”, ông Kim Højlund Christensen chia sẻ.

Ông Kim Højlund Christensen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ
Ông Kim Højlund Christensen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam cho thấy, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 với chi phí hiệu quả bằng cách điện khí hóa mạnh mẽ ngành công nghiệp và giao thông vận tải cùng với mở rộng công nghệ năng lượng tái tạo và thực hiện các mục tiêu tham vọng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

“Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong quá trình chuyển đổi xanh, như được thể hiện qua cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26. Thông qua Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2021, được xây dựng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi mong muốn được chia sẻ làm thế nào để đạt được mục tiêu này đúng thời hạn và với chi phí thấp nhất có thể vì lợi ích của đất nước, người dân và đặc biệt là vì khí hậu toàn cầu”, ông Kristoffer Böttzauw - Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) cho biết.

Ông Kristoffer Böttzauw - Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) phát biểu tại buổi Lễ
Ông Kristoffer Böttzauw - Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA)

Trong khuôn khổ Lễ công bố cũng diễn ra Hội thảo “Ảnh hưởng của xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi thế giới đến Việt Nam” với sự tham gia của nhiều quan chức, chuyên gia trong ngành và khu vực tư nhân trong lĩnh vực năng lượng. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, với Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ bắt đầu một ngành công nghiệp mới là điện gió ngoài khơi - một thành phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai ở Việt Nam.  

Nhờ tuabin gió có kích thước lớn hơn và hiệu suất cao hơn, vốn và chi phí vận hành thấp hơn, cũng như các tiến bộ công nghệ khác, giá thành điện gió ngoài khơi đã giảm trên toàn cầu. Đây là yếu tố và động lực hết sức quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng và rộng rãi của loại hình công nghệ này. 

Hội thảo Ảnh hưởng của xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi thế giới đến Việt Nam
Hội thảo Ảnh hưởng của xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi thế giới đến Việt Nam

Đặc biệt, gói thầu dự án điện gió ngoài khơi 1.000 MW hoàn thành vào cuối năm 2021 ở Đan Mạch đã thiết lập một kỷ lục mới về giá và cho thấy khả năng cạnh tranh của công nghệ điện gió ngoài khơi khi có các điều kiện pháp lý thuận lợi.

Theo đó, đối thoại minh bạch giữa các cơ quan chức năng và nhà đầu tư về chia sẻ rủi ro và xây dựng một khuôn khổ pháp lý thuận lợi là bài học kinh nghiệm quý báu nhất từ Đan Mạch. Nếu không tạo ra được môi trường đầu tư cạnh tranh, Việt Nam sẽ khó có khả năng thu hút được các khoản đầu tư khổng lồ cần thiết cho phát triển ngành này.

Thy Thảo