Có nhiều yếu tố tăng giá, nhưng đây là lý do khiến CPI tháng 4 không tăng “sốc”

Có 1 yếu tố khiến cho CPI tháng 4 không tăng “sốc” dù chịu nhiều tác động tăng giá của nhiều sản phẩm, dịch vụ.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Cộng dồn từ đầu năm, CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Có một số yếu tố góp phần làm CPI quý I tăng thấp hơn so với cùng kỳ 3 năm trở lại đâynhư: Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm làm chỉ số giá xăng dầu giảm 8,22% (tác động làm CPI giảm 0,34%); giá gas điều chỉnh theo giá thế giới làm giá gas trong nước giảm 2,15% (tác động làm CPI giảm 0,03%); giá nhóm giáo dục điều chỉnh giảm mức thu học phí theo Nghị quyết số 25/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh góp phần làm CPI chung giảm 0,55%...

Nhưng bắt đầu từ tháng 4, sẽ xuất hiện nhiều yếu tố gây áp lực tăng giá. Một là, việc tăng giá điện từ 20 tháng 3 vừa qua mới chỉ phản ánh 1/3 thời gian ghi số điện và tính tiền tiêu dùng trong tháng 3, gây áp lực không đáng kể lên lạm phát. Nhưng từ tháng 4, việc tăng trên 8% giá điện sẽ phản ánh hoàn toàn vào ghi chỉ số tiêu thụ điện và tính tiền tiêu dùng.

q
Tăng giá SGK là một trong những nguyên nhân gây lạm phát kỳ vọng

 

Hai là, trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 18 tháng 3 vừa qua, Liên Bộ  Công Thương quyết định chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để giữ nguyên giá xăng E5 RON92; xăng RON95. Nguyên nhân chủ yếu là do ngày 20 tháng 3 quyết định tăng giá điện, nếu ngày 18 tháng 3 tăng giá xăng (khi không sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu) sẽ gây áp lực lên lạm phát kỳ vọng và tâm lý hoang mang cho người dân. Nhưng đến kỳ điều chỉnh tới đây vào ngày 2 tháng 4, nếu giá thế giới tăng, khả năng rất cao là sẽ điều chỉnh theo thay cho việc xả Quỹ bình ổn xăng dầu như kỳ trước.

Hơn thế nữa, cả 2 mặt hàng điện và xăng dầu sẽ tác động lên CPI theo 2 vòng. Vòng thứ nhất, tác động trực tiếp vào các đối tượng tiêu dùng (phải trả tiền nhiều hơn). Vòng thứ hai, chúng đều là đầu vào của sản xuất nên sẽ tác động gián tiếp lên đầu ra của sản phẩm hàng hóa.

Không chỉ có vậy, cùng với lương tối thiểu vùng ngay từ đầu năm 2019, sẽ tăng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng/tháng (tăng 100.000 đồng/tháng so với hiện nay) từ 1/7/2019. Chưa kể một số dịch vụ cũng rục rịch tăng giá như dịch vụ y tế, và từ năm học 2019-2020, giá bán sách giáo khoa lớp 1-12 sẽ tăng từ 6.500 đồng đến 25.000 đồng mỗi bộ.

Đó là những yếu tố hoặc là tác động trực tiếp lên CPI của tháng 4 (như điện, xăng dầu); hoặc tác động lên lạm phát kỳ vọng (như tăng lương cơ sở, tăng giá sách giáo khoa, dịch vụ y tế). Tuy nhiên, có 1 yếu tố khiến cho CPI không tăng “sốc” dù chịu nhiều tác động. Đó là dịch tả lợn châu Phi sẽ còn kèo dài. "Ở miền Bắc, ít nhất phải sang mùa hè mới hạn chế được dịch bệnh" - theo nhận định của ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, Tổng cục Thống kê.

Đồng thời, bà Nguyễn Thị Ngọc, Vụ trưởng Thống kê giá cho hay dự báo giá thịt lợn sẽ tiếp tục giảm trong tháng 4. Dịch tả lợn khiến cầu tiêu dùng mặt hàng này giảm. Kinh nghiệm thực tiễn trong tháng 3 cho thấy, giá thịt lợn giảm 5,3% so với tháng 2 do ảnh hưởng bởi dịch; góp phần làm chỉ số giá nhóm hàng ăn bà dịch vụ ăn uống giảm 1,42%, và giảm CPI chung 0,51%. Đó cũng sẽ góp phần làm kiềm chế CPI ở mức độ vừa phải.

Tuy nhiên trước đó, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ ngày 28/3. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảnh báo: “Giá thịt lợn đang giảm, nếu không tính toán việc tái đàn phù hợp thì cuối năm thiếu hụt nguồn cung, giá cao sẽ tác động tới mặt bằng giá nói chung và công tác điều hành giá của Chính phủ”

Giang Văn