Chuyển đổi số doanh nghiệp và vai trò của điện toán đám mây

ThS. PHẠM NGỌC DUY - ThS. NGUYỄN TRUNG QUÂN (Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam)

TÓM TẮT:

Đại dịch Covid-19 thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới và hiện đại hóa, bằng cách đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ số tân tiến và thực hiện chuyển đổi số. Điện toán đám mây là yếu tố thiết yếu giúp doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi số thành công. Một số đặc điểm cơ bản của điện toán đám mây ảnh hưởng tới quá trình hoạt động và chuyển đổi số doanh nghiệp bao gồm: tính linh hoạt và khả năng thích ứng, khả năng mở rộng và đàn hồi nhanh, khả năng tiếp cận và tính di động, nhiều người thuê và tổng hợp tài nguyên, truy cập mạng rộng, lưu trữ đại chúng, tiết kiệm chi phí, chi trả dựa trên mức sử dụng, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, phục hồi sau sự cố, cập nhật và tính an toàn. Bài nghiên cứu bàn về chuyển đổi số doanh nghiệp và vai trò của điện toán đám mây.

Từ khóa: điện toán đám mây, chuyển đổi số, doanh nghiệp.

1. Chuyển đổi số

Digital Transformation (viết tắt là DT hay DX) - “Chuyển đổi kỹ thuật số”, hoặc “Chuyển đổi số” - tiếp tục là một trong những động lực thúc đẩy đầu tư kinh doanh và công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Theo nghiên cứu của IDC [6], mặc dù chúng ta đang trải qua đại dịch toàn cầu, đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số trực tiếp vẫn đang tăng, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,5% từ năm 2020 đến năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 6,8 nghìn tỷ USD. Vào năm 2023, 75% tổ chức sẽ có lộ trình chuyển đổi số toàn diện, dẫn đến chuyển đổi thực sự trên tất cả các khía cạnh của kinh doanh và xã hội. Các công ty được xây dựng dựa trên các chiến lược và đầu tư hiện có, trở thành doanh nghiệp quy mô kỹ thuật số tương lai. Các tổ chức với cốt lõi là mô hình kinh doanh số mới đang thực hiện thành công các chiến lược toàn doanh nghiệp trên nền tảng số, sẽ có vị trí tốt để tiếp tục thành công trong kinh tế nền tảng số.

Đại dịch toàn cầu Covid-19 thực sự là một tác nhân tăng tốc, thúc đẩy chuyển đổi số. IDC nhận thấy rằng 60% doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ hơn vào việc số hóa trải nghiệm của nhân viên vào năm 2021 và 30% tổ chức đang tăng tốc đổi mới để hỗ trợ sáng tạo ra những mô hình kinh doanh và vận hành mới. Theo nghiên cứu độc quyền của TechTarget [15], 29% những người ra quyết định CNTT tin rằng đại dịch đã tăng tốc hoặc khiến việc đầu tư chuyển đổi kỹ thuật số trở nên dễ dàng hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy CNTT đang đáp ứng với thực tế mới với sự chú trọng nhiều hơn vào chuyển đổi kỹ thuật số, trải nghiệm kỹ thuật số, trải nghiệm khách hàng và trải nghiệm nhân viên khi ngày càng có nhiều tương tác kinh doanh được thực hiện dưới dạng kỹ thuật số/từ xa.

Chuyển đổi số là một trong những ưu tiên hàng đầu của các CIO và CEO ngày nay. Theo khảo sát của Gartner năm 2018 [1], 62% CEO có sáng kiến quản lý hoặc chương trình đổi mới để làm cho hoạt động kinh doanh của họ trở nên “kỹ thuật số” hơn. Các sáng kiến chuyển đổi số đang lan rộng tại các doanh nghiệp trên khắp thế giới với lý do chính đáng. Các xu hướng công nghiệp cho thấy các tổ chức đầu tư vào chuyển đổi số đang đổi mới nhanh hơn so với các tổ chức khác và chuyển đổi số sẽ tạo đột phá ở mọi ngành trong vòng 2 năm tới. Tốc độ đổi mới công nghệ đang ngày càng tăng lên và mở rộng, đáp lại, chuyển đổi số trở thành một mục tiêu được thiết lập đối với rất nhiều doanh nghiệp, và việc áp dụng các sáng kiến kỹ thuật số dần phổ biến.

Quá trình chuyển đổi số có thể khác nhau ở mỗi ngành nghề và tổ chức, dựa trên quy trình và mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, một điều không thay đổi là: mục tiêu chính nhằm cách mạng hóa giá trị mang lại cho khách hàng bằng cách thu thập dữ liệu khách hàng và phân tích dữ liệu đó để phục vụ họ tốt hơn và nhanh hơn, từ đó cải thiện tăng trưởng kinh doanh. Lý do để các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số khá rõ ràng: (a) Tạo các ứng dụng mới thu hút khách hàng theo những cách thức sáng tạo và hấp dẫn; (b) Cải thiện hoạt động để cung cấp một cách hiệu quả hơn các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn với chi phí thấp hơn cho doanh nghiệp; (c) Tạo ra các dòng doanh thu mới bằng cách nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của điều kiện thị trường và sở thích của người tiêu dùng.

Đối với các nhóm CNTT đang định hướng con đường chuyển đổi kỹ thuật số của tổ chức, thách thức là phải di chuyển nhanh chóng nhưng không vội vàng. Điều đó có nghĩa là cần lựa chọn môi trường phù hợp cho từng loại công việc, tập trung vào các vấn đề chính về bảo mật, khả năng phục hồi, tính liên tục của kinh doanh, kiểm soát, tuân thủ và hiệu suất.

Báo cáo “CIO toàn cầu năm 2020” của Dynatrace [1] dựa trên cuộc khảo sát toàn cầu với 700 CIO tại các doanh nghiệp lớn với hơn 1.000 nhân viên, do Vanson Bourne thực hiện. 89% trong số các CIO cho biết quá trình chuyển đổi số của họ đã tăng tốc trong 12 tháng qua, 58% khẳng định sẽ việc chuyển đổi số sẽ tiếp tục được tăng tốc. Các CIO cũng cho biết nhóm của mình phải chịu nhiều áp lực hơn từ: tăng nhu cầu về các dịch vụ CNTT (64%), cần tăng tốc chuyển đổi số (56%) và CNTT trở thành một mục tiêu kinh doanh (56%). Thống kê cũng cho thấy tỷ lệ các tổ chức đang sử dụng nền tảng và công nghệ đám mây: PaaS (71%), SaaS (92%), IaaS (87%), đám mây lai (hybrid-cloud) (81%) và đa đám mây (multi-cloud) (78%).

Theo khảo sát của McKinsey [10], các tổ chức thành công trong quá trình chuyển đổi đã triển khai nhiều công nghệ hơn với các tổ chức khác: các công nghệ web truyền thống (85%), dịch vụ dựa trên đám mây (81%), công nghệ di động (68%), kiến trúc dữ liệu lớn (56%), IoT (45%), tư duy thiết kế (44%), công cụ trí tuệ nhân tạo (31%), robotic (21%), học máy - mạng neural (17%), thực tại ảo (15%) và sản xuất bồi đắp (in 3D) (13%).

2. Vai trò của Điện toán đám mây

2.1. Tổng quan về Điện toán đám mây

Theo Gartner [5], “Điện toán đám mây (ĐTĐM) là một kiểu điện toán, trong đó các năng lực hỗ trợ CNTT có thể mở rộng và linh hoạt, được cung cấp như một dịch vụ sử dụng công nghệ Internet”. Định nghĩa Điện toán đám mây theo “NIST SP 800-145” [13]: “Điện toán đám mây là mô hình cho phép truy cập qua mạng một cách rộng khắp, thuận tiện, theo yêu cầu vào nhóm các tài nguyên điện toán được chia sẻ với khả năng cấu hình (ví dụ: mạng, máy chủ, lưu trữ, ứng dụng và dịch vụ), các tài nguyên này có thể được cung cấp và giải phóng nhanh chóng với nỗ lực quản lý hay tương tác với nhà cung cấp dịch vụ ở mức tối thiểu.”

Mô hình đám mây có5 đặc điểm thiết yếu, bao gồm: (1) Dịch vụ tự - phục - vụ theo nhu cầu (On-demand self-service); (2) Truy cập mạng rộng (Broad network access); (3) Tổng hợp tài nguyên (Resource pooling); (4) Đàn hồi nhanh chóng (Rapid elasticity); (5) Dịch vụ được đo lường (Measured service). ĐTĐM bao gồm ba mô hình dịch vụ cơ bản: Software as a Service (SaaS); Platform as a Service (PaaS); Infrastructure as a Service (IaaS) và 4 mô hình triển khai: Public; Private; Community; Hybrid Cloud.

2.2. Đặc điểm của đám mây và hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp

Sự phát triển mạnh mẽ của ĐTĐM đã tạo ra xu hướng chuyển đổi sản phẩm thành dịch vụ CNTT nhằm giảm chi phí, thích ứng giữa cung - cầu và cải tiến các quy trình. Tính đến nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh của mình dựa trên nền tảng đám mây [1], đây cũng là xu hướng trong quản lý trung tâm dữ liệu.

ĐTĐM cho phép chuyển đổi số và cung cấp khả năng truy cập linh hoạt theo yêu cầu vào các tài nguyên hỗ trợ các dịch vụ mới về kinh doanh kỹ thuật số. ĐTĐM cung cấp sự mau lẹ, khả năng truy cập vào các ứng dụng phân tích đổi mới, môi trường thử nghiệm được tạo sẵn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở hạ tầng và khả năng điện toán cần thiết, đồng thời tạo và thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ mới.

ĐTĐM đang giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề trong hiện tại như quản lý dữ liệu, an ninh mạng hay kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và nhiều năng lực khác sẵn có dưới dạng dịch vụ được cung cấp thông qua đám mây. Do đó, những công nghệ này có thể sẵn có trên bất kỳ thiết bị nào, làm tăng khả năng sử dụng chúng. Sự đổi mới dựa trên ĐTĐM cũng đang được phát triển khi đám mây được tích hợp trong các hoạt động công nghiệp đặc thù hơn để thực hiện các nhiệm vụ nội bộ khác nhau của doanh nghiệp.

Dưới đây là một số đặc điểm cơ bản của ĐTĐM hỗ trợ cho quá trình hoạt động và chuyển đổi số doanh nghiệp, đồng thời giúp phân biệt điện toán đám mây với các kiến ​​trúc CNTT tại chỗ (on-premises) truyền thống khác:

(1) - Tính linh hoạt và khả năng thích ứng: ĐTĐM về cơ bản là một giải pháp CNTT linh hoạt, cho phép các doanh nghiệp truy cập phần mềm và tài nguyên lưu trữ một cách linh hoạt. Các hệ thống và dữ liệu thời gian thực có thể được truy cập nhanh chóng và dễ dàng, ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. ĐTĐM cũng cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với những thay đổi mà không làm gián đoạn quy trình kinh doanh. Doanh nghiệp có thể chọn các loại hình dịch vụ đám mây phù hợp nhất với các nhu cầu cụ thể của mình.

(2) - Khả năng mở rộng và độ đàn hồi nhanh chóng: Khả năng mở rộng đám mây đề cập đến khả năng dễ dàng và nhanh chóng tăng/giảm tài nguyên CNTT khi cần thiết để đáp ứng các nhu cầu thay đổi. Đây là một trong những tính năng căn bản của đám mây và là động lực chính thúc đẩy sự phổ biến của nó với các doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp thích nghi với việc sử dụng đám mây, có thể chuyển đổi từ các ứng dụng đơn giản hơn sang các ứng dụng phức tạp hơn, được cá nhân hóa để tận dụng tối đa tiềm năng của mô hình điện toán này. Trong khi khả năng mở rộng có xu hướng đại diện cho các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đám mây dài hạn, thì tính co giãn nhanh lại mang tính chất ngắn hạn hơn.

(3) - Khả năng tiếp cận và tính di động: Nhân viên có thể truy cập các dịch vụ và thông tin được lưu trữ trong các ứng dụng đám mây từ bất kỳ đâu thông qua Internet, sử dụng các thiết bị cố định và di động. Ngoài ra, các thay đổi trên các tài liệu làm việc có sẵn (lưu trữ trên đám mây) được cập nhật trong thời gian thực, và người dùng cần có thông tin đăng nhập hệ thống để truy cập chúng.

(4) – Nhiều người thuê và tổng hợp tài nguyên: Tổng hợp tài nguyên (resource pooling) là một thuật ngữ được sử dụng trong ĐTĐM để mô tả tình huống các nhà cung cấp dịch vụ đám mây cung cấp các dịch vụ tạm thời và có thể mở rộng cho nhiều khách hàng. Các dịch vụ đám mây và tài nguyên điện toán được thiết kế để hỗ trợ mô hình nhiều người thuê (multi-tenancy). Tổng hợp tài nguyên và nhiều người thuê cũng cho phép các nhà cung cấp dịch vụ đám mây tổng hợp các tài nguyên CNTT quy mô lớn để phục vụ nhiều người sử dụng đám mây cùng một lúc.

Nhiều khách hàng có thể chia sẻ cùng một cơ sở hạ tầng vật lý hoặc cùng một tài nguyên máy tính trong một đám mây công cộng hoặc riêng tư trong khi vẫn giữ được quyền riêng tư và bảo mật đối với thông tin của họ. Tùy thuộc vào mức tiêu thụ tài nguyên của khách hàng, việc sử dụng có thể được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng mà không xuất hiện bất kỳ thay đổi nào đối với khách hàng hoặc người dùng cuối.

(5) - Truy cập mạng rộng: Trong thời đại kỹ thuật số, mọi người đều muốn có thể nhận được thông tin họ cần từ bất cứ đâu và với bất kỳ thiết bị nào. Một trong những tính năng thiết yếu của ĐTĐM là khả năng truy cập mạng rộng.

Các tài nguyên điện toán đám mây có sẵn được truy cập từ nhiều vị trí (đã được cấp quyền truy cập trực tuyến) và từ nhiều loại thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân, v.v. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây duy trì quyền truy cập mạng rộng, giám sát và đảm bảo các metric khác nhau thông qua cách mà khách hàng truy cập vào tài nguyên và dữ liệu đám mây.

(6) - Lưu trữ đại chúng: Lưu trữ trên đám mây cho phép nhân viên, doanh nghiệp truy cập dữ liệu của mình từ bất kỳ đâu mà không yêu cầu phải trang bị thiết bị lưu trữ vật lý (như ổ cứng gắn ngoài). Một doanh nghiệp có thể lưu trữ thông tin của mình trên đám mây mà không cần phải đầu tư vào việc mua, cài đặt và bảo trì các máy chủ lưu trữ của riêng mình. Doanh nghiệp cũng có một bản sao lưu thông tin và các tệp dữ liệu của mình trong trường hợp có trục trặc xảy ra với những phiên bản được lưu trữ trên thiết bị, máy tính.

(7) - Tiết kiệm chi phí: ĐTĐM thực sự có thể giúp tiết kiệm chi phí hơn, cân bằng ngân sách và tăng năng suất nơi làm việc. Nó có thể giảm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nguồn lực để bảo trì hệ thống của doanh nghiệp. Việc chuyển email tại chỗ sang giải pháp dịch vụ email đám mây giúp các tổ chức tiết kiệm chi phí, tùy thuộc vào quy mô của đơn vị. Việc di chuyển hệ thống như CRM, ERP lên đám mây (on-cloud) cũng có thể tiết kiệm chi phí đáng kể [2].

(8) - Chi trả dựa trên mức sử dụng: Mô hình chi trả dựa trên mức sử dụng hoặc thanh toán khi sử dụng là hệ thống cung cấp và thanh toán dịch vụ, trong đó khách hàng thanh toán dựa trên (và chỉ) những gì họ yêu cầu cung cấp, hay lượng tài nguyên mà họ sử dụng, do đó tối ưu hóa hơn về mặt kinh tế. Tính kinh tế cơ bản của ĐTĐM dựa trên việc khách hàng sẽ trả tiền cho thời gian sử dụng máy chủ, hoặc lượng băng thông dữ liệu được tiêu thụ. Nhà cung cấp dịch vụ đám mây có khả năng đáp ứng lượng tài nguyên vượt trên mức yêu cầu của người dùng.

(9) - Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên: Tối ưu hóa tài nguyên là một cách tiếp cận toàn diện để xác định, gán đúng và chính xác tài nguyên cho khối lượng công việc hay ứng dụng. ĐTĐM cung cấp khả năng co giãn động các tài nguyên tính toán của một ứng dụng. Nó giúp kết hợp các nguồn lực sẵn có với nhu cầu của tổ chức để đạt được các mục tiêu mong muốn. Nó cho phép giảm bớt khối lượng công việc của nhân sự đối với các vấn đề về mặt kỹ thuật và họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho những công việc khác hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.

(10) - Trọng tâm kinh doanh: ĐTĐM cho phép nhà điều hành tập trung vào việc quản lý doanh nghiệp của mình, giảm yêu cầu và nguồn lực cần thiết để quản lý các hệ thống CNTT. Nó cho phép doanh nghiệp giao tiếp với các nhân viên và chia sẻ dữ liệu như tệp, tài liệu dễ dàng hơn ngoài những phương pháp truyền thống. ĐTĐM cho phép các nhân viên hợp tác tốt hơn với nhau, cho phép nhiều người chia sẻ và làm việc trên một dự án cùng lúc.

(11) - Phục hồi sau sự cố: Phục hồi sau sự cố là một tính năng trên đám mây cho phép sao lưu dữ liệu, ứng dụng và các tài nguyên khác, cũng như nhanh chóng khôi phục các hệ thống quan trọng của doanh nghiệp sau sự cố. Vì thông tin được lưu trữ trên đám mây nên người dùng có thể truy cập bất kỳ lúc nào, bất kể sự cố xảy ra khiến người dùng không thể sử dụng các công cụ cá nhân khác. Tính năng cung cấp quyền truy cập từ xa vào các tệp nhất định trong một môi trường ảo được mã hóa và bảo mật.

(12) - Cập nhật và an toàn: Nhà cung cấp dịch vụ đám mây chịu trách nhiệm cập nhật và cải tiến hệ thống, cho phép doanh nghiệp truy cập những nền tảng và ứng dụng mới nhất mà không cần phải đầu tư nhiều công sức vào việc tự phát triển, đồng thời đảm bảo mọi người đều sử dụng công nghệ đã được đồng bộ và cập nhật. Ngoài ra, ĐTĐM giúp thúc đẩy các biện pháp bảo vệ dữ liệu và bảo mật thông tin được chứa trên hệ thống.

2.3. Ảnh hưởng của điện toán đám mây đến chuyển đổi số

Theo McKinsey [9], các công ty trong danh sách Fortune 500 đạt được giá trị to lớn (hơn 1 nghìn tỷ USD) khi áp dụng đám mây, hầu như tất cả giá trị đó đến từ sự đổi mới và tối ưu hóa kinh doanh hơn là việc giảm chi phí CNTT. Với việc 3 nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu thế giới đạt tổng cộng 100 tỷ USD doanh thu vào năm 2020, sự tăng trưởng nhanh chóng trong chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đám mây vẫn chiếm một phần nhỏ trong thị trường toàn cầu cho các dịch vụ CNTT doanh nghiệp (trị giá 2,4 nghìn tỷ USD). Để nắm bắt giá trị tiềm năng, đòi hỏi một công cụ chuyển đổi đám mây được tạo thành từ 3 yếu tố củng cố lẫn nhau và không ngừng phát triển: (a) Chiến lược và quản lý - Lập chiến lược và kế hoạch, Quản lý chương trình và đảm bảo giá trị; (b) Ứng dụng miền kinh doanh - Chuyển đổi kinh doanh, Triển khai kỹ thuật và di trú; (c) Các năng lực nền tảng - Mô hình hoạt động của đám mây, Dịch vụ và kiến trúc đám mây, Quản lý rủi ro và bảo mật đám mây, Tối ưu hóa chi phí.

Trong quá khứ, có sự phân chia rõ rệt giữa các doanh nghiệp lớn và các công ty nhỏ. Theo Microsoft [11], các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã phải vật lộn với những rào cản đáng kể để có thể cải tiến, phát triển. Họ không đủ tiền, không thể mở rộng quy mô đủ nhanh và tụt hậu so với công nghệ. Khi các giải pháp đám mây xuất hiện, chúng có thể giải quyết hầu hết các mối lo ngại này. Đám mây là chất xúc tác giúp các SME đạt được khả năng mở rộng và bắt kịp tốc độ tăng trưởng. Giá trị của thị trường đám mây trong khu vực SME là 11,5 tỷ USD, 59% các CEO tin rằng sự mau lẹ mang lại giá trị mới, 85% tổng số đầu tư cho ứng dụng dựa trên đám mây là bởi các SME. Đám mây đã mang lại cho các SME khả năng quan sát và hành động lớn hơn nhiều so với thực tế. Họ có thể điều hành công việc kinh doanh của mình ở mọi nơi và phục vụ mọi thị trường, tận dụng những lợi thế của điện toán đám mây.

ĐTĐM là nền tảng của các công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi số. Đám mây mang đến sự linh hoạt, tốc độ và khả năng thử nghiệm, giảm thiểu rủi ro để giúp chuyển đổi số thành công. Ví dụ, với ngành tài chính, dù các ngân hàng có truyền thống là những người chậm thích ứng với ĐTĐM, nó ngày càng trở nên phổ biến và được chấp nhận nhiều hơn khi các ngân hàng bắt tay vào quá trình chuyển đổi số của họ. ĐTĐM với việc hỗ trợ triển khai nhanh hơn sẽ giúp các ngân hàng giải quyết nhu cầu về các trải nghiệm khách hàng mới và độc đáo, tăng cường cộng tác và cải thiện tốc độ tung sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Các lĩnh vực dịch vụ cốt lõi trong ngân hàng như chấm điểm tín dụng, sao kê, thanh toán tiêu dùng và lập hóa đơn cho các chức năng tài khoản cơ bản sẽ sử dụng đám mây để mở rộng quy mô.

ĐTĐM và chuyển đổi số có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những người đầu tiên sử dụng đám mây sẽ có lợi thế trong cuộc cạnh tranh về trải nghiệm kỹ thuật số cho khách hàng và nhân viên của họ. Mặt khác, những doanh nghiệp vẫn chưa triển khai ĐTĐM sẽ gặp cản trở trong quá trình chuyển đổi số bởi các vấn đề liên quan đến hệ thống cũ, khả năng thích ứng chậm hơn với sự thay đổi, tốc độ tiếp cận thị trường lâu hơn và thiếu có khả năng thỏa mãn kỳ vọng chuyển đổi nhanh chóng của khách hàng. Đám mây công cộng/riêng tư nằm trong số năm công nghệ hàng đầu được các doanh nghiệp triển khai cho chuyển đổi số (theo Forbes, năm 2018), trong khi hiện nay, đám mây lai nổi lên như một yếu tố then chốt. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lẫn công nghệ coi đám mây là yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của họ.

Các tổ chức, doanh nghiệp nhận thức được rằng nếu chỉ đơn thuần chuyển đổi các ứng dụng cũ lên đám mây sẽ không thể khiến doanh nghiệp tự chuyển đổi số. Trên thực tế, việc này còn có thể làm cho môi trường CNTT trở nên phức tạp và tốn kém hơn trước, do đó làm chậm quá trình chuyển đổi số thay vì tăng tốc nó. Các doanh nghiệp cần coi đám mây là một phần trong quá trình chuyển đổi số tổng thể của họ. Chuyển dịch lên đám mây có thể là một động lực quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình này và nên được coi là một phần không thể thiếu của chiến lược chuyển đổi số toàn diện.

Bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào cũng đều trải qua các giai đoạn khác nhau, bao gồm xác định các mục tiêu mà quá trình chuyển đổi dự kiến ​​đạt được, lập kế hoạch cho quá trình chuyển đổi, thực hiện kế hoạch và tiến hành các biện pháp để quản lý rủi ro. Đám mây có một vai trò quan trọng trong tất cả các giai đoạn này và trong các quyết định cần được thực hiện để chuyển đổi số thành công. ĐTĐM cung cấp các công cụ và tốc độ cho việc phân tích, xử lý dữ liệu để đánh giá thị trường và kinh doanh trong giai đoạn khám phá. Nó cũng giúp nắm bắt các nhu cầu thay đổi nhanh chóng và sử dụng các phân tích để dự đoán các xu hướng trong tương lai.

Đám mây cung cấp sự linh hoạt và môi trường để thử nghiệm các mô hình và giả thuyết tương lai trong giai đoạn thiết kế. Ngoài ra, nó cung cấp một hệ sinh thái với các nguồn tài nguyên phong phú và hiệu quả về chi phí: từ công nghệ, nền tảng cho đến các nhà cung cấp. Đám mây làm tăng khả năng tương tác giữa các tài nguyên khác nhau, do đó cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho các người lãnh đạo quá trình chuyển đổi số trong giai đoạn thiết kế. Đám mây có thể được sử dụng để liên tục tái định hình chiến lược chuyển đổi dựa trên phản hồi thường xuyên và khả năng thích ứng cũng như đưa ra các thay đổi nhanh hơn.

Tương tự, ĐTĐM đóng vai trò trung tâm trong việc phân phối và thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Đám mây đem đến tốc độ tiếp cận thị trường nhanh hơn, sự nhanh nhạy, khả năng co giãn quy mô với các nhu cầu khác nhau, và sự thích ứng nhanh hơn với nhu cầu của khách hàng/thị trường. Cuối cùng, đám mây giúp các người lãnh đạo quá trình chuyển đổi số giảm thiểu rủi ro đầu tư dưới dạng OpEx thay vì CapEx, chia tách tài nguyên nhanh hơn nếu được yêu cầu, cũng như khả năng thực hiện các thay đổi nhanh chóng.

Tóm lại, ĐTĐM đã trở nên phổ biến, trở thành điều kiện tiên quyết để thành công trong kỷ nguyên kỹ thuật số và là một trụ cột quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Các nhà lãnh đạo công nghệ lẫn doanh nghiệp nên biến ĐTĐM thành một phần trong chiến lược kỹ thuật số của họ để tối đa hóa cơ hội chuyển đổi số thành công.

3. Kết luận

Đại dịch Covid-19 thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới và hiện đại hóa, bằng cách đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ số tân tiến và thực hiện chuyển đổi số. Điện toán đám mây là yếu tố thiết yếu giúp doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi số thành công. Một số đặc điểm cơ bản của điện toán đám mây ảnh hưởng tới quá trình hoạt động và chuyển đổi số doanh nghiệp, bao gồm: tính linh hoạt và khả năng thích ứng, khả năng mở rộng và đàn hồi nhanh, khả năng tiếp cận và tính di động, nhiều người thuê và tổng hợp tài nguyên, truy cập mạng rộng, lưu trữ đại chúng, tiết kiệm chi phí, chi trả dựa trên mức sử dụng, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, phục hồi sau sự cố, cập nhật và tính an toàn.

 

Lời cảm ơn:

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong đề tài mã số: DT21-22.60.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phạm Ngọc Duy, Nguyễn Trung Quân (2020). Container hóa với Điện toán đám mây: Giải pháp xu thế trong phát triển và triển khai ứng dụng doanh nghiệp. Tạp chí Công Thương, số 01, 191-200.
  2. Phạm Ngọc Duy (2019). So sánh hai phương pháp triển khai hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp: Cloud ERPvà On-premise ERP. Tạp chí Công Thương, số 15, 87-93.
  3. APEC. (2021). Guidebook on SME Embracing Digital Transformation. Retrieved from: https://www.apec.org/publications/2020/03/guidebook-on-sme-embracing-digital-transformation
  4. BussinessTechWeekly. (2022). Digital Transformation for SMEs - The ultimate guide. Retrieved from: https://www.businesstechweekly.com/operational-efficiency/digital-transformation/guide-to-digital-transformation-for-smes/.
  5. Gartner Inc. Information Technology|Gartner Glossary. Retrieved from: https://www.gartner.com/en/information-technology/glossary/.
  6. IDC. (2020). IDC FutureScape: Worldwide Digital Transformation 2021 Predictions. Retrieved from: https://www.idc.com/getdoc.jsp?containerId=US46880818.
  7. IDC. (2021). Worldwide Industry CloudPath Survey 2021. Retrieved from: https://www.idc.com/getdoc.jsp?containerId=US48119621.
  8. IDC. (2021). Worldwide Whole Cloud Forecast, 2021 – 2025: The Path Ahead for Cloud in a Digital – First World. Retrieved from: https://www.idc.com/getdoc.jsp?containerId=US47397521.
  9. Jayne Giemzo, Mark Gu, James Kaplan, Lars Vinter . (2020). How CIOs and CTOs can accelerate digital transformations through cloud platforms. USA: McKinsey Digital, McKinsey&Company.
  10. McKinsey. (2018). Unlocking success in digital transformations. USA: McKinsey&Company.
  11. Microsoft, KPMG. (2019). The Future of the Medium-Sized Business: 7 Trends Driving SMEs’Digital Transformation. USA: Microsoft Corp.
  12. OECD. (2021). The Digital Transformation of SMEs, OECD Studies on SMEs and Entrepreneurship. Paris: OECD Publishing. https://doi.org/10.1787/bdb9256a-en.
  13. Peter M. Mell, Timothy Grance. (2011). The NIST Definition of Cloud Computing - NIST SP 800-145. Special Publication (NIST SP), National Institute of Standards and Technology. Retrieved from: https://csrc.nist.gov/publications/detail/sp/800-145/final.
  14. SalesForce. What Is Digital Transformation? Retrieved from: https://www.salesforce.com/products/platform/why-business-need-transformation-innovation/
  15. TechTarget. Driving Digital Transformation with a Hybrid Cloud Experience. Retrieved from: https://www.techtarget.com/searchcio/DrivingITSuccess/Driving-Digital-Transformation-With-a-Hybrid-Cloud-Experience.
  16. Vikram Chandna. (2018). Digital transformation and Cloud: A tight coupling. Retrieved from: https://www.wipro.com/en-JP/blogs/vikram-chandna/digital-transformation-and-cloud-a-tight-coupling/

 

Digital transformation and the role of cloud computing

Master. PHAM NGOC DUY1
Master. NGUYEN TRUNG QUAN1

1 Lecturers, Faculty of Information Technology, Vietnam Maritime University

ABSTRACT:

The COVID-19 pandemic has pushed organizations to innovate and modernize their operations by accelerating the use of digital technological advances and the digital transformation. Cloud computing is essential for organizations to successfully implement the digital transformation process. Some fundamental characteristics of cloud computing that affect the operations and the digital transformation of organizations are: flexibility and adaptability, rapid scalability and elasticity, accessibility and mobility, multi-tenant and resource pooling, broad network access, mass storage, cost savings, consumption-based pricing, resource ussage optimization, disaster recovery, up-to-date and security. This paper discusses the digital transformation of enterprises and the role of cloud computing in this process.

Keywords: cloud computing, digital transformation, enterprise.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 6, tháng 4 năm 2022]