Chuyển dịch năng lượng không chỉ để ứng phó với biến đổi khí hậu

Chuyển dịch năng lượng không chỉ để ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn là nhân tố giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều dự án FDI có chất lượng trong thời gian tới, vì nó chuyển tải đắc lực thông điệp “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Thông tin tại diễn đàn “Bất động sản Công nghiệp 2022” ngày 24/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Huy Đông cho biết, Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cụ thể, năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng, đặc biệt vốn đầu tư mở rộng tăng mạnh tới 40,5%.

Trong bốn tháng đầu năm 2022, đã có 10,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5% so với cùng kỳ.

Với kết quả này, Việt Nam nằm trong Top 20 nền kinh tế nhận vốn FDI lớn nhất trên thế giới và là một trong số ít những nước duy trì được đà tăng trưởng vốn FDI trong đại dịch COVID-19.

Lý giải về câu chuyện có vẻ nghịch lý giữa dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội với những con số tăng trưởng FDI ấn tượng trong suốt năm 2021 đến 4 tháng đầu năm nay, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Andrew Jeffries nhận định, sở dĩ có sự tăng trưởng vốn FDI là do Việt Nam cam kết chuyển dịch năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Giám đốc ADB Andrew Jeffries cho biết, các công ty FDI có những cam kết về trách nhiệm đối với giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu. Vì vậy, họ muốn đầu tư vào những nơi có thể tiếp cận với năng lượng sạch. Một ví dụ cho thấy sự thành công của Việt Nam là thu hút được tập đoàn sản xuất đồ chơi Lego đầu tư 1,3 tỷ USD vào Nhà máy sản xuất trung hòa carbon đầu tiên trên toàn cầu.

Trước đó, ngày 12/5/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Đại diện Tập đoàn LEGO (Đan Mạnh) có buổi làm việc với đại diện các cơ quan của Bộ Công Thương về việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất của Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em đặt tại tỉnh Bình Dương. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt San, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương khẳng định, các đơn vị liên quan của Bộ sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tập đoàn LEGO trong việc triển khai xây dựng và vận hành nhà máy tại Việt Nam hoạt động bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực.

Ngày 12/5/2022 Đại diện Tập đoàn LEGO (Đan Mạnh) có buổi làm việc với đại diện các cơ quan của Bộ Công Thương về việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất của Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em đặt tại tỉnh Bình Dương.
Ngày 12/5/2022 Đại diện Tập đoàn LEGO (Đan Mạnh) có buổi làm việc với đại diện các cơ quan của Bộ Công Thương về việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất của Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em đặt tại tỉnh Bình Dương

Quá trình Lego chuẩn bị để xây dựng nhà máy thứ 6 trên toàn cầu và nhà máy thứ 2 ở châu Á (sau Trung Quốc) bắt đầu từ 2 năm trước. Ban đầu Lego đã xét đến nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam để chọn lựa địa điểm xây dựng. Các thông số được đặt lên “bàn cân” bao gồm vị trí, hạ tầng năng lượng, nguồn cung vật liệu,  bảo hộ sở hữu trí tuệ… Cuối cùng Việt Nam đáp ứng được các chỉ tiêu tổng hợp.

Tại buổi ký kết đầu tư vào Việt Nam, Tổng giám đốc vận hành của Tập đoàn Lego Carsten Rasmussen, chia sẻ những kế hoạch của Việt Nam về đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và thúc đẩy hợp tác với các công ty đầu tư nước ngoài chất lượng cao là động lực để Tập đoàn này quyết định xây dựng nhà máy.

Tháng 7/2021, trang mạng asiatimes.com đăng bài viết nhận định Việt Nam đang có những bước tiến nhanh chóng trong việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch trong thế giới hậu COVID-19.

Đồng thời, trong chiến lược phát triển năng lượng, nhiệt điện than cũng liên tục được điều chỉnh từ trên 50 ngàn MW trước đó xuống 47 ngàn MW và trong tờ trình Quy hoạch điện VIII mới nhất, tháng 4/2022 xuống còn 37,4 ngàn MW vào năm 2030. Tỷ trọng nhiệt điện than giảm dần từ 25,7% vào 2030 và giảm về còn 9,6% năm 2045.

Như vậy, chuyển dịch năng lượng không chỉ để ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn là nhân tố giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều dự án FDI có chất lượng trong thời gian tới, vì nó chuyển tải đắc lực thông điệp “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Hoàng Cầu