Chứng nhận chuyên gia năng suất theo chuẩn mực của APO

Chuyên gia năng suất trong nước sẽ được Hội đồng chứng nhận theo chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) và được chấp nhận ở tất cả các nước thành viên APO.

Mới đây Hội đồng Chứng nhận chuyên gia năng suất (BCC) đã có buổi họp đầu tiên, thảo luận về phương hướng hoạt động của Hội đồng và Văn phòng chứng nhận chuyên gia năng suất (ViProCB).

Hội đồng được thành lập theo quyết định số 126/QĐ-TĐC ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Hoạt động chứng nhận chuyên gia năng suất đã được ViProCB xây dựng theo chuẩn mực của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), và đã được Cơ quan công nhận của APO (APO-AB) đánh giá công nhận.

Hội đồng Chứng nhận chuyên gia năng suất được thành lập với mục đích tư vấn triển khai các hoạt động của ViProCB về chiến lược phát triển mạng lưới chuyên gia năng suất trong nước được chứng nhận theo Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất của APO.

Hội đồng sẽ quyết định thành lập các Ban kỹ thuật của Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất; Phê duyệt các quy định, quy trình, thủ tục chứng nhận chuyên gia năng suất; Thẩm xét hồ sơ và quyết định cấp chứng chỉ Chuyên gia năng suất; Giám sát hoạt động Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất tại Việt Nam.

Hội đồng do TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng làm Chủ tịch, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Năng suất Việt Nam làm Phó Chủ tịch.

Ủy viên là đại diện cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực năng suất - chất lượng và đơn vị có liên quan, gồm TS. Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương; PGS. TS. Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội; TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Bích Hằng - Cố vấn cấp cao, Trung tâm nghiên cứu và hành động vì cộng đồng REACOM.

Để được chứng nhận chuyên gia năng suất theo chuẩn mực của APO, ứng viên cần đáp ứng yêu cầu năng lực, kiến thức chuyên môn về năng suất, kinh nghiệm, kỹ năng, quy tắc ứng xử nghề nghiệp theo chuẩn mực của APO. Theo đó, chuyên gia năng suất được chứng nhận sẽ được chấp nhận ở tất cả các nước thành viên của APO.

Thời gian tới ViProCB sẽ duy trì cập nhật hệ thống tài liệu; phát triển đội ngũ giảng viên, chuyên gia đánh giá; tổ chức các hoạt động quảng bá; tiến hành đánh giá, phê duyệt các tổ chức đào tạo các lĩnh vực chuyên môn năng suất đáp ứng yêu cầu chuyên gia năng suất với mục tiêu chứng nhận được khoảng 30 chuyên gia năng suất.

Đại diện ViProCB cho biết, sẽ tiếp tục phát triển các Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất ở các lĩnh vực khác hoặc ở cấp độ cao hơn. Chương trình đánh giá chứng nhận chuyên gia năng suất sẽ tiếp cận với nhóm chuyên gia từ các cơ quan, tổ chức, và các lĩnh vực khác nhau, qua hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo, quảng bá.

Thanh Trì