Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại giúp giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam

Từ khi đưa vào vận hành, Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại đã thu được những kết quả tích cực ban đầu, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.

cảnh báo sớm phòng vệ thương mại

Xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) như chống bán phá giá, chống trợ cấp để bảo vệ mình.

Do đó, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM.

Nhận thức của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại dần được nâng cao

Báo cáo Phòng vệ thương mại năm 2021 do Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) công bố tháng 7/2022 cho biết, trên thực tế, số lượng vụ việc PVTM với hàng hóa xuất khẩu của ta đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 209 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra tính từ năm 2011 là 162 vụ việc, chiếm tỷ lệ 77,5%.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp  dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có những tác động tiêu cực. Nếu hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Để tránh bị áp thuế, doanh nghiệp phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài. Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, với các nỗ lực của Chính phủ, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về PVTM đang dần được nâng cao. Một số ngành, một số doanh nghiệp đã xác định được điều tra PVTM là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế, do đó chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết về PVTM chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện trong khi yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài rất chặt chẽ về trình tự thời gian, thủ tục, các thông tin doanh nghiệp phải cung cấp. Các doanh nghiệp không đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan điều tra có khả năng cao nhận được kết quả bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.

Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động hơn trong việc ứng phó với các vụ việc

Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316). Mục tiêu của đề án nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.

Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Công Thương đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra danh sách cảnh báo đối với 10 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi. Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7 năm 2019 tới nay, đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men.

Thông qua công tác cảnh báo sớm, Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.

Các hoạt động cảnh bảo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp mới được triển khai nhưng đã thu được một số kết quả tích cực ban đầu. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ) không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cáo buộc (110%). Trong vụ việc Đài Loan điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gạch men, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam (chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang Đài Loan) không bị áp thuế hoặc bị áp thuế ở mức độ thấp.

Những kết quả như vậy giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam duy trì và thậm chí phát triển thêm được thị phần tại thị trường xuất khẩu khi hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh khác bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao hơn so với mức thuế áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh việc cảnh báo nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM, hệ thống cảnh báo sớm còn giúp các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động đấu tranh chống lẩn tránh thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Trong thương mại quốc tế, “lẩn tránh” là việc hàng hóa của một nước tìm cách sử dụng xuất xứ của nước khác nhằm thu lợi bất chính từ mức chênh lệch thuế nhập khẩu mà nước nhập khẩu áp dụng đối với các quốc gia khác nhau.

Với quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ (Đề án 824) và Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Thời gian qua, trên cơ sở danh sách cảnh báo do Bộ Công Thương cung cấp, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài. Kết quả xác minh đã phát hiện một số doanh nghiệp có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam, từ đó các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực hợp tác với các cơ quan liên quan của nước ngoài để đấu tranh ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM. Những nỗ lực của các cơ quan chức năng phía Việt Nam đã được các đối tác đánh giá cao.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề để phổ biến các quy định về xuất xứ, quy định về PVTM đến các doanh nghiệp trong ngành nhằm phòng tránh từ đầu những hành vi khai báo thông tin không chính xác.

Nhờ các nỗ lực nói trên, những hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chỉ là những hành vi cá biệt, được phát hiện và xử lý kịp thời. Từ đó, uy tín của hàng hóa Việt Nam được đảm bảo, các kết quả xuất khẩu được giữ vững và tiếp tục phát triển.

Thanh Hà