Các yếu tố thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế tại Việt Nam

THS. TRẦN THANH LONG (Trường Du lịch - Trường Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Bài viết này tập trung nghiên cứu về các yếu tố thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế tại Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu mẫu 336 doanh nghiệp lữ hành, kết quả cho thấy các yếu tố tác động tích cực đến phục hồi du lịch gồm: Cung ứng du lịch tại điểm đến, Khả năng tiếp cận điểm đến, Ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh du lịch, An toàn điểm đến du lịch, Chính sách du lịch. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu tìm ra, bài viết đề xuất một số giải pháp đối với các doanh nghiệp du lịch và kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước, nhằm phục hồi du lịch quốc tế tại Việt Nam.

Từ khóa: du lịch, du lịch quốc tế, khủng hoảng, phục hồi du lịch, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trải qua khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nền kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó có ngành Du lịch. Du lịch là ngành chủ chốt trong nhiều nền kinh tế, trước khi xuất hiện đại dịch, ngành tạo 334 triệu việc làm, đóng góp 10,5% GDP trên toàn thế giới. Theo nghiên cứu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), năm 2019 ngành Du lịch và Lữ hành đã đóng góp gần 9,2 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thế giới (Manuela và cộng sự, 2021). Ở Việt Nam, ngành Du lịch đóng góp khoảng 9,2% tổng GDP của cả nước. Năm 2019 trước khi đại dịch nổ ra, Việt Nam đã đón 18 triệu khách. Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch đã khiến ngành gần như trở về vạch xuất phát, dẫn tới sự sụt giảm 49,1%, gây ra tổn hại nghiêm trọng gần 4,5 nghìn tỷ USD, đóng góp của du lịch vào GDP năm 2020 đã giảm từ 10,5% xuống còn 5,5%. Ngoài ra, 62 triệu người trong ngành Du lịch mất việc đủ nói lên sức tàn phá nặng nề của đại dịch. Ở Việt Nam, số khách du lịch đã giảm mạnh xuống chỉ còn 3,8 triệu năm 2020 và giảm khoảng 97% trong năm 2021.

Với nhận thức mới về Covid-19, chủ trương thích ứng linh hoạt và kiểm soát đại dịch, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng đã có những biện pháp gỡ bỏ hạn chế đi lại, mở cửa và thức đẩy khôi phục du lịch. Nghiên cứu này trong bối cảnh trên, nhằm phân tích các yếu tố tác động đến khả năng phục hồi du lịch quốc tế tại Việt Nam.

2. Cơ sở lý luận 

Khủng hoảng du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng thường gắn liền với những biến động lớn trên thế giới như khủng hoảng tài chính, thảm họa thiên nhiên, khủng bố,… Các sự kiện vấn đề sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như SARS, cúm gia cầm, Ebola và đại dịch cúm đã trở thành những yếu tố nguy cơ chính, có tác động tiêu cực đến du lịch quốc tế, do những lo ngại lây lan dịch bệnh từ các hoạt động di cư chuyển của con người. Gần đây, kể từ năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến Chính phủ các nước đều ban hành quy định về hạn chế các chuyến bay nội địa và nước ngoài, khóa cửa biên giới, giãn cách xã hội để hạn chế lây lan dịch bệnh. Do sự suy giảm của thị trường du lịch quốc tế quốc tế vào năm 2020, ngành Du lịch của các quốc gia thế mạnh như Thái Lan, Nhật Bản, Maldives, Indonesia, Việt Nam và các nhiều nước khác hiện đã và đang đứng trước bờ vực phá sản ở tâm suy thoái nghiêm trọng (Williamson và cộng sự, 2021).

Trong lý luận, sự phát triển của du lịch không thể tách rời sự tham gia của các bên liên quan (Ellis và Sheridan, 2014; Yan và cộng sự, 2021), đặc biệt khi phải đối mặt với các sự kiện khủng hoảng lớn. Mặc dù trên thực tế, giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch có thể xảy ra tình huống, trong đó lợi ích của một số bên tham gia tạm thời bị suy giảm đến mức bất lợi, do đó tiếp cận đánh giá và phân tích phát triển du lịch phải được xem xét để giải quyết các vấn đề đến các bên liên quan, từ đó thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của ngành Du lịch quốc tế khỏi những tác động tiêu cực của đại dịch. Điều đặt ra tính cấp thiết cần nghiên cứu các yếu tố tác động, tiếp cận theo quan điểm các bên liên quan đến phục hồi du lịch quốc tế (Manuela và cộng sự, 2021). Các yếu tố cơ bản cần xem xét gồm:

Nhu cầu du lịch quốc tế là yếu tố then chốt nhất, nhu cầu cao sđem đến nhiều việc làm hơn, thu nhập cao hơn cho cư dân địa phương hay các dịch vụ địa phương tiếp tục được cải thiện. Các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, sức khỏe và giáo dục được cải thiện, đồng thời có thêm nguồn vốn để xây dựng thêm những dịch vụ và địa điểm tốt hơn cho địa phương. Đồng thời, những chính sách để bảo tồn cảnh quan du lịch và sự nhận thức của cộng đồng địa phương cũng dần được nâng lên và hành động nhiều hơn (Gidebo, 2021). Chính vì thế, nhu cầu du lịch quốc tế là nhân tố giúp phục hồi ngành du lịch một cách trực tiếp và hiệu quả bậc nhất (Manuela và cộng sự, 2021).

Cung ứng du lịch tại điểm đến là yếu tố cơ bản thỏa mãn nhu cầu du khách, đón đầu nhu cầu hồi phục sau đại dịch. Các yếu tố như chất lượng dịch vụ, hình ảnh thương hiệu, giá cả cạnh tranh của các sản phẩm du lịch là những yếu tố tác động đến dòng chảy khách du lịch quốc tế. McKercher (1998) ghi nhận ảnh hưởng của việc tiếp cận thị trường đối với du lịch quốc tế. Hiệu quả của tiếp thị và quảng bá của điểm đến có tác động riêng trong việc thu hút khách du lịch đến các điểm đến (Boniface và cộng sự, 2016).

Khả năng tiếp cận điểm đến bảo gồm khoảng cách địa lý và giao thông quốc tế. Khoảng cách giữa các quốc gia được coi là yếu tố quyết định trong dòng khách du lịch quốc tế khi khoảng cách càng lớn, khối lượng dòng chảy càng nhỏ. Cung ứng dịch vụ vận tải quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không) kết nối đến điểm đến một cách đầy đủ và đảm bảo chất lượng của sẽ hỗ trợ dịch chuyển quốc tế. Đặc biệt, đối với du lịch quốc tế, các đường bay thẳng có tác động tích cực đến các luồng du khách đến các điểm đến (Culiuc, 2014). Ngoài ra, việc cung cấp thị thực điện tử và thị thực khi đến làm tăng lưu lượng khách du lịch đến một quốc gia. Do đó, để phục hồi du lịch quốc tế không thể thiếu được yếu tố khả năng tiếp cận điểm đến (Manuela và cộng sự, 2021).

Ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh du lịch có thể làm giảm chi phí liên quan đến vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng, truyền dữ liệu điện tử, kỹ thuật quản lý, đặt phòng và thanh toán mới; đồng thời còn tạo ra các sản phẩm du lịch mới như trung tâm giải trí và trung tâm nghỉ dưỡng. Tiếp thị du lịch có lẽ là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​những tiến bộ trong công nghệ với phát triển phần mềm quản lý thời gian thực để biết thông tin, tính khả dụng, đặt chỗ, lập hóa đơn và thanh toán bằng thẻ thông minh (Gidebo, 2021).

An toàn điểm đến du lịch góp phần quyết định vào nhu cầu du lịch quốc tế trong bối cảnh hậu khủng hoảng (Naude và Saayman, 2005). Các vấn đề an ninh và rủi ro du lịch theo đó ngày càng trở nên quan trọng đối với tương lai của du lịch. Đại dịch Covid-19 gần đây đã cho thấy các lệnh hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới, cấm bay cùng với sự e ngại của khách du lịch do lo sợ ảnh hưởng của dịch khiến các điểm du lịch trở nên vắng khách, thậm chí là không hoạt động trong thời gian dài, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy. Chính vì thế, một điểm đến an toàn sẽ là lựa chọn hàng đầu của du khách và đó chính là lợi thế rất lớn của các địa điểm du lịch (Manuela và cộng sự, 2021).

Chính sách du lịch: Các định hướng chính sách của chính phủ có thể ảnh hưởng đến dòng khách du lịch quốc tế thông qua việc cung cấp cơ sở hạ tầng hỗ trợ; điều tiết thị trường và tiếp cận; đảm bảo sự bền vững phát triển tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; kích thích tăng trưởng du lịch bao trùm và bền vững; thiết lập các tiêu chuẩn (ví dụ an toàn và an ninh, chất lượng, đào tạo, môi trường); và ứng phó với các cuộc khủng hoảng và thảm họa ảnh hưởng đến ngành du lịch (Manuela và cộng sự, 2021). Do đó, các chính sách du lịch đúng đắn và kịp thời tạo điều kiện cho việc thực hiện phục hồi du lịch quốc tế được thuận lợi và sớm mang đến những kết quả như mục đích đề ra.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để tìm hiểu các yếu tố thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế tại Việt Nam, tác giả tiến hành nghiên cứu và phân tích các tài liệu từ sách, báo, các bài báo cáo, công trình nghiên cứu khoa học. Từ đó, nghiên cứu tổng hợp và xác định các yếu tố cơ bản tác động đến phục hồi du lịch hậu khủng hoảng. Mô hình hồi quy được xây dựng với 6 biến độc lập nhằm kiểm định tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến phục hồi du lịch quốc tế tại Việt Nam.

Để kiểm định tác động của các yếu tố đến khả năng phục hồi du lịch quốc tế tại Việt Nan, nghiên cứu thu thập dữ liệu thông qua bảng hỏi điều tra đối với các nhà quản lý và lãnh đạo các công ty lữ hành Việt Nam, nhằm thu thập các thông tin, quan điểm đánh giá của họ về tác động của các yếu tố đến khả năng phục hồi du lịch quốc tế. Kết quả thu về được 336 bảng hỏi đầy đủ các thông tin. Trong mẫu nghiên cứu, phần lớn các doanh nghiệp được khảo sát có thời gian hoạt động tương đối ngắn (dưới 3 năm) và ngắn (từ 3 đến dưới 5 năm); đa phần hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và công nghiệp sản xuất với tỷ lệ lần lượt là 44,35% và 20,83%. Các doanh nghiệp có quy mô lao động từ 50 - 199 lao động chiếm 30,36% doanh nghiệp tham gia khảo sát, doanh thu từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng, từ 100 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ đồng chiếm tỷ lệ lần lượt 33,93% và 22,62%. Những con số này phản ánh tương đối chính xác tình hình hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và công nghiệp sản xuất có xu hướng tăng lên về số lượng, quy mô, ngày càng tạo ra nhiều của cải cho xã hội.

Kết quả kiểm định biến CFA cho thấy các biến gộp hình thành từ các câu hỏi trong bảng hỏi khảo sát điều tra đều có các hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,7 đạt ngưỡng thống kê; các hệ số kiểm định Kaiser-Meyer-Olkin cũng đạt ngưỡng thống kê 95% (Sig.) và đều có giá trị KMO lớn hơn 0,7. Điều này cho phép khẳng định độ tin cậy của các thang đo sử dụng đối với các biến độc lập và phụ thuộc trong nghiên cứu này. (Bảng 1)

Bảng 1. Kiểm định các biến độc lập và phụ thuộc

ST
T

Các biến nghiên cứu

Kí hiệu

Cronbach’s Alpha

Kaiser-Meyer-Olkin

Sig.

Giá trị cột trụ đầu (%)

1

Nhu cầu du lịch quốc tế

X1

0,808

0,704

0,000

72,359

2

Cung ứng du lịch tại điểm đến

X2

0,920

0,806

0,000

76,061

3

Khả năng tiếp cận điểm đến

X3

0,920

0,720

0,000

80,800

4

Ứng dụng khoa học công nghệ

X4

0,933

0,759

0,000

88,574

5

An toàn điểm đến

X5

0,871

0,700

0,000

80,218

6

Chính sách du lịch

X6

0,867

0,791

0,000

65,397

7

Khả năng phục hồi du lịch quốc tế

Y

0,870

0,750

0,000

72,024

4. Kết quả nghiên cứu

Kết quả hồi quy và các phép kiểm tra vấn đề đa cộng được trình bày trong Bảng 2. Mô hình có biến phụ thuộc là khả năng phục hồi duy lịch quốc tế và 6 biến độc lập là các yếu tố tác động đến phục hồi du lịch quốc tế sau đại dịch. Thống kê F của mô hình là 155,453 với giá trị p (Sig.) = 0,000 cho thấy mô hình phù hợp với dữ liệu thu thập được và tồn tại các biến giải thích có ý nghĩa. Giá trị R bình phương hiệu chỉnh đạt 0,734 cho thấy các biến độc lập đưa vào mô hình giải thích được 73,4% sự biến thiên của biến phụ thuộc. Kết quả phân tích đa cộng tuyến của mô hình cho giá trị VIF đều nhỏ hơn 4, đảm bảo không tồn tại hiện tượng này trong mô hình hồi quy. Các kết quả này cho phép khẳng định mô hình hồi quy đạt mức tin cậy.

Bảng 2. Kết quả hồi quy

 

Hệ số chưa chuẩn hóa

t

Sig.

Thống kê đa cộng tuyến

B

Sai số chuẩn

Tolerance

VIF

 

(hệ số)

0,000

0,028

0,000

1,000

     

X1

0,137***

0,029

4,707

0,000

0,931

1,074

 

X2

0,403***

0,038

10,591

0,000

0,547

1,827

 

X3

0,187***

0,040

4,689

0,000

0,500

2,001

 

X4

0,154***

0,036

4,216

0,000

0,595

1,680

 

X5

0,269***

0,037

7,220

0,000

0,571

1,750

 

X6

0,056

0,040

1,405

0,161

0,497

2,010

 
 

R = 0,860; R Square = 0,739; Adjusted R Square = 0,734; 

Std, Error of the Estimate = 0,515; F = 155,453; Sig.= 0,000.

* có ý nghĩa thống kê với p < 0,05;
** có ý nghĩa thống kê với p < 0,01;
*** có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.

Kết quả hồi quy cho thấy biến độc lập X1 - Nhu cầu du lịch quốc tế có tác động tích cực đến phục hồi du lịch theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát (B = 0,137; Sig. = 0,000). Nhu cầu du lịch quốc tế sau đại dịch đang chứng kiến một sự phục hồi nhanh chóng và đáng kể. Năm 2019, doanh thu du lịch toàn cầu đạt 1.480 tỷ USD, song vẫn giảm gần 66% vào thời điểm đại dịch bùng phát.  Tuy số liệu thống kê trong tháng 1/2022 là minh chứng cho xu hướng phục hồi của ngành Du lịch bắt đầu từ năm 2021, UNWTO nhấn mạnh rằng làn sóng lây lan dịch Covid-19 do biến thể Omicron gây ra trong thời gian qua đã kìm hãm đà tăng trưởng của ngành. Lượng khách du lịch quốc tế trong tháng 1 vẫn thấp hơn mức trước đại dịch đến 67%.

Về tác động của biến độc lập X2 - Cung ứng du lịch tại điểm đến, kết quả cho thấy tác động tích cực đến phục hồi du lịch theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát (B = 0,403; Sig. = 0,000). Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp khuyến khích để khôi phục ngành Du lịch, bên cạnh đó các công ty liên quan đến du lịch cũng đang nỗ lực thiết kế và phát triển các sản phẩm du lịch có thể đáp ứng nhu cầu của du khách trong tình hình mới.

Kết quả hồi quy cho thấy biến độc lập X3 - Khả năng tiếp cận điểm đến cũng có tác động tích cực đến phục hồi du lịch theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát (B = 0,187; Sig. = 0,000). Hiện nay, mạng lưới các phương tiện giao thông vận chuyển khách quốc tế càng ngày càng đa dạng, thuận tiện, dễ dàng, an toàn và nhanh chóng để tiếp các điểm đến du lịch Việt Nam. Điều này góp phần làm khả năng tiếp cận điểm đến của du khách quốc tế được đa dạng và thuận lợi.

Về ứng dụng khoa học công nghệ, kết quả hồi quy cho thấy biến độc lập X4 có tác động tích cực đến phục hồi du lịch theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát (B = 0,154; Sig. = 0,000). Nhìn chung tại nước ta, những năm qua, các điểm đến lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng phát triển công nghệ phục vụ du lịch đạt hiệu quả cao. TP. Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng một số trạm thông tin du lịch thông minh, phần mềm du lịch thông minh “Vibrant Ho Chi Minh city” và “Sai Gon Bus”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”, “Ho Chi Minh City Guide and Map”. Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông với ngành Du lịch, phát triển mô hình du lịch thông minh. Việc thiết lập một số phần mềm tiện ích hay các thông tin điện tử du lịch được tiếp cận một cách dễ dàng đối với khách du lịch sẽ giúp truyền thông quảng bá được hiệu quả.

Về vấn đề an toàn điểm đến, kết quả hồi quy cho thấy biến độc lập X5 có tác động tích cực đến phục hồi du lịch theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát (B = 0,269; Sig. = 0,000). Trải qua 2 năm sống chung với dịch bệnh Covid-19, hành vi và nhu cầu của khách du lịch đã có nhiều thay đổi. Thay vì ưu tiên về giá cả, khách hàng sẽ ưu tiên về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao. Chính vì thế, an toàn điểm đến là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy phục hồi nền du lịch sau đại dịch.

Cuối cùng, về chính sách du lịch quốc tế, kết quả hồi quy cho thấy biến độc lập X6 không có tác động đáng kể đến phục hồi du lịch theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát (B = 0,056; Sig. = 0,161). Điều này có thể được giải thích vì các chính sách ở tầm vĩ mô, có tác động gián tiếp hoặc lan tỏa, hơn là tác động trực tiếp đến du lịch quốc tế; các chính sách hỗ trợ du lịch quốc tế mới chỉ có tác động lan tỏa hơn là trực tiếp đến du lịch quốc tế sau đại dịch. 

5. Giải pháp và kiến nghị

Trên cơ sở nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp đối với các doanh nghiệp trong ngành Du lịch nói chung và các doanh nghiệp lữ hành quốc tế nói riêng. Thứ nhất, các doanh nghiệp du lịch cần điều chỉnh lại cách hoạt động, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có những sản phẩm du lịch phù hợp có chất lượng, đồng thời xây dựng những gói kích cầu du lịch. Thứ hai, việc tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới thu hút khách du lịch quốc tế cũng cần được chú trọng, đặc biệt là đẩy mạnh việc quảng bá du lịch các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thứ ba, các doanh nghiệp du lịch cần khai thác và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Thứ tư, nguồn nhân lực du lịch quốc tế cần được hỗ trợ phát triển theo cơ cấu hợp lý, đồng thời có sự cơ cấu lại cho phù hợp với nhu cầu du lịch của du khách sau đại dịch nhằm phục hồi du lịch.

Đối với các cơ quan nhà nước, nghiên cứu cũng có một số kiến nghị nhằm hỗ trợ thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch quốc tế. Một là, Nhà nước cần có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành Du lịch như miễn thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch hơn là áp dụng mức giá dịch vụ… Hai là, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường du lịch quốc tế. Ba là, giảm chi phí nhiên liệu, điện, nước cho hoạt động, giảm một số loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng hay hoãn nộp các khoản thuế, phí với thời gian được kéo dài hơn trước, giảm tiền thuê đất… Bốn là, Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ chính sách visa thông thoáng, tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch, mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam.

6. Kết luận

Hồi phục và phát triển kinh tế nói chung và kinh tế du lịch nói riêng tiếp tục là mục tiêu chiến lược của Nhà nước sau đại dịch. Mục tiêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 là đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho sự phát triển các ngành khác, phấn đấu năm 2025 đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu 1.700 - 1.800 tỷ đồng, đóng góp 12-14% GDP. Do đó, vấn đề này phải được thực hiện thông qua hoạt động có ý thức của nhà nước, các doanh nghiệp du lịch và cả người dân địa phương. Kết quả nghiên cứu của bài này cho thấy các yếu tố: Cung ứng du lịch tại điểm đến, Khả năng tiếp cận điểm đến, Ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh du lịch, An toàn điểm đến du lịch, Chính sách du lịch tác động tích cực đến phục hồi du lịch quốc tế. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu tìm ra, bài viết đề xuất một số giải pháp đối với các doanh nghiệp du lịch và kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước, nhằm phục hồi du lịch quốc tế tại Việt Nam. Để có thể thực hiện được mục tiêu đó, đặc biệt là sau khó khăn đại dịch mang lại, Chính phủ và các doanh nghiệp càng cần chú trọng vào các yếu tố giúp phục hồi du lịch quốc tế hơn nữa, cùng phối hợp hành động để sớm đạt được kết quả đã đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Boniface B, Cooper R, Cooper C (2016), Worldwide Destinations: The Geography of Travel and Tourism, (7th ed.), London: Routledge.
  2. Culiuc Alexander (2014), “Determinants of International Tourism”, IMF Working Papers 2014/082, International Monetary Fund.
  3. Ellis S., Sheridan L (2014), “A critical reflection on the role of stakeholders in sustainable tourism development in least-developed countries”, Plan. Dev, 11, 467-471.
  4. Gidebo Henok Bekele (2021), “Factors determining international tourist flow to tourism destinations: A systematic review”, Journal of Hospitality Management and Tourism, 12.1: 9-17.
  5. Manuela Goretti and Lamin Leigh, comprising Aleksandra Babii, Serhan Cevik, Stella Kaendera, Dirk Muir, Sanaa Nadeem, Gonzalo Salinas (2021), “Tourism in the Post-Pandemic World: Economic Challenges and Opportunities for Asia-Pacific and the Western Hemisphere”, IMF Working Papers 21/02, International Monetary Fund.
  6. McKercher B (1998), “The effect of market access on destination choice”, Journal of Travel Research, 37(1), 39-47.
  7. Naude W. A., Saayman A. (2005), “Determinants of tourist arrivals in Africa: a panel data regression analysis”. Tourism Economics, 11(3), 365-391.
  8. Williamson J., Hassanli N., Grabowski S. (2021), “OzNomads: A case study examining the challenges of COVID-19 for a community oflifestyle travellers”, Current Issues in Tourism, Volume 25, 2022 - Issue 2, 1928009.
  9. Yan H., Wei H., Wei M. (2021), “Exploring Tourism Recovery in the Post-COVID-19 Period: An Evolutionary Game Theory Approach”, Sustainability, 13, 9162.

Factors facilitating the international tourism recovery in Vietnam

Master. Tran Thanh Long

School of Tourism, Hue University

Abstract:

This study explores the factors driving the recovery of Vietnam’s international tourism. By analyzing 336 tourism businesses, the study finds out that there are five factors positively facilitating the tourism recovery, namely: tourism destination supply, destination accessibility, IT application level in tourism businesses, destination safety, and tourism policy. Based on the study’s findings, some recommendations are made for tourism businesses and state management agencies in order to facilitate the international tourism recovery in Vietnam.

Keywords: tourism, international tourism, crisis, tourism recovery, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]