Các doanh nghiệp đồ uống đề xuất hoãn tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt

Tại Hội thảo "Ngành Đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp lấy ý kiến về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đề xuất tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá điện tử và bổ sung đồ uống có đường. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp đang có ý kiến tạm hoãn sửa đổi Luật thuế này bởi tình hình kinh tế đăng gặp nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát, Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp rất chia sẻ mong muốn của Chính phủ trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi luật sửa đổi chưa đảm bảo sự hài hòa giữa các thành phần kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp đang chịu mức tăng nguyên vật liệu đã vượt quá khả năng gánh chịu.

thuế tiêu thụ đặc biệt
Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Lãnh đạo Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam cho biết, kiến nghị của ngành bao gồm những điểm quan trọng: Xem xét chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ít nhất trong thời gian 2023-2024 để giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch; Không bổ sung mặt hàng đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt; Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xem xét, thảo luận và thông qua tại hai Kỳ họp Quốc hội;

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có đánh giá cụ thể, toàn diện về tác động của thay đổi đề xuất, bao gồm các tác động lan tỏa với nền kinh tế, trước khi thay đổi luật. Ngoài những khó khăn chung, về môi trường pháp lý: Từ năm 2003 đến nay, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã năm lần sửa đổi (vào các năm 2003, 2005, 2008, 2014 và 2016). Sự điều chỉnh liên tục gây bất ổn cho môi trường pháp lý, thể chế và kinh doanh, tác động tiêu cực doanh nghiệp. Thực tiễn cũng cho thấy: Tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt chưa đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe; Tăng thuế không giải quyết vấn đề rượu bất hợp pháp, chiếm 60- 70% thị trường, gây thất thoát 751 triệu USD/ năm, từ đó, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và kinh doanh hợp pháp; Tăng thuế TTĐB không giúp nuôi dưỡng nguồn thu cho nhà nước. Tóm lại, vấn đề gốc rễ bao gồm rượu phi chính thức gây rủi ro cho sức khỏe và gây thất thu ngân sách lại không được tập trung giải quyết.

thuế tiêu thụ đặc biệt
Ông Bennet Neo Tổng giám đốc Sabeco đề nghị chưa tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt tại thời điểm này

Đại diện doanh nghiệp sản xuất bia, ông Bennet Neo, Tổng giám đốc SABECO cho rằng, việc thay đổi thuế hiện hành có thể dẫn đến sự tác động tiêu cực đối với hầu hết các doanh nghiệp trong ngành bia. “Chúng tôi kiến nghị nên hoãn việc tăng các loại thuế cho đến khi chúng ta có được sự phục hồi ổn định hơn và mạnh mẽ hơn, và nên thực hiện việc đánh giá tác động trước khi áp dụng bất kỳ thay đổi nào đối với hệ thống thuế hiện hành”, ông Bennet Neo nêu ý kiến.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI chia sẻ, thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Một sắc thuế tiêu thụ đặc biệt tốt thì ngoài các mục tiêu trên còn cần tính tới các yếu tố như tính khả thi, tính tuân thủ, cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế. Lộ trình tăng thuế như thế nào là phù hợp để các doanh nghiệp điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trong khi doanh nghiệp cần phục hồi sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu còn rất khó khăn?

thuế tiêu thụ đặc biệt
Các doanh nghiệp đề xuất không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu gợi ý, nhà chức trách nên nghiên cứu thay đổi phương pháp tính thuế từ tương đối (tính theo tỷ lệ phần trăm) sang tuyệt đối theo độ cồn trong đồ uống hoặc tính thuế hỗn hợp (áp dụng song song phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối). Trước mắt nên tính thuế hỗn hợp từ năm 2026 - giai đoạn kinh tế Việt Nam đạt được khát vọng chuyển sang giai đoạn thu nhập trung bình cao.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách (VEPR), cho rằng ngành sản xuất đồ uống có tăng trưởng sản xuất nhưng cũng biến động rất lớn trong 5 năm qua. Khi có tác động, như dịch COVID-19, tổn thương ngành này lớn hơn nhiều so với các ngành như thực phẩm, thuốc lá.

Nguyên Vỵ