Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Hậu Giang có nhiều lợi thế trở thành vùng "động lực mới" trong chuỗi sản xuất công nghiệp

Ngày 16/7, dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Hậu Giang có nhiều lợi thế để trở thành vùng "động lực mới"

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. Mới đây nhất ngày 02/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, Việt Nam đang đón nhận sự dịch chuyển chuỗi sản xuất có xu hướng từ nước ngoài. Trong nước hiện cũng đang có sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất từ các trung tâm, đô thị, thành phố lớn phía Nam về các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Hậu Giang
Thủ tướng cùng các đại biểu xem bản đồ tích hợp các dự án kêu gọi đầu tư tỉnh Hậu Giang

 

Đối với Hậu Giang, hiện tỉnh đang định hướng Chiến lược phát triển tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định công tác thu hút đầu tư vào 04 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang cũng xác định đây là một trong những giải pháp then chốt, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội cho tỉnh Hậu Giang.

Đánh giá về tiềm năng, lợi thế của Hậu Giang, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Hậu Giang với vị trí địa lý ở trung tâm vành đai đô thị hóa Đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ của khu vực Nam Sông Hậu, dễ dàng kết nối giao thông, vận tải thủy, bộ của vùng Nam Sông Hậu thông qua 6 tuyến Quốc lộ huyết mạch và 2 trục giao thông thủy quốc gia, cách cảng hàng không quốc tế Cần Thơ khoảng 50km; quỹ đất phát triển công nghiệp còn lớn; nguồn nguyên liệu nông sản và nhân lực trẻ dồi dào... giúp tỉnh sở hữu nhiều lợi thế thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại, thúc đẩy chuyển dịch từ vùng “dự trữ chiến lược” sang thành vùng “động lực mới” trong chuỗi sản xuất công nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng bên cạnh những lợi thế tự nhiên về vị trí địa lý, Hậu Giang còn có sức bật lớn nhất là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tầm nhìn và sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh đã góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển vượt bậc trong thời gian qua, nhất là các ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản, chế tạo và dịch vụ logicstics... Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng được xem là một trong những địa phương dành cho các nhà đầu tư những ưu đãi cao nhất về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, thuê mặt nước... Đây là những lợi thế riêng có, là nền tảng quan trọng giúp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tìm kiếm, gặt hái được thành công khi đầu tư tại tỉnh Hậu Giang.

Đặc biệt, hiện nay, với sự quan tâm của Trung ương, các dự án đầu tư đường cao tốc đã và đang được triển khai quyết liệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó “nút thắt” về hạ tầng giao thông đường bộ (nhất là giao thông kết nối) của tỉnh từng bước được tháo gỡ.

Đồng thời, tỉnh Hậu Giang cũng đang đẩy mạnh việc cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới các tuyến đường, trục giao thông chính để kết nối với các tuyến đường cao tốc theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã được phê duyệt nhằm tạo lập hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút những doanh nghiệp có uy tín, năng lực về tài chính, công nghệ vào đầu tư tại địa phương.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương rất hoan nghênh và đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã chủ động tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để Hậu Giang giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế; cũng như thể hiện cam kết và quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy, chính quyền địa phương với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư và quảng bá, đưa các sản phẩm, hàng hóa của Hậu Giang đến với thị trường trong và ngoài nước.

"Bộ Công Thương thống nhất cao về các chủ trương của tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế tạo, chế biến, điện tử, năng lượng sạch, sản xuất hàng xuất khẩu và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, logistics... Tuy nhiên bên cạnh những lĩnh vực này, Bộ Công Thương cho rằng những dự án đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm có quy mô lớn, có tính liên kết vùng cũng cần được chú trọng khuyến khích thu hút đầu tư vào tỉnh để tận dụng, phát huy những lợi thế riêng có của địa phương"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị cấp uỷ, chính quyền tỉnh Hậu Giang quán triệt sâu sắc những chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ của Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quyết định số 287 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn, kịp thời tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, bảo đảm phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, cân đối vùng, miền và phù hợp với định hướng Quy hoạch quốc gia và các quy hoạch ngành của cả nước.

Đồng thời, Hậu Giang cũng cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, bảo đảm đồng bộ, khả thi; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các hạ tầng Khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa nhằm thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng mà tỉnh có lợi thế (như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, hóa chất, chế biến, chế tạo và điện tử) theo đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

"Với vai trò là Bộ kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ đồng hành, hỗ trợ tỉnh và các doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ và bền vững"- Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Bộ trưởng cũng tin tưởng rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương cùng với quyết tâm, nỗ lực, năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị trong tỉnh sau hội nghị này, Hậu Giang sẽ đón nhận các làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của cả nước.

Theo Báo Công Thương