Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam là công trình nghiên cứu công phu, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn

Ngày 12/5/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ công bố Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam. Tại buổi lễ, bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã có bài phát biểu chia sẻ về quá trình phối hợp, xuất bản Bộ sách. Tạp chí Công Thương trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
xuất bản Lịch sử Công Thương
Bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu tại Lễ công bố Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam

 

Hôm nay, Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010 và Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 - 2020 ra mắt bạn đọc là kết quả của quá trình hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trong thời gian hơn sáu tháng qua.

Với dung lượng gần 900 trang, cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010 là công trình khoa học được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, có kết cấu chặt chẽ, logic, nguồn tư liệu tham khảo phong phú, đa dạng, nhiều hình ảnh đặc sắc.

Như đồng chí Tổng biên tập Tạp chí Công Thương trong bài phát biểu cũng đã nói rất rõ, thực sự khi đọc cuốn Lịch sử Công Thương Việt Nam, chúng tôi không chỉ thấy những đóng góp, sự trưởng thành của ngành Công Thương, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp đổi mới mà còn thấy được bức tranh nền kinh tế đất nước trong suốt thời gian gần 80 năm qua.

Cuốn sách tái hiện lại một cách hệ thống quá trình ra đời, phát triển của ngành Công Thương Việt Nam qua các thời kỳ, gắn liền với nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử; khẳng định vị trí, vai trò của ngành Công Thương cũng như những đóng góp, cống hiến của Ngành cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Cuốn sách cũng là nguồn sử liệu có độ tin cậy rất cao, logic cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với kinh tế Việt Nam nói chung cũng như đối với ngành Công Thương nói riêng.

Tiếp nối cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010, Bộ sách Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 - 2020 gồm 2 tập gần 1.600 trang sách, hệ thống hóa gần 1.400 tư liệu lịch sử của ngành Công Thương trong mười năm 2011 - 2020. Đây là giai đoạn nền kinh tế đất nước có những bước phát triển quan trọng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bộ sách đã khái quát quá trình hoạch định chính sách, triển khai các nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ giao cho ngành Công Thương, khẳng định những đóng góp quan trọng của ngành Công Thương trong những thành tựu chung của đất nước trong hơn 35 năm Đổi mới.

Sau thời gian làm việc nghiêm túc, đặt lên cao nhất tinh thần trách nhiệm, sự cẩn trọng và kỹ lưỡng cho từng sự kiện, từng chi tiết, Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010 và Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 - 2020 hoàn thành và ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm chào mừng 72 năm ngày truyền thống Ngành Công Thương.

Để hoàn thành bộ sách bảo đảm chất lượng, nội dung, hình thức đẹp, bên cạnh cạnh tinh thần, thái độ làm việc chuyên nghiệp, tỉ mỉ, cần mẫn của cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, chúng tôi còn nhận được sự phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng, kịp thời và rất trách nhiệm của Tạp chí Công Thương - đơn vị trực tiếp phụ trách về nội dung và các công việc liên quan tới việc xuất bản Bộ sách.

Chúng tôi tin tưởng rằng, Bộ sách ra mắt bạn đọc hôm nay sẽ tiếp tục được lan tỏa, là tài liệu có giá trị góp phần phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập, tìm hiểu về lịch sử phát triển của ngành Công Thương nói riêng, về kinh tế Việt Nam nói chung, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Nhà nước cách mạng Việt Nam với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Nhân dịp Bộ sách ra mắt bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Công Thương, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương để Bộ sách ra mắt đúng thời gian, đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng trong thời gian tới, sự gắn bó, hợp tác chặt chẽ giữa Nhà xuất bản với Bộ Công Thương sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển, đơm hoa kết trái bằng những ấn phẩm có giá trị, có tiếng vang.

Tạp chí Công Thương