Bộ Công Thương đã chuyển sang hậu kiểm đối với hơn 90% hàng hóa nhập khẩu

Thực hiện cải cách kiểm tra chuyên ngành, đến nay Bộ Công Thương đã chuyển đổi thời điểm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với hơn 90% mặt hàng.

Các Bộ, ngành đang tích cực triển khai nhiệm vụ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

hàng hóa hậu kiểm

Tiếp tục triển khai thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia

Theo Cổng Thông tin một cửa Quốc gia, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các Bộ, ngành đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trong việc triển khai các thủ tục hành chính mới thông qua Cơ chế một cửa quốc gia theo kế hoạch tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020; Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 sửa đổi Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) các Bộ, ngành phải triển khai trên Cơ chế một cửa quôc gia giai đoạn 2016-2020 là 251 TTHC. Theo Quyết định số 1258/QĐ-TTg thì tổng số TTHC cần triển khai đã được sửa đổi thành 261 thủ tục, tăng thêm 10 TTHC so với Quyết định số 1254/QĐ-TTg (bổ sung 39 TTHC mới; đưa 29 TTHC ra khỏi danh sách cần triển khai giai đoạn 2019-2020).

Tính đến 30/6/2022, tổng số TTHC đã triển khai theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg là 249/261 thủ tục. Trong đó, nhiều Bộ đã hoàn thành kế hoạch gồm: Bộ Công an (02 TTHC), Bộ Khoa học và Công nghệ (06 TTHC), Bộ Thông tin và Truyền thông (05 TTHC), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (01 TTHC), Bộ Y tế (56 TTHC), Ngân hàng Nhà nước (02 TTHC).

Các Bộ, ngành còn lại đang tiếp tục triển khai TTHC theo Cơ chế một cửa quốc gia gồm: Bộ Công Thương (06 TTHC); Bộ Giao thông vận tải (01 TTHC liên ngành); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (01 TTHC- đang đề nghị chưa triển khai xây dựng phần mềm này); Bộ Quốc phòng (01 TTHC); Bộ Tài nguyên và Môi trường (01 TTHC); Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (01 TTHC); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (01 TTHC).

Đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp

"Có thể thấy, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN những năm qua tiếp tục nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức trong, ngoài nước; đem lại hiệu quả thiết thực cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, người dân", Cổng Thông tin một cửa Quốc gia nhận định.

Các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực phối hợp triển khai các TTHC mới thông qua Cơ chế một cửa quốc gia theo kế hoạch tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg. So với năm 2020, đã có 42 TTHC mới được triển khai thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; các thủ tục còn lại đang trong quá trình triển khai. Cơ sở hạ tầng, Cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành đã được nâng cấp, bổ sung trang, thiết bị nên tỉ lệ sự cố và lỗi phát sinh liên quan đến hệ thống đã được hạn chế.

Về công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành, đến nay, nhiệm vụ về rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật của các Bộ, ngành tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản hoàn thành. Đối với nhiệm vụ giao tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg, hiện các Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 34/38 văn bản (hoàn thành 89,48% kế hoạch), đang sửa đổi bổ sung 2/38 văn bản (chiếm 5,26%), chưa làm 2/38 văn bản (chiếm 5,26%).

Về nhiệm vụ ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã HS và quy chuẩn, tiêu chuẩn, các Bộ, ngành đã ban hành 51/60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS (chiếm 85% kế hoạch), đang làm 5/60 danh mục (chiếm 8,3%), chưa làm 4/60 danh mục (chiếm 6,7%).

Bên cạnh đó đã hoàn thành ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 và danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu cho 22/22 nhóm hàng. Đặc biệt, loại bỏ 03 nhóm hàng phế liệu khỏi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu phục vụ sản xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường; loại bỏ 02 nhóm hàng khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế.

Nhiều Bộ, ngành đã chuyển đổi thời điểm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nổi bật có thể kể đến như: Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển hơn 90%; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công An đã chuyển 100% mặt hàng sang hậu kiểm.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đã bước đầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Tăng đối tượng được miễn kiểm tra; Áp dụng miễn giảm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa đã có 3 lần nhập khẩu đạt yêu cầu; Thay đổi phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm từ kiểm tra chặt đối với tất cả các lô hàng nhập khẩu sang áp dụng 3 phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm.

Đơn giản hóa thủ tục đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành

Từ nay đến cuối năm 2022, các Bộ ngành sẽ tiếp tục hoàn thành triển khai 12 TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia theo nhiệm vụ phân công tại Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, Văn bản số 291/TB-VPCP ngày 14/8/2018 của Văn phòng Chính phủ, Quyết định số 1254/QĐ-TTg được sửa đổi tại Quyết định số 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ như: Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, ban hành danh mục HS, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành…

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống văn bản bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành để đảm bảo tính thống nhất, cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; rà soát, sửa đổi các luật quản lý chuyên ngành liên quan như: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật an toàn thực phẩm… để đáp ứng mục tiêu cải cách của Chính phủ.

Ngoài ra, các Bộ ngành sẽ đánh giá, chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp có đủ năng lực tham gia thực hiện việc thử nghiệm, chứng nhận, kiểm định, cơ sở kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm để tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Thanh Hà