Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương

Ngày 18/12/2014, tại Quyết định số 11476/QĐ-BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa,

Theo đó, mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của Ngành; Nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức hoạt động của Ngành, xây dựng mô hình quản lý Nhà nước về năng lượng hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 6,5-7,0%, giai đoạn 2021-2030 đạt 7,5-8,0%; Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu kinh tế (%/GDP) đến 2020 chiếm 42-43% và đến năm 2030 chiếm 43-45%; Giảm điện năng dùng để truyền tải và phân phối điện tới năm 2015 khoảng 8%, năm 2020 xuống dưới 8%; Hệ số đàn hồi năng lượng/GDP năm 2015 đạt 1,5; năm 2020 đạt 1,5; năm 2020 đạt 1,0 và đến năm 2030 đạt < 1,0; Phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác hầm lò đến năm 2020 xuống 5% và sau năm 2020 dưới 25%, khai thác lộ thiên đến năm 2020 xuống 5% và sau năm 2020 dưới 5%; đến năm 2020, tăng hệ số thu hồi trong sàng tuyển chế biến than lên 90%; Phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 15% năm; kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 5% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020; thặng dư thương mại thời kỳ 2021-2030; Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào GDP của cả nền kinh tế: đến năm 2015 chiếm khoảng 14%, tới năm 2020 chiếm tỷ trọng khoảng 14,5-15%, tới năm 2030 khoảng 15,5-16%.

Nội dung chính của Kế hoạch bao gồm: Đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển; Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, gắn chiến lược với xây dựng quy hoạch, kế hoạch, quản lý giám sát nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch; Nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp; Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển khoa học công nghệ; Xây dựng Đề án Tái cơ cấu và Kế hoạch hành động thực hiện các nội dung tái cơ cấu theo từng lĩnh vực.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Chi tiết Quyết định xem tại đây.