Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng trả lời phỏng vấn Tạp chí Công Thương

Năm 2023 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Sóc Trăng khi tỉnh cần phải tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Năm 2022, trong 23 chỉ tiêu kinh tế mà Nghị quyết Đảng bộ Sóc Trăng đề ra, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 20 chỉ tiêu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 7,71%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, tăng trưởng trên cả 3 khu vực; trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ tăng trên 11%.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Sóc Trăng khi tỉnh cần phải tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Tạp chí Công Thương đã có buổi trao đổi với đồng chí Lâm Văn Mẫn - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng về những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, đưa Sóc Trăng từng bước vươn lên, khẳng định vị thế mới của một tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Sóc Trăng
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Sóc Trăng

PV: Năm 2022, tỉnh Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tỉnh Sóc Trăng có chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và xuất khẩu gạo, thủy sản cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, GDP của Sóc Trăng tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đồng chí có thể cho biết, Sóc Trăng đã có những chỉ đạo quyết liệt, cũng như những giải pháp tích cực ra sao để đạt được những kết quả như vậy?

Đồng chí Lâm Văn Mẫn: Năm 2022, tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tỉnh uỷ đã chủ động, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả tích cực: GRDP năm 2022 của tỉnh đạt 7,71%, là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng trên cả 3 khu vực; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ tăng trên 11%. Tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì và ổn định.

Công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ đều có bước tăng trưởng; giá trị xuất khẩu hàng hoá tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản và gạo thuộc nhóm cao nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. GRDP bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng/người/năm (tăng 12,6% so với cùng kỳ).

Sóc Trăng
Bí thư tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính sản phẩm đặc sản của Sóc Trăng

Chỉ số Cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính công (SIPAS) tỉnh Sóc Trăng năm 2021 đạt vị trí cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh đạt tỷ lệ 87,54% (thuộc nhóm B) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chính công (SIPAS) đạt tỷ lệ 89,51%; đây là những kết quả đáng phấn khởi của tỉnh.

Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tập trung thực hiện nhóm giải pháp chủ yếu như:

Thứ nhất, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn thể hiện quyết tâm chính trị cao, đoàn kết, trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung dồn sức cho những lĩnh vực then chốt, nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá, tạo động lực phát triển; chú trọng đúng mức, khai thác, phát huy một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh.

Thứ hai, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; giải quyết hài hoà lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; xây dựng, củng cố đoàn kết các dân tộc, đoàn kết tôn giáo; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong thực hiện đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và củng cố hệ thống chính trị với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.; chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ có quyết tâm, năng động, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất, năng lực, trình độ.

Kết quả đạt được trong năm 2022 thể hiện rất rõ sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tỉnh đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Sóc Trăng
Sóc Trăng đang tập trung thu hút các nguồn lực vào đầu tư để xây dựng các trung tâm logistics hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trung tâm logistics phục vụ nhóm hàng nông - thủy sản

PV: Được biết, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung thu hút đầu tư theo 4 hành lang kinh tế với “5 trụ cột” thu hút đầu tư. Theo đó, “5 trụ cột” thu hút đầu tư gồm: dich vụ logistic cảng biển, hạ tầng công nghiệp - đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo.

Để hiện thực hóa những định hướng phát triển của tỉnh, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác cùng với tỉnh trong việc phát triển kinh tế giai đoạn tới, xin ông cho biết, tỉnh Sóc Trăng đã có những kế hoạch cụ thể như thế nào để có thể thực hiện được những mục tiêu trên?

Đồng chí Lâm Văn Mẫn: Để hiện thực hóa định hướng thu hút đầu tư theo 4 hành lang kinh tế với “5 tru cột” thu hút đầu tư, gồm: dịch vụ logistic cảng biển, hạ tầng công nghiệp - đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo, tỉnh Sóc Trăng đã tích hợp tất cả các nội dung trên vào Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện nay, quy hoạch tỉnh đã được thông qua Hội đồng thẩm định do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, đang tiến hành bổ sung một số nội dung theo ý kiến của Hội đồng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch. Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ cụ thể như sau:

Một là, triển khai thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2023. Tập trung thực hiện các quy trình, thủ tục; bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; khởi công Dự án thành phần 4 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 bảo đảm tiến độ. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, khởi công xây dựng cầu Đại Ngãi nối tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Hai là, hoàn thành, triển khai Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng bộ với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị... khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở xã hội hoá, kêu gọi đầu tư Cảng biển Trần Đề.

Ba là, tập trung triển khai thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Tăng cường công tác phối hợp, triển khai thực hiện tốt cơ chế lồng ghép các nguồn vốn, khẩn trương xây dựng, triển khai các dự án, đề án thành phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Năm là, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số. Tập trung triển khai Đề án chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử; Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo Đề án đã được duyệt vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương sẽ tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ và tiêu thụ hàng hóa nội địa. Đây chính là yếu tố hấp dẫn, là cầu nối thu hút các công ty, tập đoàn quy mô lớn đầu tư vào địa phương, đối với một số lĩnh vực cụ thể như:

- Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực Logistics

 Tỉnh tập trung khai thác hiệu quả hệ thống quốc lộ, các tuyến đường bộ cao tốc, đường thủy nội địa, xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và đẩy mạnh phát triển vận tải nội địa, tham gia vào các chuỗi cung ứng vận tải trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tập trung thu hút các nguồn lực vào đầu tư để xây dựng các trung tâm logistics hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trung tâm logistics phục vụ nhóm hàng nông - thủy sản; từng bước phát triển về hạ tầng kho bãi, giao thông vận tải, thông tin liên lạc hướng tới quy hoạch Trung tâm Logistics quy mô lớn gắn với Cảng Trần Đề; các Trung tâm logisgics gắn với cảng Mỹ Thanh, cảng Đại Ngãi.

Mặt khác, tỉnh cũng triển khai thực hiện tốt các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, trong đó tập trung khuyến khích phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic, có sức cạnh tranh trên thị trường và phấn đấu xây dựng Trần Đề thành Trung tâm dịch vụ logistic của tỉnh.

- Việc thu hút đầu tư vào hạ tầng Công nghiệp - Đô thị

Tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, triển khai thực hiện phát triển các khu, cụm công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư các khu, cụm công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với thị trường khu vực trong và ngoài nước.

Sóc Trăng
Bí thư tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khảo sát tiến độ xây dựng cụm công nghiệp huyện Kế Sách

Tỉnh ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp lợi thế của tỉnh, như công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng,…; thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất, chế biến các ngành hàng có sử dụng nguồn nguyên liệu nông, thuỷ sản địa phương; phát triển tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn, nhằm giải quyết lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Tỉnh sẽ phát triển 6 khu công nghiệp (tổng diện tích khoảng 3.300 ha), 18 cụm công nghiệp (tổng diện tích khoảng 1.000 ha) trong giai đoạn đến năm 2030.

Về xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đa dạng hoá ngành hàng xuất khẩu; duy trì thế mạnh xuất khẩu thủy sản song song với tập trung khai thác các mặt hàng mà tỉnh có tiềm năng như nông sản, trái cây, rau, củ; nâng cao tỷ trọng hàng tinh chế, hàng có giá trị gia tăng cao; tăng mạnh tỷ trọng xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản.

- Về nông nghiệp công nghệ cao

Tiếp tục ưu tiên thu hút đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số,… vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; đồng thời, quan tâm nghiên cứu   cải tiến, phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gắn với ngành công nghiệp chế biến và năng lượng. Xây dựng, định vị thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh; phát triển đa dạng sản phẩm tại các thị trường tiêu thụ, kết hợp với phát triển du lịch.

- Về du lịch và năng lượng tái tạo

Với tiềm năng, lợi thế về đường bờ biển dài và tốc độ gió trung bình khá cao, Bộ Công Thương đã phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Sóc Trăng có 20 vị trí để phát triển nhà máy điện gió với quy mô công suất 1.435 MW.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư 18/20 dự án điện gió. Tỉnh tập trung phát triển lợi thế, tiềm năng ngành công nghiệp năng lượng; tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện 18 dự án điện gió, 3 dự án điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao tại 3 phân trường Thạnh Trị, Mỹ Phước, Ngã Năm và các dự án điện sinh học từ trấu, rác…

Sóc Trăng
Với 72 km bờ biển gắn với cửa sông Hậu, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp và dịch vụ, đồng thời phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời.

Tỉnh cũng đã đề xuất bổ sung vào Quy hoạch Điện VIII, 5 khu vực điện gió ngoài khơi thuộc thị xã Vĩnh Châu, huyện Cù Lao Dung với tổng công suất dự kiến là hơn 5.100 MW, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng thời góp phần ứng phó biển đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính.

Với lợi thế, tiềm năng đang sở hữu, Sóc Trăng đang định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, với định hướng khai thác thế mạnh về du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại chất lượng cao kết hợp với các dự án du lịch nhằm phát triển và hoạt động đồng bộ các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí.

Đồng thời, với lợi thế điều kiện tự nhiên, địa lý, tỉnh sẽ tăng cường thu hút đầu tư du lịch chợ nổi kết hợp với phát triển các loại hình văn hoá trên sông; du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và khu vực ven biển gắn với khai thác tiềm năng du lịch thông qua tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo.

PV: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030 là “hoàn chỉnh hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và là cửa ngõ của vùng”, xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tỉnh Sóc Trăng sẽ thực hiện trong thời gian tới để đạt mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra?

Đồng chí Lâm Văn Mẫn: Quán triệt, triển khai quyết liệt, hiệu quả và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh uỷ Sóc Trăng đã ban hành Chương trình số 37-CTr/TU, ngày 05/4/2023 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Trong đó, đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn cụ thể như: (1) tập trung triển khai thực hiện, hoàn thiện các chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; (2) phát triển kinh tế nhanh và bền vững; (3) phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; (4) bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; (5) tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Sóc Trăng
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát cảng Trần Đề - Sóc Trăng

Tỉnh đã tập trung quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng; liên kết vùng phải trở thành quan điểm chỉ đạo, chiến lược dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.

Lập và thực thi kế hoạch hành động chung theo các chương trình hợp tác song phương và đa phương, chương trình phối hợp hành động chung giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình hợp tác giữa các tỉnh nằm trên hành lang kinh tế sông Mê Kông.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, Đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau; đồng thời, mở rộng hợp tác với các địa phương khác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và theo đúng pháp luật nhằm hình thành và phát triển mối quan hệ lâu dài, bền vững làm cơ sở phát huy lợi thế, khai thác các tiềm năng của từng địa phương.

Một trong những dự án rất quan trọng, mang tính kết nối liên vùng rất cao trong điều kiện của Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu là kêu gọi đầu tư xây dựng cảng Trần Đề. Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về việc “hoàn chỉnh hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng”, tỉnh đang tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng bộ với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị,....

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 22/9/2021, cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt khi hình thành cảnh cửa ngõ Trần Đề.

Thời gian qua, tỉnh đã tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện hoàn thành việc nghiên cứu, đề xuất Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận.

Theo kết quả dự báo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, đến năm 2030 bến cảng Trần Đề có khả năng thông qua lượng hàng từ 24,6 triệu đến 32,5 triệu tấn, trong đó hàng hóa tổng hợp, container đạt khoảng từ 13,6 triệu đến 19,3 triệu tấn.

Diện tích quy hoạch là 6.120ha bao gồm: khu dịch vụ công nghiệp hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển phía bờ 1.220ha (diện tích vùng đất 1.000ha; diện tích vùng nước 220ha); khu cảng ngoài khơi 4.900ha (diện tích vùng đất 1.400ha; diện tích vùng nước 3.500ha).

Hiện nay, các công trình kết nối liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai thực hiện như tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, điểm cuối đi qua huyện Trần Đề; cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng - Trà Vinh, tuyến đường bộ ven biển…. sẽ góp phần mở rộng, kết hợp liên kết các tỉnh phát triển dịch vụ logistics gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản, rau quả, lúa gạo, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; trong đó, tập trung phát triển trung tâm đầu mối Trần Đề, theo hướng gắn kết vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển Trần Đề với chuỗi nhà máy chế biến thủy, hải sản tại các khu, cụm công nghiệp lân cận.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!