Báo cáo quá trình triển khai Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam

Ngày 12 tháng 5 năm 2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ công bố Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010; Biên niên Lịch sử Công Thương 2011 - 2020. Tại buổi lễ, thay mặt nhóm tác giả, bà Đặng Thị Ngọc Thu, Tổng biên tập Tạp chí Công Thương có bài phát biểu báo cáo quá trình triển khai Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bộ Công Thương
Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương Đặng Thị Ngọc Thu báo cáo quá trình triển khai Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam

 

Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 11 ngày 22 tháng 6 năm 2021 của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, tới nay bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam đã chính thức ra mắt bạn đọc. 

Trước hết cho phép tôi được gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công Thương qua các thời kỳ ,các nhà khoa học, lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài ngành  đã quan tâm chỉ đạo, góp ý, hỗ trợ cho việc biên soạn Bộ sách. Xin được cảm ơn các bạn đồng nghiệp đã chia sẻ nhiều, tư liệu quý. Đặc biệt xin được cảm ơn  các anh chị lãnh đạo, biên tập viên của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã hỗ trợ và đồng hành cùng chúng tôi trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.  

Về quy mô và ý nghĩa của Bộ sách đã phần nào được thể hiện trong phóng sự vừa trình chiếu. Trong không khí trang trọng và ấm cúng của buổi lễ hôm nay, tôi xin  được trình bầy một số trải nghiệm sâu sắc nhất trong quá trình biên soạn bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam .

Tìm và xác minh tư liệu lịch sử là một trong những công việc chiếm khá nhiều thời gian trong quá trình biên soạn Bộ sách Lịch sử Công Thương, nhưng cũng là công việc đem lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc nhất.

Bởi vượt lên trên các trang sử, là số phận của những con người cụ thể. Là sự đóng góp lặng thầm, sự hy sinh quên mình của nhiều thế hệ những người con ngành Công Thương cho tổ quốc và cho sự phát triển của Ngành.

Nếu như câu chuyện về một Binh đoàn than thời kháng chiến chống Mỹ  với gần 2.000 thợ mỏ vào chiến trường, và 300 người không bao giờ trở lại; gần 400 người là thương binh hoặc bị phơi nhiễm chất độc da cam được biết đến nhiều, thì câu chuyện về một Chi cục có tên là Chi cục vận tải Khu IV còn rất ít người biết tới. Được thành lập năm 1965 với nhiệm vụ tiếp tế hàng vào chiến trường miền Nam, Chi cục có quân số 328 người, hoạt động trên tuyến đường quốc lộ 1A, 1B, đường 15 giáp Lào và đường thủy dọc Vịnh Bắc bộ. Liên tục trong suốt 4 năm từ năm 1965 tới năm 1969 trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Chi cục đã nhận và giao 42 nghìn tấn hàng hóa cho chiến trường miền Nam; 26 người đã hi sinh trên mâm pháo hoặc vĩnh viễn nằm lại Biển Đông. 

Không chỉ câu chuyện về Chi cục vận tải khu IV, nhiều giai đoạn phát triển  của ngành Công Thương sử liệu còn rất ít. Hoạt động thương mại những ngày Nam bộ kháng chiến là một ví dụ khác. Chúng tôi đã phải tra cứu hàng ngàn trang tư liệu trong và ngoài nước chỉ để chắt lọc được một vài trang viết. Lúc bấy giờ, do cách xa với các vùng tự do, tình hình chiến tranh lại khốc liệt, nên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ đã thành lập Sở Mậu dịch Nam Bộ. Tại đây, các cán bộ mậu dịch đứng ra thu mua các loại hàng hóa để gom từng đồng bạc nhỏ cho kháng chiến. Quá trình tìm kiếm, chúng tôi đã sưu tập được một tư liệu rất quý. Đó là cuốn Sổ mua hàng hoá của Sở Mậu dịch Nam bộ năm 1954 được ghi trên giấy học trò. Sổ ghi chi tiết tình hình thu mua các loại tôm khô, đơn giá và khối lượng thu mua theo từng ngày. Bản sao cuốn sổ hiện đang được trưng bầy tại phòng truyền thống của Ngành Công Thương.

Nếu như tìm và xác minh tư liệu lịch sử là câu chuyện của cuốn Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945-2010) thì việc chọn lựa sự kiện để đưa vào hai cuốn Biên niên lịch sử Công Thương Việt Nam (2011-2020) lại là điều khiến chúng tôi trăn trở nhất.

Khi thực hiện bộ Biên niên lịch sử Công Thương Việt Nam, chúng tôi đã rà lại toàn bộ Công báo, Cổng Thông tin chính phủ, Cổng thông tin bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan, website của các Tập đoàn kinh tế, Hiệp hội ngành hàng và các tờ báo lớn để hệ thống lại toàn bộ các văn bản, sự kiện của Ngành Công Thương hoặc liên quan tới Ngành trong 10 năm từ 2011 tới năm 2020.

Gần 10 ngàn sự kiện đã được tổng hợp. Qua nhiều lần xin ý kiến và chắt lọc, cuối cùng còn lại hơn 1400 sự kiện được đưa vào Biên niên lịch sử của Ngành.

Thực tế có đúng có sai, nhưng lịch sử vẫn là lịch sử. Thành công cho chúng ta những bài học, nhưng thất bại còn cho ta nhiều bài học hơn. Đó là điều mà đồng chí Bí thư Ban Cán sự - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên  đã chia sẻ với chúng tôi trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Và đây cũng chính là điều giúp chúng tôi  lựa chọn các sự kiện đưa vào bộ Biên niên lịch sử Công Thương Việt Nam (2010-2020) một cách khoa học nhất.

Như trên đã trình bầy, nếu như tìm và xác minh tư liệu lịch sử là một hành trình đầy cảm xúc, thì việc bổ khuyết các khoảng trống lịch sử, tái dựng liền mạch bức tranh ngành Công Thương trong suốt chiều dài hơn 70 năm là một công việc vô cùng khó khăn. 

Để thực hiện, chúng tôi đã phải áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu. Bao gồm: phương pháp nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu xã hội học, gặp gỡ nhân chứng lịch sử…  Việc áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu đã giúp chúng tôi tái hiện lịch sử ngành Công Thương và nền kinh tế một cách liền mạch và đặc biệt được tiếp cận, phân tích ở nhiều chiều.

Ví dụ như ở chương VI của cuốn Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010, đã cung cấp cho độc giả những cứ liệu lịch sử xác thực rằng, công cuộc Đổi mới không tự nhiên diễn ra năm 1986, mà đã manh nha hình thành từ năm 1979. Cả giai đoạn 1979 đến 1985 là một hành trình “giằng co”, “va đập” về quan điểm. Vượt qua hành trình “giằng co”, “va đập” ấy, ngành Công Thương đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ hàng chục văn bản rất giá trị, góp phần đổi mới quản lý, điều hành sản xuất, lưu thông, cởi mở trong cách nhìn về các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.

Việc áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu, cũng giúp cho Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam cung cấp cho độc giả nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn. Đó là việc xử lý các mối quan hệ: Giữa nhà nước và thị trường; giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sản xuất kinh doanh; giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát v.v…. đúng như  lời dạy của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Lý luận Cách mạng Việt Nam phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, và giải quyết những vấn đề do Cách mạng Việt Nam đặt ra” .

Sau hai năm thực hiện, với rất nhiều sự gúp đỡ và nỗ lực, ngày hôm nay  Bộ sách lịch sử ngành Công Thương ba tập với hơn 2500 trang viết đã chính thức ra mắt bạn đọc. Mặc dù có nhiều cố gắng, song với lịch sử đồ sộ của ngành Công Thương, cuốn sách khó tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của các đồng chí lãnh đạo và quý vị đại biểu cùng bạn đọc đông đảo, để Bộ sách được hoàn thiện, hơn trong những lần tái bản sau.