Bắc Âu và mô hình kinh tế xanh - tiêu dùng xanh

Xuất phát từ mô hình phát triển khác biệt nên các nước Bắc Âu có những đặc điểm riêng về xu hướng tiêu dùng, quy định thị trường… mà doanh nghiệp giao thương xuất nhập khẩu cần lưu ý.
đường phố Bắc Âu
Strøget - một trong những con phố mua sắm sầm uất tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch

 

Châu Âu có nhiều quốc gia phát triển lâu đời, vị trí địa lý phân bố rộng lớn theo các khu vực khác nhau, do vậy có nhiều mô hình phát triển khác nhau. 

Mô hình phát triển lâu đời gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo phúc lợi xã hội, cùng xu hướng chú trọng các vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay đã dần hình thành xu hướng tiêu dùng xanh cũng như các quy định khắt khe đảm bảo phát triển kinh tế xanh, bền vững tại các nước Bắc Âu.

nông sản tại Na Uy
Nông sản bày bán tại siêu thị Spar ở Tjøme, Na Uy

Về xu hướng tiêu dùng, người dân Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ với phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động với môi trường và lựa chọn sản phẩm đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần cũng như ưu tiên sử dụng các nguyên vật liệu tái chế...

Hơn nữa, người tiêu dùng tại thị trường này đang có xu hướng giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản và các thực phẩm thay thế thịt. Vì thế, các thực phẩm từ thực vật có hàm lượng protein cao sẽ được đón nhận.

Đặc biệt, người tiêu dùng Bắc Âu sẵn sàng trả giá cao hơn giá thông thường khoảng 20-50% để đảm bảo rằng các sản phẩm tiêu thụ là các sản phẩm thân thiện với môi trường và công bằng xã hội. Theo dự báo, đến năm 2030, lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở các nước Bắc Âu sẽ tăng gấp 2 đến 3 lần hiện tại. Các sản phẩm đóng gói sẵn cũng ngày càng trở lên thông dụng như rau sống được rửa và thái sẵn đóng gói, cà rốt rửa và cắt sẵn, rau tổng hợp cho các món xào, nấu...

Doanh nghiệp nên hướng tới quảng bá các sản phẩm mới lạ, có lợi cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, các sản phẩm gắn với các câu chuyện vùng miền, có chỉ dẫn địa lý… để tạo hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng Bắc Âu.

Không chỉ dừng lại ở thị hiếu lựa chọn và tiêu dùng của người dân, xu hướng “xanh hóa” đã trở thành mục tiêu phát triển của các nền kinh tế Bắc Âu, thể hiện cụ thể qua hàng loạt các chính sách, quy định xanh đối với hàng hóa, sản phẩm.

Như nhiều nước EU, các nước Bắc Âu thực hiện các chính sách chung gồm: Thoả thuận xanh châu Âu (EGD) và Chính sách từ nông trại đến bàn ăn (F2F). Trong đó,  EGD được khởi động từ năm 2019, là một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu sử dụng tài nguyên trong khi vẫn đạt tăng trưởng về kinh tế.

EGD bao gồm một số nội dung chính: Tham vọng về khí hậu của châu Âu ở mức cao hơn cho năm 2030 và 2050; không gây ô nhiễm môi trường, không chất độc hại; cung cấp năng lượng sạch, giá cả hợp lý và an toàn; bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; thúc đẩy nền kinh tế sạch và bền vững; sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên trong xây dựng và cải tạo… Điều này có nghĩa các sản phẩm bán tại thị trường châu Âu nói chung sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn.

Trong khi đó, nội dung chính của F2F bao gồm 5 mục tiêu chính cần đạt được vào năm 2030: Giảm 50% việc sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc trừ sâu hoá học; giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50%; giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%; giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật trang trại… Để đảm bảo công bằng, châu Âu sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác áp dụng tiêu chuẩn tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường.

Với riêng các nước Bắc Âu, xu hướng “xanh hóa” được thể hiện rõ ở Nhãn sinh thái Bắc Âu. Nhãn sinh thái Bắc Âu (còn gọi là Nhãn thiên nga Bắc Âu) là nhãn sinh thái chính thức của các nước Bắc Âu: Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan đặt ra các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe đối với sản phẩm tiêu dùng tại các nước này, thể hiện nỗ lực trong việc giảm tác động môi trường từ sản xuất và tiêu dùng, đồng thời giúp người tiêu dùng và người mua dễ dàng lựa chọn hàng hóa và dịch vụ tốt nhất cho môi trường.

nhãn sinh thái Bắc Âu
Nhãn sinh thái Bắc Âu đặt ra các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe đối với sản phẩm tiêu dùng tại các nước Bắc Âu

Riêng trong Chung

Bên cạnh các quy định chung của Liên minh Châu Âu (EU), Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) hay khối Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), các nước Bắc Âu cũng có những quy định thị trường riêng, trong đó đáng lưu ý là những quy định về bao gói, nhãn mác; an toàn thực phẩm; kiểm dịch động thực vật đối với hàng hóa nhập khẩu...

“Nhập gia tùy tục”, các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận, thâm nhập thị trường cần tìm hiểu, nắm bắt những đặc điểm riêng, khác biệt của khu vực Bắc Âu, qua đó đáp ứng yêu cầu và tận dụng hiệu quả các cơ hội tại thị trường giàu tiềm năng này.

Việt Hằng