Áp dụng mức xử phạt cao nhất với cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh, lực lượng sẽ làm quyết liệt để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho người dân, đặc biệt, áp dụng hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất đối với những cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm.

Sẽ áp dụng hình thức xử phạt cao nhất

Trả lời phỏng vấn báo chí sáng nay (22/2) về công tác thanh kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho biết, trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo trong công điện khẩn ngày 28/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng QLTT đã tiến hành giám sát, kiểm tra hơn 16.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước.

Qua kiểm tra, bước đầu, lực lượng phát hiện có trường hợp các cây xăng đóng cửa, treo biển không bán hàng, như trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Quảng Bình…

“Lực lượng QLTT kiên quyết kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vì sao không bán. Anh em đã kiểm tra tận bồn chứa, đo mực xăng, nếu còn bán được mà không bán, lập biên bản, xử lý ngay”, ông thông tin và cho biết, lực lượng QLTT đã kiến nghị chính quyền địa phương các tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng rút giấy phép kinh doanh của một số cửa hàng xăng dầu không bán hàng vì lý do không chính đáng.

kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu
Lực lượng quản lý thị trường sẽ làm quyết liệt để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho người dân, đặc biệt, áp dụng hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất đối với những cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm

Nêu một số nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh của một số cửa hàng xăng dầu, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết: Trước hết là do nguồn cung thiếu, không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối.

Thứ hai, là nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ.

Thứ ba, do nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ tư, do nhiều cửa hàng xăng dầu không có đủ nhân lực để kinh doanh. Ngoài ra, còn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm bệnh. Hay nhiều cửa hàng tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, sang nhượng cửa hàng; tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng…

Thời gian tới, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình thị trường xăng dầu thông qua đường dây nóng của Tổng cục.

Song song đó, phối hợp với các lực lượng liên ngành của các địa phương kiên quyết, kiểm tra, xử lý các hành vi không bán xăng. Đối với những trường hợp này, lực lượng QLTT sẽ kiểm tra tận bồn chứa xăng, nếu còn xăng không bán, sẽ kiến nghị chính quyền địa phương thu hồi giấy phép kinh doanh.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, lực lượng sẽ làm quyết liệt để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho người dân, đặc biệt, áp dụng hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất đối với những cơ sở vi phạm.

Tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu

Trong những ngày qua, lực lượng QLTT đã tích cực thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đối với danh sách, địa điểm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân kinh doanh xăng dầu, điểm lưu kho, bồn chứa, địa điểm tồn trữ xăng trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Cụ thể:

Tại Hà Tĩnh, Đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra Cửa hàng xăng dầu Sơn Trà thuộc Công ty TNHH Hương Huyền tại Thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn. Sau khi kiểm tra phát hiện Cửa hàng có hành vi không ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu và hành vi ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định. Đội đã tiến hành xử phạt hành chính 30 triệu đồng.

Tiến hành kiểm tra Cửa hàng xăng dầu Sơn Lĩnh thuộc Công ty TNHH TM-DV Bảo Duy Hà Tĩnh, phát hiện Cửa hàng có hành vi ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định. Đội đã tiến hành xử phạt hành chính 15 triệu đồng và kiến nghị địa phương rút giấy phép kinh doanh.

kinh doanh xăng dầu
Từ ngày 28/1/2022 đến ngày 21/2/2022, lực lượng QLTT cả nước đã tiến hành kiểm tra, giám sát gần 16.000 lượt đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu ở thị trường trong nước

Tương tự, tại Hậu Giang, 02 cửa hàng đóng cửa đã bị Đoàn kiểm tra lập biên bản, xử phạt và kiến nghị rút giấy phép.

Hay như tại Sóc Trăng, lực lượng QLTT tỉnh đã tiến hành xử phạt và tước giấy phép kinh doanh 01 cửa hàng vi phạm về kinh doanh xăng dầu.

Tại Hà Nội, Cục QLTT đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 493 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố và chưa phát hiện vụ việc vi phạm nào liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tại Nghệ An, từ ngày 28/01/2022 đến ngày 21/02/2022 Cục QLTT Nghệ An đã kiểm tra, gám sát đối với 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu (tổng cộng 704 cửa hàng), trong đó có 16 cửa hàng giấy chứng nhận đủ điều kiện đang hết hạn chờ cấp lại, các cửa hàng khác vẫn hoạt động kinh doanh bình thường; đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ tại địa phương. Không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung; chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào ngừng hoạt động, găm hàng, đầu cơ, tích trữ hàng hóa, tạo khan hiếm nguồn hàng.

Tại tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 462 cửa hàng, trong đó qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy có 8 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tạm nghỉ, dừng hoạt động hoặc chỉ bán dầu. Đối với những cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động: Thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về kinh doanh xăng dầu như niêm yết giá bán lẻ xăng dầu đầy đủ, bán đúng giá theo quy định, không có trường hợp doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi găm hàng chờ nâng giá, trục lợi, gây tâm lý bất an cho người dân.

TP. Hồ Chí Minh hiện có 548 cửa hàng. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động, 22 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu xăng Ron 95 để bán, nhưng cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường và đang chờ nhập xăng để tiếp tục kinh doanh.

Trên địa bàn các tỉnh miền Nam hiện có 6.534 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó hiện có 29 cửa hàng ngưng hoạt động do hết xăng, 215 cửa hàng ngưng hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên Vỵ