Áp dụng lời dạy của Đức Phật trong kinh doanh để xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững

Với giáo pháp lợi lạc cho con người, đạo Phật đã tồn tại và phát triển qua suốt hơn 25 thế kỷ và càng ngày lời dạy của Đức Phật càng tỏa sáng, chỉ lối đưa đường cho con người sống hạnh phúc, phát triển và hòa bình. Một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã sớm ứng dụng tư duy đạo Phật vào kinh doanh, qua đó nâng cao hiệu qua hoạt động và hướng tới phát triển bền vững.

Những lời dạy của Đức Phật trong kinh doanh

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, người làm kinh doanh luôn đứng trước áp lực cạnh tranh, phải tối đa hoá lợi nhuận để tồn tại và phát triển trên thương trường. Điều này khiến một số người lam kinh doanh bỏ qua các giá trị đạo đức – xã hội, thực hiện các việc làm gây tổn hại đến con người, thiên nhiên và môi trường chỉ để thu lại mức lợi nhuận cao nhất. Ví dụ, trong sản xuất thì xả thải ra môi trường để giảm chi phí xử lý nước thải; trong kinh doanh thì không công khai chính xác thông tin sản phẩm nhằm lừa  dối người tiêu dùng. Những hành động này không chỉ gây ảnh hưởng đến những người kinh doanh chân chính, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức cạnh tranh và sự phát triển chung của toàn xã hội.  

Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng tư duy đạo Phật vào kinh doanh như là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề trên. Từ hàng nghìn năm qua, kinh doanh theo giáo lý nhà Phật là lấy hạnh phúc con người và hòa hợp với thiên nhiên làm mục tiêu chủ đạo. Đức Phật dạy nếu một người có năng lực làm giàu nhờ công sức và trí tuệ của chính mình, và biết sử dụng của cải vật chất đó làm lợi mình lợi người thì rất tốt, còn đạt được giàu có do lừa dối để lợi mình hại người thì không được.

Đức Phật cũng răn dạy cư sĩ Phật tử không được buôn bán và cũng không nên khuyến khích người khác làm, dù lợi nhuận thu được rất cao, gồm: không buôn bán vũ khí, không buôn bán người, không buôn bán các chất gây say, không buôn bán thịt, không buôn bán thuốc độc.

Như vậy, doanh nhân phải phân biệt phải - trái, thiện - ác, hoạ - phúc trong các hoạt động kinh doanh. Để làm giàu một cách chân chính, doanh nhân cần phải tuân thủ pháp luật, tuyệt đối tránh thực hiện các việc sai trái lương tâm, đạo đức, trái luân thường đạo lý trong xã hội, không tham gia năm loại hình kinh doanh phi pháp và không phá huỷ môi trường sinh thái để giữ gìn lương tri của mình. Ví dụ, doanh nhân và doanh nghiệp cần có đức tính chân thật, phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người tiêu dùng, niêm yết giá rõ ràng, cũng như phải giải quyết kịp thời các khiếu nại về hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh. Nếu các doanh nghiệp và doanh nhân làm việc với tâm trong sáng, lợi mình nhưng cũng không quên cái lợi của người khác thì sẽ có quả báo tốt đẹp. Ngược lại, nếu quá toan tính tư lợi, tâm không an lành thì mãi chỉ là người nghèo trên mọi phương diện.

Ngoài ra, theo quan điểm “không ai giàu có nếu cố bám lấy của cải, không ai được lạc thú nếu cố tìm lạc thú” của Phật giáo, các Phật tử là doanh nhân sẽ coi tiêu dùng là phương tiện cho hạnh phúc con người, nên mục tiêu là phải đạt hạnh phúc cao nhất bằng cách tiêu dùng ít nhất. Lúc này hàng hoá tạo ra phải đạt giá trị sử dụng cao nhất, song lại tốn ít chi phí tạo ra nhất, hướng tới việc khai thác, sử dụng các nguồn lực cần thiết một cách bền vững.

Bên cạnh đó, Phật giáo luôn đề cao về sự ý thức khả năng tiến bộ không giới hạn của con người, sống và làm việc theo tinh thần duyên khởi tính, khiến người Phật tử làm việc khẩn trương tối đa, và luôn luôn học hỏi ở người khác giỏi hơn mình. Học hỏi rất chăm chỉ, người Phật tử thấy không cần phải phát hiện lại những điều mà người khác đã tìm ra được, qua một quá trình lao động khó nhọc. Cho nên, khi người Phật tử khởi sự kinh doanh sẽ luôn nỗ lực tối đa, cải thiện tối đa, đối với cá nhân cũng như toàn bộ doanh nghiệp khi cần thiết, để thích ứng với hoàn cảnh đổi mới, tiến tới cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường.

Cuối cùng, khi thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, Đức Phật dạy chúng ta phải biết sử dụng lợi nhuận có ý nghĩa, bằng cách chia lợi nhuận làm ba phần, phần thứ nhất vào vốn cũ, phần thứ hai để chi tiêu cho nhu cầu gia đình, và phần thứ ba dùng làm việc công ích xã hội gồm những việc từ thiện, hay cúng dường Tam bảo, phát triển đạo pháp. Việc này làm lợi ích cho nhiều người và tạo ra phước báo làm hành trang cho cuộc sống giàu có, bền vững trong một đời cho đến nhiều đời.

Có thể thấy, doanh nhân chân chính tham gia kinh doanh không chỉ nhằm đem lại đời sống vật chất đầy đủ cho gia đình mình mà còn để đóng góp vào sự thịnh vượng chung của xã hội, làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn và góp phần ổn định xã hội, từ đó thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển bền vững hơn.

Những Phật tử là doanh nhân ứng dụng triết lý đạo Phật vào kinh doanh tại Việt Nam

 

Từ đạo đức Phật giáo và hệ thống giáo lý nhân bản của Phật giáo đã sản sinh ra nhiều Phật tử kinh doanh thành đạt, đưa triết lý nhà Phật vào hoạt động kinh tế trên tinh thần: “Sống và làm việc không phải chỉ cho riêng mình mà là cho tất cả mọi người, trong đó có mình”.

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Thái Thị Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, không chỉ là một doanh nhân mà còn là một Phật tử với pháp danh Diệu Huệ. Vị nữ doanh nhân chia sẻ, trong suốt gần 15 năm qua, thương hiệu TH "True Happiness - hạnh phúc đích thực" được tập trung xây dựng dựa trên những giá trị cốt lõi: "Vì sức khỏe cộng đồng” và xác định phẩm hạnh của thương hiệu gắn với chữ Thiện. Những dự án của Tập đoàn TH nhằm tạo ra những sản phẩm với sản lượng và chất lượng vượt trội, theo hướng phát triển bền vững. Tính đến tháng 12/2021, TH đang chiếm gần 45% thị phần phân khúc sức tươi thị trường thành thị Việt Nam. TH cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được phép xuất khẩu sữa tươi chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn TH hướng đến một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ và một nền kinh tế tuần hoàn.

Không chỉ tiên phong trong sản xuất kinh doanh, bà Thái Thị Hương cùng TH còn luôn đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội… thực hiện các chương trình an sinh xã hội lớn. Điển hình, Quỹ Vì tầm vóc Việt do vị nữ doanh nhân sáng lập là quỹ xã hội từ thiện hoạt động phi lợi nhuận, nhằm nâng cao thể lực và trí lực của trẻ em Việt. Một phần hoạt động của quỹ là giúp người dân, nhất là những người vợ, người mẹ trong gia đình hiểu về sản phẩm sạch, chi tiêu hợp lý, biết cách giải quyết khủng hoảng của đời sống; một phần quỹ giúp đỡ những người kém may mắn.  

Bà Thái Thị Hương cũng nhấn mạnh “Ai làm sản phẩm đều muốn có lời ngay, có doanh thu lớn, nhưng nếu làm ăn không nghiêm túc chân chính, thì chỉ được một thời gian ngắn, bởi bây giờ, trí tuệ và sự hiểu biết sản phẩm của người tiêu dùng rất cao. Chính vì vậy, muốn đi xa, chúng ta hãy là người tử tế!”.

Tương tự, doanh nhân - Phật tử Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen, cho biết tin thần đạo Phật thấm nhuần trong văn hoá kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen. Logo của Hoa Sen là hình hoa sen cách điệu, 8 cánh hoa biểu trưng cho Bát chính đạo của nhà Phật. Văn hóa của Hoa Sen dựa trên 10 chữ T: “Trung thực - Trung thành - Tận tụy - Trí tuệ - Thân thiện”. Chiến lược phát triển cốt lõi của Hoa Sen là ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh và tạo nên uy tín thương hiệu trên thị trường. Tập đoàn cũng luôn cam kết thực hiện đúng việc “bán đúng giá – đúng tiêu chuẩn – đúng chất lượng - được bảo hành” đối với người tiêu dùng. Những triết lý kinh doanh thấm nhuần tư tưởng Phật giáo đã góp phần đáng kể trong việc giúp Hoa Sen đạt vị trí đứng đầu ngành tôn mạ Việt Nam, chiếm 38,7% thị phần cả nước. Ngoài ra, sản phẩm của tập đoàn còn đang xuất khẩu đến hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, bao gồm nhiều thị trường khó tính bậc nhất như Hoa Kỳ, EU…, góp phần tạo dựng vị trí của ngành thép Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Khi được hỏi “Có mâu thuẫn nào trong một con người vừa là Phật tử đích thực, vừa là một doanh nhân trên thương trường như chiến trường hay không?”. Ông Lê Phước Vũ đã trả lời: “Vấn đề là ta chiến thắng bằng phương thức nào. Nếu cạnh tranh một cách lành mạnh, kinh doanh một cách trung thực, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt với giá thành thấp là hợp đạo”.

Có thể thấy, đức tin nhân bản Phật giáo có sức lan tỏa trong mọi Phật tử, điều chỉnh các hành vi kinh doanh, nhưng đồng thời cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong xu thế con người ngày càng quan tâm đến sự phát triển cân bằng và bền vững.

Minh Trang