Ẩn số giá dầu năm 2023

Cho đến nay, phản ứng của các chính phủ trên thế giới với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu vẫn mang tính cục bộ, chưa hiệu quả và đang ảnh hưởng sâu sắc đến các nước trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu.

Năm 2023 được dự báo sẽ là năm tiếp tục khó khăn với ngành năng lượng, trong đó nguồn cung dầu vẫn là thách thức với các nước tiêu thụ và giá dầu được nhận định tiếp tục diễn biến khó lường với nhiều biến số tác động thị trường.

Những ẩn số tác động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu tới đây

Một là, các biện pháp cấm vận và áp trần giá của phương Tây đối với dầu thô và khí đốt của Nga hiện chưa rõ ràng, thậm chí không nhất quán. Trong đó, mức giá trần 60 USD/thùng của phương Tây đang cao hơn mức giá giao dịch dầu Urals của Nga. Đồng thời, Mỹ vừa cho biết dầu thô xuất khẩu của Nga sẽ không bị áp giá trần nếu chúng “đã trải qua quá trình xử lý đáng kể” trên lãnh thổ của một quốc gia khác. Điều này cho phép dầu thô của Nga có thể được chế biến bước đầu ở bất kỳ đâu trên thế giới để thoát khỏi các biện pháp trừng phạt hiện tại. Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Hungary là những quốc gia có thể giúp Nga bán dầu ra thế giới theo phương thức này.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang chờ đợi để kiểm chứng tác động của việc Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga kể từ đầu tháng 2/2023.  

Hai là, nguồn cung dầu thô toàn cầu không được cải thiện quá nhiều trong năm nay. Mặc dù Mỹ có thể tăng cường năng lực khai thác, nhưng sẽ không thể bù đắp được phần sản lượng khai thác của Nga bị suy giảm dưới tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, (IEA) Nga chiếm 14% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trong năm 2021.

Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), vốn kiểm soát khoảng 40% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu, hiện vẫn giữ quan điểm không nâng thêm sản lượng khai thác, còn nguồn cung ngoài khối OPEC được dự báo sẽ tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.

Đồng thời, Nga nhiều lần cho biết sẽ ngưng hoàn toàn việc cung cấp dầu cho các quốc gia áp giá trần đối với dầu thô nước này. Nga cũng có thể giảm sản lượng dầu từ 5% - 7% vào đầu năm nay để phản ứng với quyết định áp giá trần của phương Tây. Điều này sẽ đẩy thế đối đầu giữa Nga và phương Tây trên mặt trận năng lượng lên đỉnh điểm. Do đó, thị trường vẫn đối mặt với rủi ro đáng kể về căng thẳng cung - cầu dầu nghiêm trọng như những gì đã trải qua trong quý 1 và quý 2/2022.

Ba là, diễn biến giá dầu thô thế giới năm nay sẽ phụ thuộc mạnh vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia nhập khẩu dầu lớn hàng đầu thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ cũng được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm nay, với mức tăng trưởng có thể đạt từ 5% - 7%.

Đặc biệt, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp kiểm dịch COVID-19 và mở cửa biên giới hoàn toàn kể từ ngày 8/1/2023. Một số dự báo ban đầu nhận định giá dầu thô có thể tăng mạnh từ mức 80 USD/thùng như hiện nay lên 100 USD/thùng trong quý 2/2023 nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ.

Bốn là, một số quốc gia, nhất là Mỹ, có thể phải tìm cách lấp đầy kho dự trữ dầu thô của mình sau khi đã xả bán lượng lớn ra thị trường nhằm giải toả áp lực giá nhiên liệu trong năm 2022. Điều này có thể khiến nhu cầu sử dụng dầu tăng cao hơn và neo giá dầu ở mức cao.

Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng dự trữ dầu và các sản phẩm từ dầu của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tính đến đầu quý 3/2022 đã giảm 6,84% so với cùng kỳ năm trước và ở dưới mức trung bình 5 năm gần nhất. Vừa qua, Mỹ đã xác nhận sẽ bắt đầu bổ sung lại kho dự trữ dầu thô chiến lược nước này với mức giá mua vào từ 68 - 72 USD/thùng. Lượng tồn trữ dầu thô của Mỹ tính đến cuối tháng 12/2022 đã giảm tới 22,15% so với cuối năm 2021.

Dự báo cung - cầu và giá dầu trong năm 2023

Giá dầu thô Brent
Diễn biến giá dầu thô Brent từ đầu năm 2022 đến nay (Nguồn: tradingeconomics.com)

Giữa tháng 12/2022, OPEC dự báo nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu trong năm nay sẽ tăng thêm 2,5 triệu thùng/ngày, đạt 101,8 triệu thùng/ngày. Còn IEA nâng ước tính nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu thêm 1,7 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 101,6 triệu thùng/ngày. Trong đó, tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu của Trung Quốc có thể chiếm tới 60% tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu.

Nhiều chuyên gia thuộc các tập đoàn tài chính quốc tế cho rằng, ngay cả khi lạm phát trên toàn cầu vẫn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, thậm chí nhiều khả năng rơi vào suy thoái, thì nhu cầu sử dụng dầu thô năm nay khó có thể giảm tới mức khiến giá dầu thô giảm tới 70% như đã xảy ra vào cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Thậm chí, tình trạng thiếu nguồn cung dầu có thể xảy ra trong quý 2/2023 khi nhiều công ty sản xuất chế tạo tại châu Âu chuyển từ sử dụng khí đốt sang dầu khí vốn có giá thấp hơn. Đây cũng là thời điểm dự báo guồng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu vận hành trơn tru trở lại sau khi các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 được dỡ bỏ vào đầu năm.

Ngoài ra, IEA cảnh báo việc áp giá trần đối với dầu và khí đốt của Nga có thể khiến Nga phải giảm khoảng 14% sản lượng khai thác, khiến thị trường mất đi nguồn cung tới 1,6 triệu thùng dầu/ngày trong quý 2/2023. Các vấn đề về nguồn cung sẽ khiến ngay cả khi suy thoái kinh tế xảy ra thì giá bán lẻ nhiên liệu chưa chắc giảm xuống quá nhiều.

Tập đoàn Tài chính Goldman Sachs (Mỹ), Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tập đoàn JP Morgan lần lượt dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 98 USD, 92 USD và 90 USD/thùng trong năm 2023. Trong khi đó, Ngân hàng Mỹ (BofA) cho rằng giá dầu thô Brent hoàn toàn có thể đạt mức 110 USD/thùng vào năm nay, tăng khoảng 20% so với mức giá hiện tại.

Có thể thấy, nguồn cung dầu trên toàn cầu trong năm 2023 sẽ không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Điều này sẽ khiến giá dầu còn neo ở mức cao so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, thậm chí giá dầu có thể tăng vượt mốc 100 USD/thùng nếu như nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng mạnh. Tuy nhiên, dầu thô vẫn đối mặt với kịch bản giảm giá nếu như suy thoái kinh tế diễn ra ở mức độ mạnh hơn các dự kiến hiện tại và cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine được giải quyết ổn thỏa, giúp dòng chảy năng lượng từ Nga sang phương Tây được khôi phục phần nào. Năm 2023 được nhận định sẽ là quãng thời gian khó lường, không thực sự suôn sẻ cho cả các nước xuất khẩu lẫn các quốc gia tiêu thụ dầu lớn trên thế giới.

Quỳnh Trang