Khởi sắc nông thôn mới Ba Vì
05/10/2023 lúc 17:00 (GMT)

Khởi sắc nông thôn mới Ba Vì

 

Từ những lợi thế và tiềm năng sẵn có, huyện Ba Vì đã và đang khai thác thế mạnh địa phương, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Chính nhờ các sản phẩm OCOP này, bức tranh xây dựng nông thôn mới của huyện Ba Vì đã khởi sắc, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập ổn định cho người dân.

Nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng được công nhận sản phẩm OCOP

Cách đây hơn 10 năm, thời kỳ đầu xây dựng nông thôn mới tại huyện Ba Vì, người dân chứng kiến điều kiện xuất phát điểm thấp, hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, ruộng đồng manh mún. Giờ đây, có dịp trở lại Ba Vì, không ít người ngỡ ngàng về cơ sở vật chất, đồng quê bán sơn địa đổi thay từng ngày.

Đặc biệt, phong trào sản xuất hàng hóa mang tính đặc trưng của Ba Vì cung cấp cho Hà Nội luôn phát triển. Đó là tiền đề để góp phần xây dựng Nông thôn mới (NTM). Người dân sản xuất nhiều hàng hóa, cung cấp cho thị trường rộng lớn Hà Nội, điều đó góp phần nâng cao thu nhập. Dựa vào lợi thế tự nhiên ưu đãi, huyện Ba Vì đã, đang phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ. Với tiêu chí, mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong những năm qua, Ba Vì đã lựa chọn được nhiều sản phẩm OCOP dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Ba Vì
Ba Vì

Các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Nông thôn mới, nâng cao thu nhập ổn định cho người dân. Hiện nay, thu nhập người dân huyện Ba Vì không ngừng được nâng lên, đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn ngày thêm khởi sắc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện nay giảm xuống.

Với những kết quả đạt được, ngày 30/9/2023, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Ba Vì; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là sự ghi nhận, là nguồn cổ vũ động viên to lớn của Đảng và Nhà nước đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì, là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, cố gắng không ngừng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự đồng tình, ủng hộ của các đơn vị, DN và Nhân dân huyện Ba Vì trong thời gian qua.

Ba Vì

Ba Vì tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; phát huy tinh thần đoàn kết, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển; tiếp tục bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong tậm, các khâu đột phá, lựa chọn tiềm năng, thế mạnh, để tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng huyện Ba Vì ngày càng văn minh giàu đẹp.

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tập trung phát triển các vật nuôi chủ lực như bò sữa, bò thịt, đà điểu, gà, cá và các cây trồng như bưởi, cam, ổi, dứa, lúa, rau màu các loại.

Năm 2022 giá trị sản xuất nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 12.700 tỷ đồng. Diện tích gieo trồng hằng năm gần 22.600ha. Giá trị sản xuất đạt 198 triệu đồng/ha.

Chăn nuôi phát triển ổn định, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, điển hình như mô hình trồng bưởi kết hợp nuôi gà thả vườn ở xã Vật Lại, trồng cam xã Khánh Thượng, nuôi bò sữa tại các xã Minh Châu, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, mô hình nuôi đà điểu xã Vân Hòa, Tản Lĩnh...

Ba Vì

Toàn huyện hiện có 102 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, trong đó có 14 HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 9 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và 7 HTX được cấp các loại giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 125 trang trại, 20 làng nghề được công nhận. Đặc biệt, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu ôn hòa, huyện Ba Vì là vùng đất thích hợp cho việc phát triển sản xuất nhiều loại cây, con có giá trị. Cùng với 5 sản phẩm sữa, chè, khoai lang Đồng Thái, gà đồi, miến dong Minh Hồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

 

Đến nay, huyện Ba Vì đã phát triển được 138 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó có 60 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP nổi bật là sữa tươi, các sản phẩm chế biến từ sữa, gà đồi, rau, khoai lang, miến dong, thịt giò đà điểu… với 38 chủ thể; trong đó có 18 chủ thể là hợp tác xã, 12 chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 8 chủ thể là hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

 

Sản phẩm OCOP của Ba Vì đa dạng như mật ong thiên nhiên; mật ong hoa rừng Tản Viên Ba Vì; tinh bột nghệ nếp đỏ, rau các loại; bưởi Yên Bài; tương Khê Thượng; rượu mơ Tản Viên; các sản phẩm chế biến đồ ăn chay; thịt - giò đà điểu…

Tới thăm Công ty cổ phần Sữa Ba Vì, ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Ba Vì cho biết, Công ty đang sản xuất khoảng 20 loại sản phẩm khác nhau, thuộc 8 dòng sản phẩm chính bao gồm: Sữa tươi Bò - Dê Ba Vì thanh trùng; Sữa tươi Ba Vì tiệt trùng; Sữa chua ăn dạng vỉ nhiều hương vị; Sữa chua ăn bò - dê dạng cốc; Sữa chua nếp cẩm dạng cốc; Sữa chua uống đóng chai nhiều hương vị; Caramen và Bánh sữa các loại. Các sản phẩm của Công ty được sản xuất và quản lý đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe nhất. Toàn bộ hệ thống vận hành được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001- 2005.

Công ty cổ phần Sữa Ba Vì có 11 sản phẩm được UBND TP. Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, tiêu thụ khắp cả nước, nhất là tại các điểm du lịch. Hiện nay, Công ty cổ phần Sữa Ba Vì đang hỗ trợ thu mua sữa cho 200 hộ dân, giúp nông dân nuôi bò sữa có thu nhập ổn định.

Chung tay thay đổi diện mạo nông thôn mới Ba Vì

Theo ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, tổng nguồn vốn huy động đầu tư thực hiện các dự án trong Chương trình xây dựng NTM của huyện đạt hơn 9.900 tỷ đồng. Đặc biệt, cán bộ và Nhân dân Ba Vì đã đóng góp trên 335 tỷ đồng, hàng vạn ngày công, hiến vạn mét vuông đất thổ cư, đất nông nghiệp để mở đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các điểm sinh hoạt văn hóa. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa địa phương, hướng đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân, phát triển mạnh ngành công nghiệp không khói.

Ba Vì
Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội

Bên cạnh đó, nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ dân sinh được triển khai thực hiện. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn điện, đường, trường, trạm của Ba Vì được xây dựng khang trang, hiện đại hơn.

Không chỉ đẹp về diện mạo, vững về kinh tế, điều đáng mừng nữa là đời sống văn hóa nông thôn ở Ba Vì giữ vững bản sắc dân tộc, chuẩn mực văn hóa được bồi đắp, tình nghĩa xóm làng gắn kết hơn.

An ninh nông thôn được giữ vững, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đặc biệt, năm 2022 với việc phát động và triển khai phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, Nhân dân Ba Vì đã chung sức, đồng lòng cùng kiến thiết lại làng quê với số tiền huy động xã hội hóa trên 80,8 tỷ đồng. Cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm ở các thôn, xóm phong quang, xanh, sạch, đẹp hơn; nhiều mô hình mới, cách làm hay được vận dụng sáng tạo, linh hoạt và lan tỏa sâu rộng. Phong trào đã thực sự làm thay đổi cho vùng quê Ba Vì, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, đưa nông thôn Ba Vì trở thành miền quê đáng sống.

Ba Vì
Ba Vì

Với nhiều giải pháp thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, 100% số xã của huyện đạt chuẩn NTM, trong đó 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao chiếm 13,3%; thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM của địa phương đạt trên 99%.

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP của Ba Vì

Thời gian gần đây, cùng với việc làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng, người dân Ba Vì đã năng động tìm kênh phân phối tiêu thị sản phẩm do mình làm ra. Để hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, huyện Ba Vì đã phát triển 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Gần đây nhất, sáng 12/8/2023, tại xã Thụy An, Hội Nông dân huyện Ba Vì, TP. Hà Nội phối hợp với HTX Gà đồi Ba Vì tổ chức khai trương điểm trưng bày, giới thiệu và phân phối sản phẩm nông sản, OCOP huyện Ba Vì.

Ba Vì

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Văn Trường cho biết, trước điểm bán hàng và giới thiệu nông sản an toàn, sản phẩm OCOP tại xã Thuỵ An, Hội Nông dân huyện Ba Vì đã phối hợp với các đơn vị khai trương 2 điểm tại Bưu điện huyện và thôn Cẩm Tân, xã Cẩm Lĩnh.

Cùng với đó, Hội Nông dân huyện Ba Vì phối hợp với HTX OCOP Toàn Cầu, Công ty CP Epos Toàn Cầu tổ chức khai trương điểm trưng bày, giới thiệu và phân phối sản phẩm nông sản, OCOP huyện Ba Vì tại xã Cẩm Lĩnh.

Tại Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP người tiêu dùng sẽ có cơ hội tiếp cận một số sản phẩm OCOP như Sữa, mật ong, thuốc nam, măng, chè Ba Trại, ổi Suối Hai, giò hạt sen Sơn Đà, bánh chưng lá mía Phú Sơn, bánh khúc Phú Cường; các loại thực phẩm tươi sống như gà đồi Ba Vì, các sản phẩm từ đà điểu, lương thực, rau củ hữu cơ; các loại đồ thủ công mỹ nghệ…

Ba Vì

Cửa hàng nằm trên tuyến đường đến các địa điểm tham quan, danh thắng của huyện, thuận lợi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tới du khách.

“Các gian hàng đi vào hoạt động, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, góp phần giúp nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bảo vệ uy tín, giá trị nông sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa với qui mô lớn, theo chuỗi giá trị, xây dựng nông nghiệp huyện theo hướng xanh, bền vững”, ông Trường cho hay.

Trước đó, huyện Ba Vì và Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan khai trương 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khác tại gồm: Gian hàng tại cửa hàng hộ bà Bùi Thu Hà, thôn Cẩm Tân, xã Cẩm Lĩnh; Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Hợp tác xác nông nghiệp tổng hợp chăn nuôi và thương mại Khánh Phát, tại thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh; điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Trung tâm thương mại Lực Tiến Plaza, xã Chu Minh; Nhà hàng Vườn ẩm thực Xứ Đoài, xã Tản Lĩnh…

Bà Nguyễn Thị Thiết, HTX nông nghiệp Yên Bài, thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp chăn nuôi và thương mại Khánh Phát cho biết, các sản phẩm chè sạch của HTX được sản xuất theo quy trình hữu cơ và VietGAP, đã được thành phố đánh giá, công nhận OCOP 3 sao từ năm 2020. Tuy nhiên, sản phẩm chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Do đó, việc đưa sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu là một trong những giải pháp giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất với mức giá hợp lý nhất.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội, năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì.

Tại Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh, người tiêu dùng sẽ có cơ hội tiếp cận một số sản phẩm OCOP như mật ong núi Ba Vì, nam dược liệu Tản Liên Sơn, dược liệu của đồng bào dân tộc Dao, gà đồi Ba Vì, và đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ sữa Ba Vì, chè và bưởi của xã Yên Bài...

Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, để đưa sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng và du khách, Sở Công Thương rất mong Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì vận động các đơn vị trên địa bàn có vị trí, mặt bằng đăng ký tham gia mạng lưới Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các đơn vị trong việc phát triển sản phẩm OCOP, điểm OCOP qua đó hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Ba Vì
Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội,
Ba Vì
Ba Vì
          

Ba Vì có địa bàn rộn, với tổng diện tích 424,5km2 gồm 31 xã, thị trấn; địa hình được chia làm 3 vùng đó là vùng núi, vùng đồi gò và vùng đồng bằng ven sông. Toàn huyện có 29 vạn người với 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao cùng chung sống; trong đó có khoảng 70% dân số sống bằng nghề nông nghiệp được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cả bức tranh sơn thủy hữu tình, với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, được coi “là lá phổi xanh” phía Tây thủ đô Hà Nội, là điểm đến tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước.

          

 

Bài: Thăng Long
Ảnh bìa: Thanh Hải


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí