Doanh nghiệp “bắt tay” nông dân làm giàu từ cây dược liệu
27/09/2023 lúc 16:55 (GMT)

Doanh nghiệp “bắt tay” nông dân làm giàu từ cây dược liệu

 

Nữ giám đốc người dân tộc say mê cây dược liệu

Tôi có dịp gặp chị Bàn Thị Liên, dân tộc Dao, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm (TP Tuyên Quang) tại một  Hội chợ Triển lãm mới đây tại thành phố Hà Nội. Khác với gian hàng khác, mặt hàng thảo dược đại diện cho ngành nông nghiệp Tuyên Quang thu hút rất đông khách hàng, điều này làm tôi ngạc nhiên về sức hút của mặt hàng thảo dược do doanh nghiệp chị mang tới.

Tuệ Tâm

Kể về cái duyên đến với nghề, chị Liên cho biết, chị sinh ra trong một gia đình làm nghề bốc thuốc gia truyền của người Dao ở Trung Sơn (Yên Sơn). Từ nhỏ, chị Liên đã theo cha vào rừng tìm cây thuốc nên chị hiểu rất rõ giá trị của các loại thảo mộc, dược liệu ở rừng núi của đồng bào mình.

Năm 2018, chị Liên quyết định dừng lại công việc kinh doanh để nối nghiệp cha. Nhận thấy các bài thuốc gia truyền chủ yếu là sắc nước để uống không còn phù hợp, nên chị đã đầu tư vốn lên tới 3 tỷ đồng rồi dày công nghiên cứu, liên kết với các công ty dược để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra những sản phẩm dạng cao, dạng viên nang đạt chuẩn GMP. Đến nay, công ty đã cho ra những sản phẩm đặc trị các bệnh xương khớp, dạ dày và các sản phẩm tinh dầu, sản phẩm làm đẹp da, trị nám, trị mụn...  Công ty tạo việc làm cho 9 nhân viên và trình dược viên phát triển sản phẩm ở các tỉnh và có Văn phòng bán và giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội...

Có được số vốn, kinh nghiệm trong sản xuất, bán hàng, chị Liên đưa mục tiêu của công ty quay lại hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con nông dân vùng cao Tuyên Quang. Nhận thấy, cây dược liệu hiện nay ở Việt Nam đang thiếu đến 60-70% để phục vụ cho ngành dược, nhưng các công ty dược của nước ta vẫn đang phải nhập từ các nước láng giềng, chất lượng không được đảm bảo, trong khi đất đai rất nhiều và phù hợp với các loại cây dược liệu. Nhiều cây dược liệu có thể trồng cả được dưới tán rừng và đất trống đồi trọc, đất ruộng…

Tuệ Tâm
Tuệ Tâm

Là người con của quê hương, chị Liên hiểu rõ nhu cầu, cũng như địa hình đồi núi của tỉnh Tuyên Quang, chị đã cùng Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm xây dựng vùng trồng dược liệu để đảm bảo nhu cầu sản xuất các sản phẩm của Tuệ Tâm và cung cấp nguyên liệu sạch cho các nhà máy sản xuất của Công ty.

          

Quyết tâm thực hiện điều này, 5 năm sau, Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm có 20 sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng, được sản xuất khép kín từ vùng trồng đến xưởng sản xuất ra đến thành phẩm đảm bảo chất lượng, trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm mang thương hiệu Tuệ Tâm đã được tiêu thụ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Giám đốc Bàn Thị Liên cho biết.

          

 

Hiệu quả liên kết từ nhiều mô hình

Cũng theo chị Liên, hiện công ty đang triển khai dự án liên kết, sản xuất trồng cây dược liệu theo chuỗi liên kết trên địa bàn Thành phố Tuyên Quang và các huyện Yên Sơn, Na Hang, Hàm Yên, Sơn Dương với mục tiêu 2022-2025 là 100 hec ta.

Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm nằm trên địa bàn huyện Hàm Yên do chủ tịch hội đồng quản trị bà Nguyễn Thị Tĩnh làm giám đốc với 20 thành viên, hiện nay Hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết trồng dược liệu với Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm. 

Diện tích đã trồng gần 10 ha gồm cây Cát sâm, cây hoa đu đủ đực, cần tây, Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm đã bao tiêu thu mua toàn bộ sản phẩm. Từ khi chuyển đổi cây trồng, thu nhập từ hoa đu đủ đực tăng lên gấp 5 lần so với các cây trồng truyền thống khác, hiện nay Hợp tác xã vẫn đang tiếp tục mạnh dạn đầu tư tiếp tục trồng.

Hộ ông Ma Văn Chắn, thôn 18 xã Kim Phú, Thành phố Tuyên Quang cũng mạnh dạn đầu tư 2 ha Cát Sâm, cây này trồng từ 3 đến 5 năm mới được thu hoạch. Tuy nhiên, cây Cát Sâm cũng là cây cho thu nhập rất cao ngang với cây ba kích, ông Chắn rất tự tin hợp tác trồng cây với Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm.

Tham gia trồng cà gai leo, gia đình ông được Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật. Nhờ trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ nên cây trồng đạt hiệu quả cao, sau khi thu hoạch, phơi khô gia đình thu được trên 1 tấn/1ha sản phẩm khô. Cứ 3 - 4 tháng cây lại cho thu hoạch một lần, một năm cho thu 3 lần, tính ra lãi gấp 3 lần so với trồng ngô, lúa. Thành phẩm được công ty về tận nơi thu mua với giá hiện tại là 36.000 đồng/kg, giá bán lẻ là 45 đến 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Với nguồn dược liệu đa dạng, nhiều cây dược liệu những năm gần đây đã được các doanh nghiệp liên kết trồng, thu mua, chế biến dưới dạng trà khô, trà hòa tan, trà túi lọc, tinh bột nghệ, tỏi đen, bột tía tô... Để đảm bảo sản xuất, Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm đã liên kết với 10 hộ dân, HTX trong tỉnh thực hiện trồng cây dược liệu với diện tích trên 10 ha. Các loại cây được trồng như: cát sâm, ba kích, cà gai leo, thìa canh... đều là những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, chi phí đầu tư thấp.

Với mô hình liên kết này, công ty đã cung cấp giống, hỗ trợ bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm. Đây được coi là hướng đi hiệu quả, từng bước phát triển các cây trồng chủ lực, vừa giúp đơn vị đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, vừa tăng thu nhập cho người dân. 

Nguồn nguyên liệu từ cây dược liệu đã giúp công ty đa dạng các sản phẩm; trong số đó, 3 sản phẩm OCOP của công ty là: bổ gan Tuệ Tâm, xương khớp Tuệ Tâm, hà thủ ô Tuệ Tâm đều có nguyên liệu từ cây dược liệu như: cà gai leo, tầm gửi gạo, nấm lim xanh, huyết đằng, hà thủ ô... Công ty phấn đấu đến năm 2025 sẽ mở rộng liên kết, phát triển lên thành 20 ha cây dược liệu tại địa phương, đưa thêm nhiều cây dược liệu mới về trồng trên diện rộng.

Tuệ Tâm

Tuy nhiên, bước đầu phát triển mô hình trồng cây dược liệu ở Tuyên Quang cũng có không ít những khó khăn, bởi hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. Cùng với đó việc trồng, thu hoạch còn nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự phát. 

Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm tập trung xác định chi tiết vùng trồng đối với một số loài cây dược liệu chủ lực, tìm thêm các cơ chế chính sách đầu tư trồng cây dược liệu; thực hiện cơ cấu lại các vùng trồng đã có theo các tiêu chuẩn của GACP-WHO; hình thành vùng trồng, thu hái dược liệu được công nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường quản lý, giám sát sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Điều trăn trở nhất hiện nay là dược liệu làm thuốc của nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa có quy hoạch tổng thể cũng như chính sách phù hợp, chưa có sự liên kết của nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Bên cạnh đó là công nghệ sơ chế, bảo quản, chiết xuất và tổng hợp hoạt chất dược liệu của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bởi nếu chỉ xuất thô với giá rẻ và nhập tinh với giá đắt thì lợi nhuận thu về chẳng được bao nhiêu. Chị Liên cho biết.

Hiện nay, Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm đang tuyên truyền, phổ biến và cho trồng, tiến tới bao tiêu sản phẩm một số cây như Ba Kích tại huyện Na Hang, Hàm Yên. Theo chị Liên, bước đầu qua nghiên cứu đánh giá, cây Ba Kích cho thu nhập lên đến hàng tỷ đồng /ha. Nguồn Ba kích của Việt Nam vẫn phải nhập đến 80% từ Trung Quốc, trong khi đất và khí hậu của Tuyên Quang rất phù hợp để phát triển nhưng chua được trú trọng, nếu được các cấp chính quyền vào cuộc thì cây này chính là cây làm giàu mà không có cây nào bằng được. Tuy nhiên, vốn đầu tư trồng cây Ba Kích lớn, bà con nông dân chưa thể phát triển mạnh được, chính vì vậy diện tích trồng cây ba kích vẫn còn nhỏ lẻ và manh mún.

Tuệ Tâm

Ngoài ra, nhận thấy nguồn lợi từ việc trông cây đu đủ đực, Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm đã và đang liên kết với bào con phát triển trồng nhiều tại huyên Hàm Yên và một số huyện trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang. Thu nhập từ việc trồng cây đu đủ đực này cũng rất cao, vốn đầu tư thấp, trồng một lần thu hái nhiều năm, thu nhập lên đến 15 triệu đồng /tháng /1 ha, hiện nay Tuệ Tâm đã giúp cho rất nhiều hộ dân có thu nhập cao và ổn định đời sống hơn khi trồng các loại cây khác.

Đặc biệt, chị Liên cũng say mê giới thiệu với tôi về việc Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm đẩy mạnh mô hình trồng, chế biến cây rau má mà đơn vị đang phát triển tại địa bàn xã Kim Phú, Thành phố Tuyên Quang. Cây rau má được trồng cả thủy canh và trồng tại ruộng, loại rau này vừa có thể làm rau ăn vừa có thể làm trà nên nhu cầu tiêu thụ lớn. Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm đảm bảo đầu ra ổn định, loại cây này trồng một lần và thu hái 2 đến 3 năm, mỗi tháng thu 2 lứa lên so sánh các cây trồng khác thi thu nhập rất cao.

Tuệ Tâm
Tuệ Tâm

Tới thăm hộ nông dân Hoàng Mạnh Cường, ở thôn 11, xã Kim Phú chúng tôi cứ ngỡ như đang ở một khu vườn ở tận thành phố Đà Lạt, khi toàn bộ công nghệ tưới hiện đại, nhà lưới phủ kín, bảo đảm sản xuất sạch và xanh. Anh Cường cho biết, nhận thấy nhu cầu ăn sạch ngày càng được đông đảo người dân quan tâm và ưu tiên, cuối năm 2020 anh thử nghiệm mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu bằng ống nhựa trong nhà lưới. Mới đây, anh liên kết với Công ty TNHH thảo dược Tuệ Tâm trồng thêm 4.000 cây rau má. Toàn bộ rau má khi thu hoạch được công ty thu mua theo giá thị trường. Toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc rau đều được thực hiện bằng nước sạch, nói không với các loại phân thuốc hóa học. Thấy có hiệu quả, anh tiếp tục mở rộng quy mô. Đến nay, anh đã có 2 nhà lưới trồng rau sạch với diện tích hơn 600 m2.

Thêm nguồn lực đến từ kinh phí khuyến công

Thành công với nhiều mô hình trồng dược liệu, hỗ trợ bà con nông dân làm giàu, Công ty TNHH thảo dược Tuệ Tâm nhận được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước thông qua chương trình khuyến công quốc gia.

Được sự đồng hành giúp đỡ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang, thời gian vừa qua đã hỗ trợ Công ty TNHH thảo dược Tuệ Tâm đổi mới thiết bị, quảng bá mặt hàng. Nguồn kinh phí khuyến công đã như tiếp sức cho doanh nghiệp mạnh dạn bước tiếp con đường của mình.

Năm 2020, Công ty TNHH thảo dược Tuệ Tâm được hỗ trợ nội dung thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, các mẫu bao bì, tem nhãn sau khi đưa vào sử dụng đã truyền tải đầy đủ thông tin về sản phẩm, hình ảnh, màu sắc, bố cục hợp lý làm nổi bật được giá trị cốt lõi sản phẩm của công ty, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của thị trường được khách hàng đánh giá cao, gia tăng doanh số bán hàng giúp Công ty tăng lợi nhuận, đóng góp thuế cho nguồn thu ngân sách thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Tuệ Tâm
Tuệ Tâm
Tuệ Tâm
 

Ông Nguyễn Thế Lanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 cho biết, năm 2022, nhằm giúp Công ty TNHH thảo dược Tuệ Tâm được hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đơn vị đã giúp doanh nghiệp có thêm phương án mới nhằm quảng bá, giới thiệu, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh đó,  Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 cũng giới thiểu để Công ty tham gia những buổi tọa đàm, hội thảo về chuyển đổi số nhằm tiếp thu những kiến thức về chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, nắm bắt các cơ hội và hiểu rõ những thách thức trong quá trình chuyển đổi số để quản lý, vận hành doanh nghiệp.

 

Ngoài ra, đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành tỉnh Tuyên Quang tạo điều kiện hỗ trợ để Công ty tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm. Thông qua hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm của Công ty đã được khách hàng biết đến và tin tưởng tiêu dùng giúp Công ty duy trì ổn định hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Góp phần nâng cao uy tín thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên thị trường, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.

Tuệ Tâm
Tuệ Tâm
          

Tuyên Quang được đánh giá là tỉnh có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh có gần 150 ha trồng cây dược liệu, trong đó có nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao như: Giảo cổ lam, cát sâm, sâm bố chính, đinh lăng, sachi, quế, nghệ, xạ đen, cà gai leo, hà thủ ô… Cây dược liệu có hầu hết ở các huyện, thành phố nhưng tập trung nhiều nhất ở các huyện: Lâm Bình, Chiêm Hoá, Sơn Dương. Với độ che phủ rừng tới 65%, việc phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng những năm gần đây còn đem lại hiệu quả kinh tế cao tại một số địa phương.

          

 

Bài: Thăng Long
Ảnh bìa: Thanh Hải


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí