Xung đột quân sự Nga – Ukraine sẽ thay đổi dòng chảy thương mại thép toàn cầu

Thị trường thép thế giới đang chịu tác động từ nhiều yếu tố phức tạp cùng lúc, bao gồm cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và việc Trung Quốc tái phong toả diện rộng nhiều thành phố lớn để kiểm soát làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do biến chủng Omircon gây ra.

Thép giá rẻ của Nga sẽ tràn vào châu Á?

Đầu tiên, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, hai quốc gia xuất khẩu thép lớn trên thị trường, sẽ khiến nguồn cung thép toàn cầu suy giảm và hỗ trợ giá mặt hàng này tăng lên, đặc biệt là tại thị trường châu Âu.

Nga hiện là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 3 thế giới với lượng thép xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 28 triệu tấn. Trong khi đó, Ukraine là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 8 thế giới với lượng thép xuất khẩu hàng năm đạt 15 triệu tấn. Đồng thời, Ukraine là nước xuất khẩu quặng sắt lớn thứ 5 thế giới với lượng quặng sắt xuất khẩu đạt hơn 21 triệu tấn trong năm 2021.

Kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng phát thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp châu Âu, đã huỷ bỏ các đơn hàng thu mua thép từ Nga do lo ngại bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhắm vào nền kinh tế Nga. Mặt khác, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể khiến hoạt động xuất khẩu thép của Nga gặp nhiều khó khăn. Nhiều hàng tàu lớn trên thế giới đã tuyên bố ngưng vận chuyển nhiều loại hàng hoá đến và đi từ Nga.

sản xuất thép
 Nga hiện là quốc gia cung ứng thép lớn thứ hai cho châu Âu, sau Thổ Nhĩ Kỳ. Việc thiếu hụt nguồn cung thép từ Nga sẽ khiến giá thép tại châu Âu tăng lên, đặc biệt khi nhiều nhà sản xuất thép tại châu Âu phải giảm công suất vì chi phí năng lượng tăng vọt (Ảnh: Russia Beyond)

Giới phân tích nhận định tác động của đứt gãy nguồn cung thép từ Nga sẽ được phản ánh rõ lên thị trường trong khoảng vài tháng tới đây. Đặc biệt, Nga hiện là quốc gia cung ứng thép lớn thứ hai cho châu Âu, sau Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu thép của Ukraine cũng sẽ giảm mạnh khi hàng loạt cảng biển lớn của nước này phải ngưng hoạt động do các hoạt động quân sự.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Argus (Anh), nguồn cung thép từ Nga và Ukraine chiếm tới 30% tổng lượng thép được EU nhập khẩu. Cùng với Belarus – quốc gia đồng minh của Nga và cũng đang chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây thì nguồn cung thép thanh từ ba quốc gia này chiếm tới 60% tổng lượng thép thanh nhập khẩu của EU. Sự suy giảm nguồn cung sẽ khiến giá thép trên thị trường, đặc biệt là châu Âu, tăng lên trong thời gian tới.

Một số nhà phân tích nhận định việc mất thị trường châu Âu sẽ buộc các hãng sản xuất thép tại Nga tập trung vào thị trường châu Á, cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia sản xuất thép lớn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Thị trường thép châu Á có thể sẽ bị chao đảo nếu như các hãng sản xuất thép của Nga giảm giá mạnh để tăng cường tiêu thụ lượng thép tồn kho.

Ngược lại, các hãng sản xuất thép tại châu Á có thể tìm thấy cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang châu Âu, thay thế khoảng trống do Nga để lại. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất thép tại châu Âu đang chịu tác động tiêu cực từ việc giá năng lượng tại đây tăng vọt. Nhìn chung, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine có thể điều chỉnh lại dòng chảy thương mại thép trên toàn cầu.

Ẩn số Trung Quốc với giá thép châu Á

Giá thép tại thị trường châu Á còn phụ thuộc phần lớn vào diễn biến của ngành thép Trung Quốc – quốc gia sản xuất và xuất khẩu thép lớn nhất thế giới. Trong năm 2021, Trung Quốc xuất khẩu được 66,9 triệu tấn thép và các sản phẩm từ thép, tăng tới 24,6% so với năm 2020. Hiện Trung Quốc đang buộc phải tái phong toả diện rộng nhiều thành phố lớn nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do biến chủng Omicron gây ra.

giá thép Trung Quốc
 Diễn biến sản lượng thép của Trung Quốc và giá thép trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc) qua các tháng (Đồ hoạ: Reuters)

Điều này có thể khiến một số trung tâm sản xuất thép lớn của nước này như thành phố Đường Sơn phải tạm ngưng hoạt động hoặc giảm công suất. Đồng thời, việc phong toả kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, khiến nhu cầu sử dụng thép giảm xuống. Do đó, giá thép tại Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc đợt phong toả lần này sẽ kéo dài bao lâu và liệu Chính phủ Trung Quốc có đưa ra các gói kích thích kinh tế lớn hay không để duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Các dữ liệu hiện cho thấy sản lượng thép thô của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt 158 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu thép và các sản phẩm thép trong 2 tháng đầu năm nay của Trung Quốc cũng chỉ đạt 8,23 triệu tấn, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự sụt giảm này một phần là do Trung Quốc siết chặt kiểm soát ô nhiễm, bao gồm việc yêu cầu nhiều nhà máy sản xuất thép phải ngưng hoạt động hoặc giảm công suất, nhằm đảm bảo chất lượng không khí xuyên suốt kỳ Thế vận hội Mùa Đông 2022.

Hiện chưa có dự báo chắc chắn về triển vọng của ngành thép Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm 2022. Hãng tư vấn MEPS International (Anh) nhận định giá thép thế giới có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn trong bối cảnh tình trạng gián đoạn nguồn cung thép tại châu Âu khó có thể sớm được giải quyết.

Duy Quang