Xuất siêu 5,4 tỷ USD, quy mô ngoại thương vượt ngưỡng 500 tỷ USD

Cùng với duy trì đà xuất siêu cao, nhiều khả năng, năm 2019 quy mô ngoại thương nước ta không chỉ chinh phục ngưỡng 500 tỷ USD, mà sẽ bỏ qua ngưỡng đó khá xa.
xuat sieu
Hết tháng 8, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 171,3 tỷ USD

Tăng tốc xuất khẩu công nghiệp chế biến

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết tháng 8, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 171,3 tỷ USD, tăng 8,1% tương ứng tăng 12,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu trên 165 USD, đưa con số xuất siêu của Việt Nam lên 5,4 tỷ USD. Đây là cú nước rút thần tốc so với con số gần 1,6 tỷ USD xuất siêu sau 6 tháng và 1,7 tỷ USD xuất siêu sau 7 tháng đầu năm.

Cú nước rút xứng danh là thần tốc khi kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm do gặp khó về thị trường và giá bán. Cụ thể, thủy sản giảm 2,6%; rau quả giảm 6%; hạt điều giảm 9,4% (lượng tăng 15,8%), gạo giảm 14,2% (lượng tăng 0,1%), hạt tiêu giảm 2,1% (lượng tăng 27,9%); cà phê giảm 20% (lượng giảm 10,3%).

Trong mức tăng 8,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò đóng góp chính ở hai hướng. Về tỷ trọng, nhóm hàng này chiếm 83,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,8% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017. Về tốc độ, xuất khẩu công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,4% cao hơn mức tăng trưởng chung 8,1% của tổng kim ngạch xuất khẩu.

5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất đều thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, và có mức tăng tuyệt đối mạnh nhất so với cùng kỳ 2018. Máy vi tính tăng 3 tỷ USD; dệt may tăng trên 2 tỷ USD; điện thoại tăng gần 1,8 tỷ USD; giày dép tăng gần 1,4 tỷ USD và máy móc tăng 760 triệu USD. Kim ngạch tăng tuyệt đối của 5 mặt hàng này 8,91 tỷ USD, chiếm 70% trong tổng số 12,85 tỷ USD tăng thêm của tổng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có một nhân tố đột biến là Samsung xuất khẩu sản phẩm mới Galaxy note 10 từ tháng 8. Riêng trong tháng 8, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt hơn 5,9 tỷ USD, tăng tới 48,1% so với tháng 7. Nếu loại bỏ sự tăng đột biến của Galaxy note 10, giá trị tăng tuyệt đối của 5 mặt hàng công nghiệp chế biến đạt trên 6 tỷ USD, vẫn chiếm 50% tổng giá trị tăng thêm của kim ngạch xuất khẩu cả nước, đã phần nào phản ánh sức dẫn dắt mạnh mẽ của nhóm hàng công nghiệp chế biến.

Tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng cũng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của doanh nghiệp trong nước, cũng ở trên hai phương diện. Về tốc độ, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 13,9%, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung 8,1% và cao gấp 3 lần so với mức tăng 4,6% của khối doanh nghiệp FDI. Về tỷ trọng, lần đầu tiên khối này vượt ngưỡng 30% ở mức 31,6%.

xuat sieu 8 thang
5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất đều thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo

Quy mô ngoại thương mở rộng mạnh mẽ

Lấy năm 2007 làm mốc khi Việt Nam gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt ngưỡng 100 tỷ USD. Mất 4 năm để quy mô ngoại thương nước ta tăng thêm 100 tỷ USD nữa lên 200 tỷ USD vào năm 2011. Con số 100 tỷ USD tăng thêm tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm, nâng lên 300 tỷ USD vào năm 2015. Nhưng chỉ cần 2 năm tiếp theo, năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục mức 400 tỷ USD.

Tính hết 8 tháng đầu năm, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 337 tỷ USD. Liệu hết năm quy mô kim ngạch có đạt 500 tỷ USD không? Phần lớn các chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đều khẳng định đạt được. Bởi lẽ để cán mốc 500 tỷ USD, 4 tháng cuối, cả nước cần đạt kim ngạch 163 tỷ USD, tương đương gần 41 tỷ USD/tháng.

Trên thực tế, bình quân 8 tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 42 tỷ USD/tháng, trong khi theo quy luật những tháng cuối năm kim ngạch xuất nhập khẩu thường đạt cao hơn, nên nhiều khả năng, năm 2019 quy mô ngoại thương nước ta không chỉ chinh phục ngưỡng 500 tỷ USD, mà sẽ bỏ qua ngưỡng đó khá xa.

Một nguồn lực khác tiếp sức cho xuất nhập khẩu là các cơ quan quản lý đã phối hợp chặt chẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp, với Bộ Tài chính thực hiện Kế hoạch triển khai Cơ chế Một cửa Quốc gia (NSW) và Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW) của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020.

Theo Kế hoạch hành động thúc đẩy NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, đến hết năm 2019 sẽ triển khai các thủ tục hành chính thông qua NSW có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% tổng số các thủ tục hành chính đối với hàng hóa XNK.

Bộ cũng thành lập các Đoàn công tác làm việc với một số địa phương nắm bắt thông tin về xuất nhập khẩu, các khó khăn, vướng mắc cũng như biện pháp để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu; đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

Châu Giang