Xây dựng nông thôn mới: "Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc"

Quá trình xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, để phát huy những kết quả đạt được theo hướng bền vững, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, phải tăng nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thúc đẩy giao thương làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.

Ngành Công Thương hoàn thành tiêu chí về điện, hạ tầng nông thôn

Ngày 2/10/2019, tại Thanh Hóa, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Ngành Công Thương nhằm đánh giá kết quả đã đạt được, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện hai tiêu chí số 4 về Điện và tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2020.

Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, ngành Công Thương theo chức năng nhiệm vụ được giao đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện tiêu chí số 4 điện nông thôn và tiêu chí số 7 chợ nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ tích cực các bộ, ngành, địa phương thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 12 về lao động có việc làm và tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Những đóng góp của ngành Công Thương đã góp phần đáng kể trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của cả nước.

xây dựng nông thôn mới ngành công thương
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, ngành Công Thương theo chức năng nhiệm vụ được giao đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện tiêu chí số 4 điện nông thôn và tiêu chí số 7 chợ nông thôn

Thông tin rõ hơn về kết quả 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM ngành Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, trong quá trình gần 10 năm (2010-2019) triển khai thực hiện, Chương trình đã gặp không ít khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và sự chung tay đồng thuận từ phía người dân nên Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cụ thể, đối với tiêu chí số 4 (Điện), hệ thống lưới điện được hoàn thiện nhờ sự đầu tư, nâng cấp từ nhiều nguồn vốn đáp ứng nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tính đến hết tháng 8 năm 2019, cả nước có 8.072/8.902 xã đạt Tiêu chí số 4 chiếm 90,7% tổng số xã của cả nước, tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với thời điểm năm 2015. Trong đó, các vùng có tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 4 cao là: Đồng bằng sông Hồng đạt 99,9%; khu vực Bắc Trung Bộ đạt 95,5%; vùng duyên hải Nam Trung Bộ đạt 96,4%; vùng Đông Nam Bộ đạt 90,1%

Đối với tiêu chí số 7 (Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn), hệ thống chợ được đầu tư đúng quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế đã phát huy hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Đến nay, cả nước có 7.867/8.902 xã đạt Tiêu chí số 7 chiếm 88,4% tổng số xã của cả nước, tăng 75,7% so với năm 2010 và tăng 30,45% so với thời điểm năm 2015, vượt mục tiêu của Chính phủ giao tại Quyết định 1600/QĐ-TTg là 18,4% (mục tiêu 70%) và vượt xa mục tiêu của Bộ Công Thương đề ra tại Quyết định số 6286/QĐ-BCT là 38,4% (mục tiêu là 50%). Trong đó, các vùng có tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 4 cao là: Đồng bằng sông Hồng đạt 97,2%; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đạt 87,6%; vùng Đông Nam Bộ đạt 90,3%.

xây dựng nông thôn mới ngành công thương
Bên cạnh những kết quả đã đạt được về tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7, một số hoạt động khác mà Bộ Công Thương triển khai, cũng đã có tác động, hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí 12 về lao động có việc làm và tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất

Cùng với đó, các đơn vị trong ngành cũng đã tăng trường lồng ghép chương trình, kế hoạch thuộc nhiệm vụ với Chương trình MTQG xây dựng NTM như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành Dự án cấp điện đến hộ đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc của các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Lai Châu, Điện Biên...; đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo Lý Sơn, Phú Quốc, Kiên Hải, Cô Tô...

Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đầu tư xây dựng, mở rộng nhà máy ở nhiều tỉnh thành Bắc Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Hà Tĩnh... tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam đã đưa nhiều máy cày, máy bơm, phục vụ sản xuất nông thôn đến các vùng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được về tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7, một số hoạt động khác mà Bộ Công Thương triển khai, cũng đã có tác động, hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí 12 về lao động có việc làm và tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất. Trong đó, phải kể đến chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khoa học và công nghệ, hỗ trợ xuất khẩu nông sản...

xây dựng nông thôn mới ngành công thương
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong hành trình 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM của ngành Công Thương

Đánh giá về những kết quả trong 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM của ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, ngành Công Thương nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đã có những đóng góp quan trọng, không chỉ trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình thuộc chức năng được giao mà còn lồng ghép các chương trình, kế hoạch thuộc nhiệm vụ của Bộ Công Thương với Chương trình nông thôn mới.

“Bộ Công Thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, nhất là công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Hóa giải khó khăn, để NTM đi vào chiều sâu, bền vững

Cùng với những thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, Chương trình MTQG về xây dựng NTM ngành Công Thương còn vướng phải không ít khó khăn. Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng tuy nhiên tính đến tháng 8/2019, tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 4 chưa đạt mục tiêu của Chính phủ giao tại Quyết định 1600/QĐ-TTg (mục tiêu 100% số xã đạt tiêu chí số 4) và mục tiêu của Bộ Công Thương đề ra tại Quyết định số 6286/QĐ-BCT (mục tiêu là 95,16% xã đạt tiêu chí số 4). Thêm vào đó, lưới điện nông thôn trong thời gian qua được tăng cường đầu tư nhưng chưa đồng đều, tổn thất điện năng ở một số nơi còn cao, điện áp cuối nguồn ở một số trạm biến áp vào giờ cao điểm chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng điện áp.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí 7, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, vướng mắc lớn nhất là việc thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI vào việc phát triển hạ tầng thương mại nông thôn. Bởi, hiện nay, nhu cầu nguồn lực ngân sách để xây dựng chợ rất lớn, trong khi khả năng ngân sách địa phương có hạn, hầu hết các chợ nông thôn thường họp theo phiên, theo buổi, số hộ kinh doanh cố định tại chợ ít nên khó thu hút đầu tư xây dựng chợ, công tác xã hội hóa đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Đa số các chợ nông thôn đã được xây dựng từ lâu, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu thốn các hạng mục thiết yếu, hoạt động không hiệu quả, không thu hút được đầu tư, xã hội hóa. Trong khi nguồn vốn ngân sách dành cho phát triển lại rất hạn chế, không đáp ứng nhu cầu. Hệ thống chợ dân sinh chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến phát triển các tụ điểm chợ cóc...

xây dựng nông thôn mới ngành công thương
Nhấn mạnh tư tưởng “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện nông thôn

Kết luận Hội nghị, nhấn mạnh tư tưởng “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện nông thôn, đảm bảo giữ vững đối với những địa phương đã đạt tiêu chí số 4, tăng thêm các địa phương mới đạt tiêu chí 4, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.

Triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tại các địa phương, qua đó thúc đẩy quá trình giao thương, trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm thay đổi diện mạo tại khu vực nông thôn.

Cùng với đó, để hoàn thành mục tiêu Chương trình MTQG về xây dựng NTM của ngành Công Thương trong giai đoạn sau năm 2020 góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu chung của Chương trình, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương để tháo gỡ những vướng mắc, rào cản trong quá trình xây dựng, thực hiện Chương trình.

Theo đó, Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Ngành Công Thương chung sức xây dựng nông thôn mới”; đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng nông thôn mới; quán triệt tư tưởng “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”.

Cục Công Thương địa phương phối hợp Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện tiêu chí số 4 và số 7 giai đoạn sau năm 2020 theo hướng xác định rõ mục tiêu gắn với tình hình hình thực tế...

Cũng trong Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới Ngành Công Thương, Ban tổ chức cũng đã biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Ngành Công Thương chung sức xây dựng nông thôn mới”.

xây dựng nông thôn mới ngành công thương

xây dựng nông thôn mới ngành công thương
Ban tổ chức tặng cờ, bằng khen cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Ngành Công Thương chung sức xây dựng nông thôn mới”

Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, Chương trình đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 4.522 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,8% tổng số xã, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015, về đích trước hơn 1 năm so với mục tiêu 50% xã số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020; số tiêu chí bình quân/xã đạt 15,26 tiêu chí, vượt mục tiêu đặt ra 15 tiêu chí/xã vào năm 2020; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Hạ Vũ