Xăng dầu dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu nhiều nhất từ Malaysia trong 7 tháng đầu năm 2018

Nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Malaysia đạt 4,41 tỷ USD, tăng mạnh 38,4% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tăng 7/2018 kim ngạch đạt 572,63 triệu USD, giảm 4,9% so với tháng 6/2018 nhưng tăng 17,9% so với tháng 7/2017.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2018 kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – Malaysia tăng trưởng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6,79 tỷ USD. 

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Malaysia chỉ đạt 2,38 tỷ USD, giảm 4,4%. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ thị trường này 2,02 tỷ USD, tăng mạnh 192,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 7 tháng đầu năm nay hàng hóa các loại nhập khẩu từ thị trường Malaysia hầu hết đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, đáng chú ý nhất là nhóm hàng khí gas mặc dù chỉ đạt 14,77 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ thì tăng rất mạnh gấp 11,1 lần. Bên cạnh đó, nhập khẩu thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh cũng tăng mạnh 225,3%, đạt 20,02 triệu USD; vải tăng 106%, đạt 55,21 triệu USD; thủy sản tăng 88%, đạt 4,18 triệu USD; phân bón tăng 75,8%, đạt 26,58 triệu USD; hóa chất tăng 74,9%, đạt 149,86 triệu USD. 

Tuy nhiên, nhóm hàng dược phẩm nhập khẩu từ Malaysia sụt giảm mạnh nhất 71%, chỉ đạt 2,33 triệu USD. Nhập khẩu còn giảm mạnh ở một số nhóm hàng sau: Phương tiện vận tải giảm 43%, đạt 3,52 triệu USD; nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 38,8%, đạt 2 triệu USD; chất thơm, mỹ phẩm giảm 31,7%, trị giá 5,36 triệu USD).     

Xét về kim ngạch, xăng dầu là nhóm hàng nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Malaysia, với gần 1,38 tỷ USD, chiếm 31,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại từ thị trường này,  tăng mạnh 102,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Sau đó là nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 721,88 triệu USD, chiếm 16,4% trong tổng kim ngạch, tăng 21,9%.

Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 453,31 triệu USD, chiếm 10,3%, tăng 39,1%; kim loại thường đạt 204,43 triệu USD, chiếm 4,6%, tăng 81,9%; dầu mỡ động thực vật đạt 193,43 triệu USD, chiếm 4,%, giảm 26%