Vượt khó, các doanh nghiệp ngành Hóa chất tăng trưởng gần 30% trong đại dịch

Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến Ban chấp hành mở rộng lần thứ XI, khóa X với sự tham dự của thành viên BCH tại cả 3 miền đất nước.

9 tháng đầu năm, do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là tại Bắc Giang, Bắc Ninh và các địa phương khu vực phía Nam nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Tập đoàn vẫn còn gặp khó khăn, nhất là trong lưu thông hàng hóa tiêu thụ sản phẩm và tổ chức sản xuất.

Họp BCH Hóa chất chất
Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam Nguyễn Huy Thông chủ trì cuộc họp trực tuyến

 

Trong 5 tháng trở lại đây, hầu hết các đơn vị phía Nam phải bố trí người lao động làm việc ”3 tại chỗ”, nhiều lao động phải nghỉ luân phiên và hưởng mức lương tối thiểu vùng nên thu nhập còn thấp. Số lao động thuộc các đơn vị trong Tập đoàn hiện nay là gần 20.000 người, số đoàn viên công đoàn thuộc Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam hiện nay gần 18.000 người.     

Trước tình hình đó, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở chủ động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đối với công tác phòng, chống dịch bệnh. Mỗi công đoàn cơ sở, mỗi cán bộ công đoàn phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc” nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động.

Ngay trong đợt đầu bùng phát dịch tại phía Bắc, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cùng Lãnh đạo Tập đoàn đã đến thăm và tặng 5.000 khẩu trang và sản phẩm nước rửa tay khô, xà phòng và bột CloraminB cho người lao động tỉnh Hải Dương và người lao động Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty CP Que hàn điện Việt Đức tại Hải Dương, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, người lao động và đoàn viên công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh với tổng số tiền trên 800 triệu đồng. Tặng 2.500 chiếc khẩu trang kháng khuẩn, trên 200 lọ nước rửa tay khô cho người lao động Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc để phòng chống dịch bệnh Covid 19.

Tiếp đó, ngày 21/6/2021, Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam Nguyễn Huy Thông, cùng đại diện Công đoàn Cơ quan Tập đoàn đã đến Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao số tiền 100 triệu đồng để ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng Covid-19.

Để thực hiện tốt “mục tiêu kép”, nhiều đơn vị đã thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất ổn định. Vì vậy, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã đề nghị các Công đoàn cơ sở tập trung triển khai công tác phòng chống dịch trong CNVCLĐ theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành Y tế và của địa phương. Phối hợp với lãnh đạo đơn vị quan tâm đến điều kiện ăn, ở của người lao động đang thực hiện nhiệm vụ “3 tại chỗ”; gần gũi, động viên vật chất và tinh thần người lao động tại các khu tập trung trong doanh nghiệp. Rà soát, thống kê các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid - 19 để đề xuất hỗ trợ, động viên kịp thời người lao động.

Họp BCH Hóa chất chất
Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với các doanh nghiệp tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam

 

Theo báo cáo của các đơn vị, đến nay trong toàn Tập đoàn đã có 02 người chết do Covid, 80 người bị F1, 200 người bị F2. Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã chi 3 đợt với tổng số tiền là 403,5 triệu đồng hỗ trợ CNLĐ là các F0, F1, F2 và CNLĐ trong các vùng bị phong tỏa phải cách ly y tế để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, chi hỗ trợ cho CNLĐ thực hiện nhiệm vụ “3 tại chỗ” của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc số tiền 150 triệu đồng. Hỗ trợ 100 CNLĐ đặc biệt khó khăn Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam 50 triệu đồng.

Mới đây nhất, từ ngày 24/8 đến 20/9/2021. Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã tổ chức khảo sát và chi hỗ trợ bữa ăn cho 4.380 đoàn viên, người lao động của 16 đơn vị đang thực hiện “3 tại chỗ” tại các địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền 4,380 tỷ đồng. Quỹ An sinh xã hội Tập đoàn cũng chi 1,4 tỷ đồng hỗ trợ 3.789 CNLĐ làm việc “3 tại chỗ” và 529 CNLĐ các đơn vị phải ngừng việc, làm việc luân phiên hưởng lương tối thiểu vùng, có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Mặt khác, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam và Đoàn thanh niên Tập đoàn đã phối hợp phát động tinh thần tương thân, tương ái, kêu gọi các đơn vị khu vực phía Bắc ủng hộ người lao động phải làm việc “3 tại chỗ” tại các đơn vị phía Nam. Kết quả các đơn vị đã ủng hộ 324 triệu đồng.

Bằng sự đoàn kết và tinh thần tương trợ, quan tâm, các đơn vị trong Tập đoàn đã rất nỗ lực khắc phục khó khăn, sống chung với đại dịch. Tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Tập đoàn trong 8 tháng đầu năm 2021 nhìn chung được duy trì tương đối ổn định, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, một số doanh nghiệp phân bón có mức tăng trưởng khá hơn so với các doanh nghiệp khác. So với cùng kỳ năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm đạt 31.668,149 tỷ đồng, tăng trưởng 29%; Tổng doanh thu đạt 33.514,170 tỷ đồng, tăng trưởng 29,1%; Nhóm ngành phân bón doanh thu tăng 54,4%; apatit tăng 23,2%; nhóm cao su tăng 10,3%; nhóm Hoá chất – Khí công nghiệp tăng 6,5%. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn 08 tháng đầu năm 2021 ước lãi 287,658 tỷ đồng.

Chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến, ông Nguyễn Huy Thông – Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp trong việc lo cho đời sống người lao động phải làm việc “3 tại chỗ”. Đồng thời ghi nhận sự đoàn kết, gắn bó của người lao động với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Ông Thông cũng chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp phía Nam khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, việc bình thường mới cần có thời gian. Ông Thông nhấn mạnh, biết là “3 tại chỗ” sẽ làm tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, nhưng bằng mọi giá, chúng ta vẫn phải đảm an toàn và ổn định tâm lý cho người lao động, qua đó tạo sự đoàn kết để cùng sống chung với dịch bệnh, đảm bảo sản xuất.

Ông Thông cũng nhắc nhở cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp không chủ quan, cần cùng với chuyên môn lên các phương án chuẩn bị cho sản xuất trở lại nhịp độ khi các tỉnh dần gỡ bỏ hạn chế, chuyển sang trạng thái bình thường mới, sống chung với dịch bệnh.

Hồ Nga