Ứng dụng phần mềm nguồn mở cho các thư viện đại học Việt Nam: góc nhìn từ  chính sách

ThS. LÊ NGỌC DIỆP (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Phần mềm nguồn mở là một trong những lựa chọn cho các thư viện đại học Việt Nam trong việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại vào hoạt động quản lý và chuyên môn nghiệp vụ. Đã có những chính sách, qui định pháp lý cho việc thúc đẩy ứng dụng phần mềm nguồn mở nói chung, trong hệ thống thư viện đại học Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa cần có khung chính sách, hành lang pháp lý được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Dựa trên các chính sách đã ban hành, bài viết sẽ bàn về ứng dụng phần mềm nguồn mở cho các thư viện đại học Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: phần mềm nguồn mở, thư viện đại học, chính sách, ứng dụng phần mềm.

1. Một số khái niệm

Khái niệm chính sách: Đề cập tới khái niệm “chính sách” đã có một số tác giả đưa ra định nghĩa, góc tiếp cận từ nhiều phương diện như: tiếp cận chính trị học, tiếp cận xã hội học, tiếp cận nhân học và nhân học xã hội, tiếp cận tâm lý học, tiếp cận kinh tế học, tiếp cận đạo đức học, tiếp cận lý thuyết Trò chơi, tiếp cận hệ thống, tiếp cận khoa học pháp lý, tiếp cận tổng hợp. Tổng hợp lại, khi nói đến một chính sách chúng ta có thể diễn đạt như cách tác giả Vũ Cao Đàm (2011: 29) đã đề cập: “Chính sách là một tập hợp biện pháp được thể chế hóa, mà một chủ thể quyền lực, hoặc chủ thể quản lý đưa ra, trong đó tạo sự ưu đãi một hoặc một số nhóm xã hội, kích thích vào động cơ hoạt động của họ, định hướng hoạt động của họ nhằm thực hiện một mục tiêu ưu tiên nào đó trong chiến lược phát triển của một hệ thống xã hội”.

Khái niệm chính sách công: Cũng giống như khái niệm chính sách, cho đến nay khái niệm chính sách công đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra quan điểm và định nghĩa khác nhau, chúng ta có thể nhắc tới các tác giả như: nhà nghiên cứu chính sách công Pal, Atkinson, Glen Milne, Dean G.Kilpatrick, James Anderson, Thomas R. Dye, Wlilliam N. Dunn, Peter Aucoin, B. Guy Peter, William Jenkin, Birkland, Đỗ Phú Hải… Trong bài viết này, tác giả xin được dùng cách định nghĩa của tác giả Lê Chi Mai (Đỗ Phú Hải 2017 : 13) như sau: “Chính sách công là một tập hợp các quyết định có liên quan để “lựa chọn” mục tiêu và những giải pháp, công cụ chính sách nhằm giải quyết các vấn đề chính sách theo mục tiêu tổng thể đã xác định của đảng chính trị cầm quyền”.

Khái niệm phần mềm nguồn mở: Sử dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) đang trở thành xu hướng lớn trên thế giới. Nhờ các rào cản về bản quyền dần được dỡ bỏ, dễ can thiệp, được cung cấp miễn phí hoặc với giá cả phù hợp, PMNM được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo của ngành công nghệ thông tin cũng như việc ứng dụng vào các ngành, lĩnh vực, tổ chức trong xã hội. Theo Bruce Perens, “Nguồn mở là cách để mọi người cộng tác về phần mềm mà không gặp trở ngại nào về vấn đề sở hữu trí tuệ, không phải thương thảo về các hợp đồng, có thể đóng góp sửa lỗi cho nó. Còn theo David Wheeler, “PMNM là những chương trình mà quy trình cấp phép sẽ cho người dùng quyền tự do sử dụng chương trình vào bất kỳ mục đích nào, quyền nghiên cứu và sửa đổi chương trình, quyền sao chép và tái phát thành phần mềm gốc hoặc phần mềm đã sửa đổi (mà không phải trả tiền cho những người lập trình trước”. PMNM/Tự do (tiếng Anh là Free/Open Source Software-FOSS) là những phần mềm được cung cấp dưới cả dạng mã nhị phân (binary code) và mã nguồn (source code), thường là miễn phí về bản quyền. Người dùng có quyền sửa đổi, cải tiến, phát triển, nâng cấp theo một số nguyên tắc chung nhất định theo điều khoản quy định trong giấy phép PMNM (General Public Licence-GPL) mà không cần xin phép, điều không được phép làm đối với phần mềm nguồn đóng, hay còn gọi là phần mềm thương mại.

Khái niệm thư viện đại học: Luật Thư viện số 46/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Thư viện đại học là thư viện có tài nguyên thông tin phục vụ người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học. Thư viện đại học có chức năng, nhiệm vụ cụ thể sau đây: (i) Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình, lĩnh vực, ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; (ii) Tiếp nhận, bổ sung và tổ chức khai thác khóa luận, đề án, luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu khoa học của người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học; xây dụng tài liệu nội sinh, cơ sở dữ liệu học liệu, tài nguyên học liệu mở; (iii) Tổ chức không gian đọc; hướng dẫn sử dụng sản phẩm thư viện và dịch vụ thư viện; hoàn thiện kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin; củng cố, mở rộng kiến thức cho người học, người dạy và cán bộ quản lý; (iv) Thực hiện liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài; (v) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục đại học giao.

2. Những quan điểm, chủ trương, chính sách về phần mềm nguồn mở và ứng dụng đã được ban hành

Thời gian vừa qua, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ khoa học và cộng nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó phải kể đến sự phát triển của phần mềm nguồn mở đã góp phần thay đổi hầu hết mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động của các thư viện đại học. Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, xây dựng thư viện số, thư viện điện tử; đảm bảo cải thiện môi trường điều kiện hoạt động, tạo thuận lợi cho người dùng tin và cộng đồng đã trở thành mục tiêu của chính phủ, trường đại học nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, rất cần có một hệ thống chính sách về việc ứng dụng công nghệ thông tin (phần mềm nguồn mở) trong hoạt động của các thư viện đại học.

Xét về thực tiễn, ở Việt Nam, chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở thường được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo căn cứ pháp lý để thi hành. Từ việc ban hành các văn bản của Đảng, thể chế hóa trong các văn bản pháp luật của Nhà nước đến những quyết định đưa vào Chương trình, kế hoạch triển khai, các đề án, dự án phát triển công nghệ thông tin, ứng dụng trong hoạt động thực tiễn. Trong những năm qua đã có nhiều quan điểm, chương trình và các quyết định về ứng dụng phần mềm nguồn mở như: Quan điểm của Đảng được thể hiện tại Chỉ thị số 58-CT/TW năm 2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đến năm 2010 của Chính phủ (Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 5 năm 2007) và Dự án tổng thể “Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 2/3/2004; Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg về ưu tiên mua sắm sản phẩm phần mềm mã nguồn mở; Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT ngày 4/5/2007 phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam tới năm 2010 và định hướng phát triển tới năm 2020” trong đó có nội dung: Ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm tự động hóa, hiện đại hóa hoạt động của thư viện. Phát triển thư viện điện tử, thư viện kỹ thuật số. Sưu tầm, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa trong thư viện theo phương pháp hiện đại dựa vào công nghệ thông tin phát triển ở mức cao. Thư viện công cộng phải là nguồn lực giúp nâng cao dân trí và phổ cập giáo dục của cộng đồng, là cơ quan giáo dục thường xuyên dành cho mọi người. Phấn đấu đến năm 2010, toàn bộ thư viện các tỉnh, thành phố được nối mạng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, Internet, số hóa 20% tài liệu quý hiếm, 40% thư viện cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin; Thông tư số 08/2010/TT-BGDĐT quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục; Thông tư số 19/2011/TT-BTTTT ngày 01/7/2011 quy định về áp dụng tiêu chuẩn định dạng tài liệu mở trong các cơ quan nhà nước; Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 20/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí cho một số địa phương xây dựng các giải pháp phần mềm nguồn mở; Thông báo số 371/TB-VPCP, ngày 08/11/2012, thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại phiên họp Quý III năm 2012 của Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin. Trong đó có đề cập nội dung về ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở: Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị đẩy mạnh ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước từ Trung ương tới địa phương giai đoạn 2013 - 2015.

Các thư viện Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động. Đặc biệt những năm gần đây đã có một số thư viện tiếp cận nghiên cứu và ứng dụng các phần mềm nguồn mở, qua đó đã tiết kiệm được nhiều tài chính, cũng như không nhất thiết phải có một đội ngũ cán bộ IT chuyên nghiệp, đó là những vấn đề thường gặp phải đối với các nước kém phát triển như Việt Nam.

Xét về mặt lý luận, hiện nay đang thiếu cách tiếp cận, nghiên cứu triển khai ứng dụng phần mềm nguồn mở cho các thư viện đại học Việt Nam dưới góc độ chính sách: từ xác định được bản chất, vấn đề, mục tiêu, giải pháp, chủ thể, thể chế và những yếu tố tác động đến chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở cũng như xác định chu trình chính sách qua các giai đoạn: hoạch định (khởi sự), xây dựng (thiết kế chính sách); tổ chức thực hiện và đánh giá chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở. Chỉ khi xây dựng được cơ sở lý luận cơ bản về chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng, đề xuất những giải pháp để có được hệ thống chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở toàn diện đảm bảo đồng bộ, phù hợp, khả thi.

3. Đề xuất một số hướng xây dựng khung chính sách

Trên cơ sở khái quát thực trạng trong việc xây dựng và ban hành các chính sách về phần mềm nguồn mở nói chung và ứng dụng phần mềm nguồn mở cho thư viện đại học Việt Nam nói riêng ở phần trên, tác giả xin đưa ra một số đề xuất hướng xây dựng khung chính sách như sau:

3.1. Quan điểm về hoàn thiện chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở cho các thư viện đại học Việt Nam

Ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, ngày 15/4/2015, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 26/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Chương trình hành động của Chính phủ, những nội dung liên quan về phần mềm nguồn mở đã được nhắc tới, đó là:

- Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế tri thức: Ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm về thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin như: Dự sản phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, có làm lượng tri thức và công nghệ, giá trị gia tăng cao. Tập trung hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm. Thúc đẩy phát triển và khai thác sử dụng sản phẩm, dịch vụ phần mềm nguồn mở.

- Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới: Tăng cường hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ mới, phần mềm nguồn mở, công nghệ mở, chuẩn mở.

Như vậy, quan điểm, định hướng chính sách về phần mềm nguồn mở đã được Đảng, Chính phủ xác định, đặt ra trong bối cảnh, vấn đề tổng thể chung là phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế tri thức và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế. Đây chính là cơ sở nền tảng trong việc triển khai cụ thể trong lĩnh vực, bài toán là chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở cho các thư viện đại học Việt Nam.

3.2. Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở cho các thư viện đại học Việt Nam

Trên cơ sở quan điểm, định hướng nêu trên, tác giả xin đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở cho các thư viện đại học Việt Nam như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở cho thư viện đại học Việt Nam. Thực tiễn đã chỉ ra rằng hạn chế trong triển khai chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở phần lớn ở khâu tổ chức thực hiện, biến những giải pháp chính sách thành hành vi thực tế. Nhận thức là yếu tố quan trọng để quyết định hiệu quả của hành vi. Hành động chỉ thay đổi khi nhận thức thay đổi. Bởi vậy, nâng cao nhận thức đúng đắn về chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở cho các thư viện đại học Việt Nam đối với các chủ thể liên quan có thể coi là giải pháp đầu tiên, quyết định thay đổi trong tư duy, nhận thức của chủ thể. Đặc biệt là chủ thể có thẩm quyền ban hành chính sách như Chính phủ, Bộ ngành liên quan, các cấp lãnh đạo trong tổ chức bộ máy của trường đại học. Bên cạnh đó là sự quyết tâm của lãnh đạo, viên chức các thư viện đại học; sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin,…

Thứ hai, chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở cho thư viện đại học Việt Nam cần được xây dựng dựa trên mục tiêu có tính chất nền tảng đó là bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tri thức của mọi tổ chức, cá nhân trong trường đại học và giữa các trường đại học trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại. Nghĩa là cần xác định rõ đối tượng thụ hưởng chính sách.

Thứ ba, Chính phủ (Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, các bộ, ngành liên quan phối hợp) có vai trò điều tiết thông qua chính sách, khuyến khích các tổ chức, thành phần kinh tế (kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp, công ty phát triển phần mềm nguồn mở có giải pháp quản lý thư viện,…) trong việc nghiên cứu phát triển, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng yêu cầu quản trị và phổ biến, tiếp cận thông tin, tri thức của mọi đối tượng trong trường đại học.

Thứ tư, chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở cho thư viện đại học Việt Nam cần đảm bảo sự đa dạng về thành phần; trong đó các thư viện đại học công lập được xem là đối tượng để hiện thực hóa chính sách.

Thứ năm, chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở cho thư viện đại học Việt Nam cần gắn chặt với hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của trường đại học.

Thứ sáu, chính sách ứng dụng phần mềm nguồn mở cho thư viện đại học Việt Nam cần cụ thể hóa trong nội dung, chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin, thông tin thư viện và đặt trong bối cảnh chuyển đổi số (“Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ban hành theo Quyết định số 206/QĐ-TTg, ngày 11/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 206/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 2 năm 2021 Về Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
  2. Chính phủ. (2015). Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị.
  3. Đỗ Phú Hải. (2017). Tổng quan về chính sách công. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
  4. Lê Ngọc Diệp. (2013). Sử dụng phần mềm nguồn mở trong hoạt động thư viện tại Việt Nam. Tạp chí Thông tin và Tư liệu, 2, 31-34.
  5. Lê Ngọc Diệp. (2018). Thư viện số, tài nguyên giáo dục mở góp phần thúc đẩy giáo dục mở Việt Nam. Tạp chí Thông tin và Tư liệu, 2, 24-28.
  6. Nguyễn Hồng Quang, Hồ Tường Vinh, Đặng Quang Á. (2006). Một số vấn đề chọn lọc của công nghệ thông tin. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia lần thứ IX "Một số vấn đề chọn lọc của công nghệ thông tin và truyền thông" (VNICT 2006), 15-17 tháng 6/2006. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
  7. Nguyễn Tuấn Hoa. (2012). PMNM chỗ dựa của ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam. Tạp chí Tin học và Đời sống, 8, 62-63.
  8. Quốc hội. (2019). Luật số 46/2019/QH14: Luật Thư viện số, ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2019.
  9. Thoại Nam, Đoàn Việt Hưng, Phạm Trần Vũ. (2011). Các vấn đề chính sách đối với phần mềm nguồn mở. Phú Yên.
  10. Trần Lê. (2011). Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới của Việt Nam 2011 - 2020: Công nghệ mở phải là then chốt. Tạp chí Tin học và Đời sống, 11, 72-75.
  11. Vũ Cao Đàm. (2011). Giáo trình khoa học chính sách. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

THE USE OF OPEN-SOURCE SOFTWARE

IN VIETNAMESE UNIVERSITY LIBRARIES

FROM THE PERSPECTIVE OF POLICIES

Master. LE NGOC DIEP

Hanoi University Of Home Affairs

ABSTRACT:

Open-source software is one of many options for university libraries in Vietnam to promote the application of scientific and technical achievements in their management and professional activities. Vietnam has promulgated policies and developed legal frameworks to encourage the application of open-source software in general and open-source software for university libraries in particular. However, it is necessary for amended and supplemented these policies and legal frameworks in accordance with practice to effectively facilitate the use of open-source software in Vietnamese university libraries.

Keywords: open-source software, university library, policy, software application.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]