Tư tưởng xây dựng Đảng - Vẹn nguyên giá trị trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tuy đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những giá trị trong bản Di chúc thiêng liêng trước lúc Người đi xa (1969-2019) dường như vẫn còn vẹn nguyên đối với dân tộc ta. Những ý, những từ trong đó đều thể hiện tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và niềm tin của Người giành cho các thế hệ ngày nay và mai sau. Đặc biệt những lời đầu tiên mà Người đã nhắc tới chính là tư tưởng xây dựng Đảng.
tu tuong xay dung dang
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó BT Thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐTV TCT phát biểu tại Hội nghị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Trong Bản Di chúc của Người có 05 nội dung chính, với tổng số hơn 1000 chữ thì có tới 200 chữ Người nói về Đảng. Những điều đó thể hiện rằng, mối quan tâm hàng đầu của Người chính là sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là công tác xây dựng, duy trì và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng.

Lời đầu tiên khi nói về Đảng, Người viết “Trước hết nói về Đảng - nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Và có thể coi Bản Di chúc giống như bản cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh, và đồng thời giống như một công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng.

Cùng với tư tưởng xây dựng Đảng thì tinh thần đoàn kết cũng được Người nhấn mạnh: Bản thân mỗi Đảng viên phải tự nhận thức sâu sắc rằng, đoàn kết, thống nhất trong Đảng là vấn đề quan trọng nhất, phải làm cho các cấp ủy và hàng triệu đảng viên cùng một ý chí hành động, tạo ra sức mạnh; phải làm cho Đảng thật sự trở thành hạt nhân lãnh đạo xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Người nhấn mạnh, đoàn kết là truyền thống quý báu của Nhân dân ta, và chính tinh thần đoàn kết đó giúp chúng ta đi được từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Vì vậy phải thường xuyên xây dựng và duy trì tinh thần đoàn kết đó làm cho Đảng vững mạnh, việc làm đó được Bác ví như việc “giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Bên cạnh đó là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đây là cách làm để mỗi Đang viên có thể phát huy ưu điểm của mình và tự sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm để làm cho Đảng mạnh lên. Tuy nhiên, Người cũng không quên nhắc nhở “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Bởi lẽ công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc phải thường xuyên làm để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Tuy nhiên, Người đã không quên căn dặn: “Phải có tình thương yêu đồng chí lẫn nhau”. 

di chuc ho chi minh
Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Và cuối cùng Người nhấn mạnh, phải  hết sức coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa, hư hỏng trong Đảng. Bác căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân". Bởi lẽ theo Người, khi Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng bên cạnh những thuận lợi là những khó khăn như:  độc đoán chuyên quyền, tham ô, tư túi… sẽ xuất hiện  trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nếu không tích cực, chủ động khắc phục những căn bệnh đó, có thể dẫn tới nguy cơ không chỉ làm suy yếu Đảng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của cách mạng. Chính vì vậy, theo Người, để xứng đáng với vai trò của Đảng cầm quyền, vấn đề tiên quyết là phải chăm lo giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng. Người khẳng định: Gốc của cách mạng là dân, gốc của công việc là cán bộ, gốc của người cán bộ là đạo đức, “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. 

Để thực hiện những điều căn dặn về xây dựng Đảng của Người, Đảng ta luôn ý thức và xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong mỗi giai đoạn cách mạng. Việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng đã được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (tháng 2/1999) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 1/2012) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”… Qua các nghị quyết, chỉ thị, Đảng đã đề ra những chủ trương, biện pháp và củng cố, kiện toàn để làm trong sạch bộ máy nhà nước; củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Cho đến nay, tính thực tiễn trong Bản Di chúc của Người vẫn còn rất ý nghĩa và thấm thía với chúng ta. Đó là những bài học về tinh thần lạc quan và bản lĩnh khoa học cách mạng của Đảng; bài học về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; bài học về thực hành dân chủ rộng rãi; bài học về chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân và tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng.

Đọc lại những lời trong Di chúc của Bác như là nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, luôn xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”, và “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như tâm nguyện của Người.

 

Huyền Trang