Top 5 màn gọi vốn đầu tư đáng học hỏi nhất "Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ"

Dù không phải một gameshow về giải trí, nhưng chương trình "Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ" vẫn nhận được sự quan tâm và ủng hộ rất lớn từ phía khán giả, đặc biệt là từ cộng đồng khởi nghiệp (startup) với những màn gọi vốn vô cùng ấn tượng.

Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ là một trong những chương trình thực tế đang cực hot trên sóng truyền hình. Tham gia vào chương trình có sẽ một hội đồng các nhà đầu tư tiềm năng, được gọi là các "Shark". Mỗi tập sẽ có những doanh nhân khởi nghiệp khác nhau tới để thực hiện các bài thuyết trình trước hội đồng Shark nhằm kêu gọi đầu tư. 

Trong số những thương vụ đã xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam, có những thương vụ gọi vốn chỉ 1, 2 tỷ, cũng có những thương vụ trị giá đến cả chục tỷ đồng và không phải startup nào đến với chương trình cũng sẽ ra về trong nụ cười. Tuy vậy, dù thành công hay không thì những thương vụ bạc tỷ này vẫn gây được ấn tượng rất sâu đậm trong lòng khán giả.

Dưới đây là 5 thương vụ ấn tượng, được cho là đáng "học hỏi" nhất trong các mùa Shark Tank vừa qua!

Luxstay

Mức gọi vốn: 168 tỷ Đồng 

Đây được xem là thương vụ bạc tỷ nhiều tiền và thành công nhất trong cả 3 mùa lên sóng tại Shark Tank Việt Nam. Thêm vào đó, chú ý hơn cả đây là thương hiệu Việt Nam đầu tiên làm trong lĩnh vực cho thuê Homestay, căn hộ đầu tiên có thể cạnh tranh với Airbnb nổi danh trên thế giới. Luxstay của CEO Steven Nguyễn, một người khởi nghiệp từ 15 tuổi đã mạnh dạn kêu gọi 600.000 USD cho 1% cổ phần (tỷ lệ phát hành tối đa 20%, tương đương 12 triệu USD = khoảng 279 tỷ VNĐ). 

Cuộc thương lượng này mở màn ngay tại tập 1 của mùa 3 Shark Tank và đã ngay lập tức gây được sự chú ý, mở màn cho một mùa với nhiều Deal khủng! Màn thương lượng giữa CEO của Luxstay với các Shark cũng được đánh giá là màn có nhiều lời đề nghị nhất. Các Shark liên tục "trồng chéo" những lời đề nghị đầu tư cũng như gọi mời hấp dẫn cho Steven Nguyễn.

Cuối cùng, chốt lại bằng thỏa thuận từ Shark Hưng đầu tư 2 triệu USD (khoảng 46 tỷ VNĐ) cho 6,8% cổ phần trong đó, 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ VNĐ) cho 4,8% cổ phần thêm 2% cổ phần ưu đãi giá 1 USD (23 nghìn VNĐ) kèm cam kết 1 triệu USD tiền mua cổ phần ở vòng sau với giá discount 20%.

Power Centric

Mức gọi vốn: 1 Triệu USD (23,2 tỷ đồng)

Được coi như màn gọi vốn khá thành công, dự án Power Centric của Nguyễn Ngọc Minh, chàng Việt Kiều sinh ra từ Ninh Thuận đã gây ấn tượng mạnh trên thị trường. Về thăm quê, Minh nhận thấy nguồn điện ở Việt Nam không ổn định. Trong khi đó, các nước phát triển đang ra sức nghiên cứu giải pháp lưu trữ năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, nhằm phục vụ nhu cầu điện cho thiết bị công nghệ ngày càng tăng. Từ đó, anh đã nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị năng lượng xanh.

Nhà sáng lập giới thiệu đến Shark sản phẩm bình trữ điện đa năng MoPo, sản phẩm có thể thay thế được ắc quy, chì axit hiện hành, đang được sử dụng rất phổ biến trên các xe điện và những hệ thống lưu trữ năng lượng. MoPo có kích thước và trọng lượng chỉ bằng ¼ so với các loại bình ắc quy thông thường. Đặc biệt, khi người dùng kết hợp với bộ chuyển đổi điện sẽ có ngay một máy phát điện di động dễ dàng kết nối và mở rộng công suất.

Cuối cùng, Shark Hưng thành công khi chiến thắng trong cuộc đua đầu tư vào startup năng lượng xanh với tổng mức đầu tư lên đến 1 triệu USD cho 25% cổ phần.

GCalls

Mức gọi vốn: 23 tỷ đồng

Sẽ là thiếu sót lớn khi không nhắc đến Gcalls với màn gọi vốn của mình vào mùa đầu tiên của SharkTank, khi đây là Startup tỷ đô đầu tiên được Shark Linh đầu tư. Doanh nghiệp có thể sở hữu một đầu số hotline qua vài phút để khách hàng liên lạc trực tiếp bằng đường truyền viễn thông. 70% cổ phần Gcalls sở hữu bởi hai nhà đồng sáng lập, 30% còn lại thuộc về các cổ đông khác bao gồm Testra – Tập đoàn viễn thông nổi tiếng Australia.

Đây được xem là thương vụ đình đám đầu tiên của chương trình với màn gọi vốn thực sự thuyết phục. Ngay lập tức doanh nghiệp này đã nhận được lời đề nghị của 3 nhà đầu tư là Shark Phú, Shark Vương và cả Shark Linh – người đã chiến thắng trong cuộc đua này. Người duy nhất không tham gia đầu tư là Shark Hưng, nhưng ông tỏ ra khá thích thú với mô hình mà Gcalls đang hướng đến, ông là người có kinh nghiệm và cả nền tảng trong việc quản trị mô hình mà Startup này đang triển khai, thế nhưng những gì mà Gcalls thể hiện vẫn chưa cụ thể, vì vậy phó chủ tịch của CEN Group quyết định không đầu tư. 

Thế nhưng, Shark Linh mới là nhân vật thuyết phục được 2 nhà gọi vốn của Gcalls khi bà cho rằng, startup này có nhiều tiềm năng vì vậy bà quyết định đầu tư 23 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần công ty.

Soya Garden

Mức gọi vốn: 15 tỷ đồng

Trước khi tham gia vào vào Shark Tank mùa 2, thì 2 CEO đồng sáng lập ra hệ thống Soya Garden cho biết, cửa hàng này đã hoạt động được một thời gian. Tham gia gọi vốn tại chương trình, 2 CEO cho biết, Soya Garden mong muốn phát triển hệ thống trên quy mô toàn quốc.

Với tiềm năng cực kỳ lớn, thứ nhất, đây là thương hiệu theo hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam. Thứ hai, thói quen tiêu dùng của khách hàng Việt hiện nay tập trung nhiều vào thức uống có lợi cho sức khỏe. Thêm vào đó, việc trên thị trường chưa có một đối thủ ở phân khúc này đã khiến Soya Garden trở thành cái tên đáng để đầu tư. Để thực hiện mục tiêu tiến vào TP.Hồ Chí Minh và xây dựng ít nhất 5 cơ sở, công ty mong muốn gọi vốn 15 tỷ đồng cho 20% cổ phần.

Tuy nhiên, tưởng chừng những lợi thế sẵn có đó sẽ là bước đệm hoàn hảo cho màn thuyết trình trở nên ấn tượng với các nhà đầu tư. Thế nhưng, các Shark lại cảm thấy sản phẩm thực sự không có gì ấn tượng, hơn nữa với tư duy về tài chính mà chính người sáng lập còn mơ hồ – đó chính là điểm trừ lớn khiến 4/5 Shark quyết định không rót vốn vào mô hình mà Soya đang hướng đến.

Người cuối cùng lên tiếng là Shark Thủy – CEO Apax English cảm nhận được những nhiệt huyết từ hai bạn trẻ đồng sáng lập nên thương hiệu. Ông nhận định, dự án có nhiều cái hay để phát triển, cùng với đó là sự nghiêm túc trong việc khởi nghiệp, nhưng cái duy nhất thiếu sót chính là sự “cáo” trên thương trường và tư duy tài chính.

Chốt lại là màn rót vốn với yêu cầu, thứ nhất, Shark Thủy được kiểm soát hoàn toàn về tài chính. Thứ hai, ban đầu ông sẽ đầu tư 4 tỷ đồng cho 45% cổ phần công ty và 11 tỷ đồng còn lại dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp. Trong trường hợp thực hiện đúng mục tiêu đã đề ra,  Shark Thủy sẽ rót tiếp 11 tỷ đồng. Nếu sau 2 năm không thực hiện được cam kết Soya Garden phải hoàn lại tiền cho ông Thủy.

EMWEAR

Mức gọi vốn: 2 tỷ đồng

Màn gọi vốn của Thùy Trang, nữ CEO của EMWEAR - một công ty chuyên về thời trang ở nhà cho phụ nữ là thương vụ gây ồn ào tiếp theo trong Shark Tank.

Theo đó, Thùy Trang đã bỏ 40 triệu là số vốn ban đầu để thành lập công ty. Doanh thu 3 tháng đầu tiên của EMWEAR chỉ vỏn vẹn 60 triệu đồng, tuy nhiên, sau một quá trình vận hành, doanh thu đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể, 3 tháng gần đây nhất, công ty đã đạt được con số 840 triệu đồng. Thùy Trang cũng đã khoanh vùng khách hàng của mình là phụ nữ từ 20 đến 35 tuổi, thu nhập hàng tháng trên 8 triệu đồng, sống ở TP.HCM và Hà Nội. Mỗi khách hàng trung bình mua 2 sản phẩm (1,2 triệu đồng) khi đến cửa hàng.

Đến với Shark Tank, Thùy Trang mong muốn gọi được số vốn 1 tỷ 150 triệu đồng, đổi lấy 25% cổ phần của công ty. Mặc dù khá nhiều Shark tỏ ra e ngại, cho rằng ý tưởng của Thùy Trang là một ý tưởng không mới, hơn nữa rủi ro khá nhiều khi thị trường thời trang nữ ở Việt Nam gần như đã bão hòa. Nhưng nữ CEO vẫn thành công thu hút được sự chú ý của 4 Shark nam. Cuối cùng, với đề nghị 2 tỷ lấy 25% cổ phần, Shark Vương lại một lần nữa "giật deal" thành công khi nhận được lời chấp nhận từ phía nữ CEO Thùy Trang.

Shark Tank là một chương trình nơi những ý tưởng kinh doanh được ươm mầm và phát triển dưới sự hỗ trợ của những người có kinh nghiệm lâu năm trên thương trường. Thêm vào đó, 5 cái tên kể trên là 5 Startup tạo được những sự chú ý nhất định trên truyền thông khi màn thương lượng được lên sóng truyền hình. Dù được rót vốn hay không, các startup vẫn có những bước phát triển cho riêng mình và mặt hiệu ứng truyền thông sau khi lên sóng sẽ rất lớn. Đây sẽ là tiền đề để các hãng nâng cao danh tiếng cho riêng mình, và tạo ra được lợi thế lớn trước các đối thủ trong ngành.

Thuỳ Linh (TH)