Thực trạng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 10 tháng năm 2023 và giải pháp cho thời gian tiếp theo

Đề tài Thực trạng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 10 tháng năm 2023 và giải pháp cho thời gian tiếp theo do ThS. Nguyễn Thị Trang - ThS. Nguyễn Thị Huyền (Khoa Thương mại, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung phân tích những kết quả đạt được trong xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt trong 10 tháng năm 2023 - giai đoạn cam go nhất sau khi dịch Covid-19 tạm thời bị đẩy lùi và những thách thức trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm ổn định các cân thương mại trong những năm tiếp theo, như: thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động xuất khẩu,...

Từ khóa: xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, thị trường, hàng hóa, thực trạng, giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Năm 2023, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, song cũng chịu nhiều áp lực và thách thức từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là châu Âu và Mỹ vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn. Bên cạnh đó, hệ lụy của tình trạng suy thoái, lạm phát và bất ổn tài chính được bộc lộ rõ nét, đi cùng với những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, khiến giá thành sản xuất hàng hóa ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Xuất khẩu là một trong ba chân kiềng quan trọng của tăng trưởng kinh tế (gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng). Năm 2023, xuất khẩu đã tăng trưởng âm tới hai con số ngay từ quý đầu tiên - với mức giảm tới 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên cho thấy những khó khăn của nền sản xuất trong nước - khi công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm từ 85% đến hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã suy giảm sâu từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Những tác động đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam được nhận định do tác động từ bối cảnh kinh tế thế giới. Các thị trường lớn như Mỹ, EU… chịu tác động mạnh từ áp lực lạm phát, dẫn đến thắt chặt chi tiêu, giảm tổng cầu, giảm nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu đã đánh thẳng vào tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của nước ta vào các thị trường này. Đó là chưa kể nhiều nước nhập khẩu đặt ra các yêu cầu cao về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nước xuất khẩu có cơ cấu hàng hóa tương đồng. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất, tiếp tục là điểm thu hút đầu tư và từng bước phục hồi thị trường với các con số tính chung trong 10 tháng năm 2023 là, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 291,28 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 266,67 tỷ USD, cán cân xuất siêu đạt 24,61 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường xuất nhập khẩu đang bước vào những tháng cuối năm 2023 với áp lực xuất khẩu hàng hóa cao điểm với những đơn hàng phục vụ nhu cầu đón năm mới của các thị trường nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Để đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu, thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2024, Chính phủ đã chỉ đạo cần thực hiện các giải pháp phát triển theo hướng ổn định hơn, cân bằng và bền vững hơn đối với thị trường xuất nhập khẩu.

2. Thực trạng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng năm 2023

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (2023), trong 10 tháng năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giá trị kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước (2022), tuy nhiên đà giảm đã chậm lại. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu

10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 77,09 tỷ USD, giảm 4,1%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 214,19 tỷ USD, giảm 8,1%, chiếm 73,5%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 95,08 tỷ USD, giảm 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 171,59 tỷ USD, giảm 13,3%.

Trong 10 tháng năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%); có 41 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,4%). Các sản phẩm của ngành Nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt tập trung các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều… Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 10/2023 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 10 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 3,8%. 

Theo Tổng cục Hải quan (20230, ở chiều ngược lại, có tới 8 nhóm hàng trị giá xuất khẩu giảm trên 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Đứng đầu là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 6,24 tỷ USD; tiếp theo là hàng dệt may giảm 4,08 tỷ USD; giày dép các loại giảm 3,68 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 2,82 tỷ USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 2,61 tỷ USD; hàng thủy sản giảm 1,94 tỷ USD; hóa chất giảm 686 triệu USD; sản phẩm từ sắt thép giảm 611 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu một số nhóm hàng trong 10 tháng năm 2023 vẫn đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, hàng rau quả tăng 2,08 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 1,66 tỷ USD; gạo tăng hơn 1 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 529 triệu USD và hạt điều tăng 405 triệu USD.

Về cơ cấu 10 tháng năm 2023, trong nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 257,42 tỷ USD, chiếm 88,3%; trong nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 250,12 tỷ USD, chiếm 93,8%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 78,6 tỷ USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 49,4 tỷ USD, là thị trường duy nhất đạt mức tăng 4,7%; xuất khẩu sang EU đạt 36,2 tỷ USD, giảm 8,9%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 27 tỷ USD, giảm 6,2%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 19,9 tỷ USD, giảm 3,6%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD, giảm 4,2%.

Về thị trường nhập khẩu

Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 95,08 tỷ USD, giảm 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 171,59 tỷ USD, giảm 13,3%.

Trong 10 tháng năm 2023 có 41 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,4%).

Về cơ cấu trong 10 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 250,12 tỷ USD, chiếm 93,8%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,5%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,3%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 16,55 tỷ USD, chiếm 6,2%. Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,8 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 43,3 tỷ USD, giảm 18,3%; nhập khẩu từ ASean đạt 33,5 tỷ USD, giảm 14,8%; nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 17,6 tỷ USD, giảm 10,6%; nhập khẩu từ EU đạt 12,6 tỷ USD, giảm 1,4%; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 11,5 tỷ USD, giảm 6,5%.

Những thách thức của Việt Nam trong xuất nhập khẩu hàng hóa

Trong bối cảnh, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu. Đồng thời, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước  gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng… Đà tăng trưởng âm thu hẹp dần, tuy nhiên cán cân thương mại ngày càng tăng lên. Có tình trạng này do Việt Nam có xu hướng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất và xuất khẩu hàng thành phẩm. Trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu vẫn còn yếu, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam không có động lực nhập khẩu để sản xuất thêm. Trong báo cáo về chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam tháng 10/2023 của S&P Global cũng chỉ rõ, số lượng đơn đặt hàng mới tăng ở mức yếu, doanh nghiệp có xu hướng sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn hàng mới, thay vì tăng sản lượng. Kết quả, cán cân thương mại 10 tháng năm 2023 thặng dư đạt 24,61 tỷ USD, tăng 156,65%.

Trước những thách thức này, để có thể tiếp tục duy trì cán cân thương mại xuất siêu và ổn định, cần có nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và đảm bảo nguồn nhập khẩu hàng tư liệu sản xuất bền vững.

3. Giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới

Một là, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc tăng cường đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Ða số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào. Vì vậy, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những biện pháp quan trọng để giảm nhập khẩu nguyên vật liệu và phụ kiện, nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu đồng thời tạo điều kiện thu hút nguồn vốn nước ngoài.

Hai là, thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới. Trong đó, tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực…

Ba là, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Đồng thời, các bộ, ban, ngành liên quan cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Bốn là, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh đó, tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về nhu cầu, quy định mới... của thị trường.

Năm là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ. Các sở, ban, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa và không ngừng tự đào tạo hoặc tham gia các khóa đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. 

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê (2023). Báo cáo xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng đầu năm 2023.
  2. Tổng cục Thống kê (2022). Báo cáo xuất nhập khẩu hàng năm 2022.
  3. Tổng cục Hải quan (2023). Báo cáo xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng đầu năm 2023.
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023.

Situation and solutions for Vietnam’s import and export of goods in the first 10 months of 2023

Master. Nguyen Thi Trang

Master. Nguyen Thi Huyen

Faculty of Commerce, University of Economic and Technical Industries

Abstract:

This paper analyzed the results achieved in Vietnam's import and export of goods, especially in the first 10 months of 2023, the most difficult period after the COVID-19 pandemic. The paper also pointed out the challenges facing Vietnam’s trade in the last months of 2023 and early 2024. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help Vietnam stabilize its trade balance in the following years, such as: synchronously implementing measures to improve the quality of exported goods; participating in the global value chain; attracting investment to develop infrastructure and services for exports; etc.

Keywords: import and export, trade balance, markets, goods, current situation, solutions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12 năm 2023]

Tạp chí Công Thương