Thực trạng và giải pháp xây dựng du lịch bền vững tại Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ DUNG (Khoa Du lịch khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”. Đó cũng là cơ sở để đảm bảo du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành Du lịch phát triển. Bài viết phân tích thực trạng những khó khăn trong xây dựng du lịch bền vững tại Việt Nam và giải pháp khắc phục để ngành Du lịch ngày càng phát triển.

Từ khóa: du lịch bền vững, văn hóa, địa phương, môi trường, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành rơi vào tình trạng khủng khoảng, 90 - 95% doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm trước, thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm sút, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 với việc hạn chế đi lại sẽ kéo du khách quay về với du lịch nội địa, du lịch gần nhà. Sự lên ngôi của du lịch nội địa cũng thúc đẩy nhu cầu hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên, nông thôn. Xu hướng du lịch sinh thái có thể sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới với các hình thức phong phú, mục đích giới hạn trong phạm vi gia đình, bạn bè thân thiết, hạn chế tiếp xúc với người lạ và xã hội bên ngoài.

Tại Việt Nam, theo khảo sát của Booking.com, du khách đang bắt đầu có nhận thức hơn về tác động môi trường của mình khi khám phá thế giới. Theo Báo cáo Du lịch bền vững năm 2021 của hãng, có đến 97% du khách Việt Nam cho rằng du lịch bền vững là cực kì quan trọng, và 88% nhìn nhận đại dịch là chất xúc tác khiến họ theo đuổi lối du lịch bền vững hơn trong tương lai. 100% du khách Việt được khảo sát cho biết trong thời gian tới, họ mong muốn lưu trú tại các cơ sở cam kết du lịch bền vững. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để xây dựng và phát triển ngành Du lịch bền vững.

2. Các yêu cầu để phát triển du lịch bền vững

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), "Du lịch bền vững (Sustainable Tourism) là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch, cũng như người dân bản địa. Đồng thời cũng quan tâm đến các vấn đề bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên phục vụ cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường của con người, trong khi đó vẫn duy trì sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người.”. 

Du lịch bền vững là loại hình du lịch mà các hoạt động tính đến đầy đủ các tác động kinh tế - xã hội và môi trường hiện tại và tương lai. Du lịch bền vững không chỉ là đến thăm một nơi nào đó như một khách du lịch thông thường, mà còn là tạo ra một ảnh hưởng tích cực đến tất cả những người xung quanh.

Tính bền vững trong khái niệm liên quan tất cả các yếu tố có ảnh hưởng đến một môi trường cân bằng, là quá trình phát triển thỏa mãn nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai.  Một số quốc gia trên thế giới đã và đang nỗ lực rất nhiều để trở thành một điểm đến bền vững hơn. Một ví dụ điển hình nhất có thể kể đến chắc chắn là Bhutan. Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới được coi là “carbon negative country” bởi hơn 70% đất nước được bao phủ bởi cây xanh khiến cho khả năng hấp thụ nhiều carbon dioxide lớn hơn nhiều lần lượng khí thải ra: Bhutan hấp thụ khoảng 7 triệu tấn carbon dioxide hàng năm và chỉ sản xuất khoảng 2 triệu tấn. Du lịch ở Bhutan được kiểm soát tốt, ngoài việc yêu cầu thị thực, duy trì một khoản phí hàng ngày từ 200 USD đến 250 USD để chi trả cho chi phí khách sạn 3 sao, tour du lịch và bữa ăn. Phần lớn khoản phí này sẽ được dành cho các dự án bảo tồn môi trường và phát triển xã hội. Chính vì vậy, Bhutan được xem là “vương quốc hạnh phúc” và là một trong những điểm đến bền vững nhất trên thế giới.

Cũng theo Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch bền vững cần:

Sử dụng tối ưu tài nguyên môi trường là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, duy trì các quá trình sinh thái thiết yếu và giúp bảo tồn di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Tôn trọng tính nguyên bản về văn hóa, môi trường và con người của cộng đồng sở tại, bảo tồn các giá trị truyền thống và di sản văn hóa, đồng thời góp phần vào sự hiểu biết và chấp nhận giữa các nền văn hóa.

Đảm bảo các hoạt động kinh tế lâu dài, khả thi, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho tất cả các bên liên quan được phân bổ công bằng, bao gồm các cơ hội việc làm, thu nhập ổn định và các dịch vụ xã hội cho các cộng đồng sở tại và góp phần xóa đói giảm nghèo.

3. Những khó khăn trong phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, Việt Nam chưa có một hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm có đường sá giao thông đi lại, với đủ các tiêu chuẩn an toàn và dễ tiếp cận cho khách du lịch để thực hiện việc di chuyển nhanh chóng, an toàn và thuận tiện. Ví dụ: Vườn Quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp  là một trong những khu vườn có nhiều loài chim quý hiếm, như sếu đầu đỏ, có khu rừng tràm, có đồng lúa ma, đồng cỏ ống. Vườn Quốc Gia Tràm Chim được ví như một Đồng Tháp Mười thu hẹp với sự đa dạng cả về động thực vật quý hiếm.

Tuy nhiên, để vào được sâu bên trong khu vực và tìm hiểu về sự đa dạng về động thực vật ở vườn, hệ thống đi lại cùng với các tuyến xe bus trong ngày còn chưa thật thuận tiện. Nằm trong dự án về việc phát triển vườn trong những năm tới, vườn Tràm Chim dự tính sẽ có dự án gói kín từ sân bay Tân Sơn Nhất tới thẳng Tràm Chim, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận được Tràm Chim một cách dễ dàng.

Thứ hai, các chính sách đặc thù cho du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp chưa rõ ràng; chính sách đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thuế, đất đai, xuất nhập cảnh từng lúc, từng nơi khó tiếp cận, thủ tục còn phức tạp; khả năng tiếp cận chủ trương, chính sách về hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp hoạt động du lịch chưa cao, do còn gặp rào cản về quy trình, thủ tục (do vận dụng chính sách từ ngành khác).

Thứ ba, việc người dân khi ở những khu vực du lịch thường xâm phạm đến các tài sản của khu vực du lịch mà không ý thức được hết ảnh hưởng lâu dài đến vấn đề môi trường sinh thái và những lợi ích lâu dài cho cộng đồng. Cũng là vấn đề về việc người dân khai thác và sử dụng tài nguyên bên trong của vườn Tràm Chim, người dân trong vùng xâm lấn và đánh bắt cá bằng điện, hay đốt tổ ong lấy mật gây ra cháy rừng, đặc biệt trong mùa khô. Điều này cũng diễn ra tương tự với rừng U Minh Thượng, gây trở ngại rất nhiều cho việc kiểm soát rừng.

Thứ tư, sự thiếu hợp tác giữa các ngành liên quan. Các doanh nghiệp làm việc nhỏ lẻ và độc lập cho lợi ích cá nhân của mỗi doanh nghiệp. Các chính sách từ cơ quan quản lý điểm đến còn khá manh mún. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng chưa kết nối được các doanh nghiệp để có thể cùng phát triển theo một định hướng chung.

Thứ năm, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý chưa hiểu thực sự đúng về du lịch bền vững cũng như cách thức áp dụng và thực hành bền vững. Hiện nay, còn nhiều công ty lữ hành đang hiểu bền vững như một loại hình tour và quảng cáo tour du lịch bền vững song song với các sản phẩm tour khác của công ty. Họ coi du lịch bền vững là một sản phẩm để khai khác. Điều này khiến việc phát triển bền vững sai lệch ở các công ty.

Thứ sáu, tâm lý lo sợ chi phí tăng cao. Các công ty du lịch lo ngại việc đầu tư sẽ tốn chi phí và khi mở rộng quy mô lớn sẽ trở thành áp lực lên lợi nhuận công ty. Trong khi đó, yếu tố bền vững ở đây không nhất thiết phải áp dụng hết tất cả cùng một lúc và có thể bắt đầu từ những cái gần gũi với công ty, như quy định tiết kiệm năng lượng hay sử dụng tài nguyên tại đây.

4. Một số đề xuất giải pháp

Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, ngành Du lịch cần đề ra một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, văn hóa, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường phải được gìn giữ và phát huy, nhất là giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc trưng của cộng đồng dân cư địa phương, tại các điểm du lịch. Duy trì và nâng cao chất lượng phong cảnh, kể cả ở nông thôn và đô thị, tránh để môi trường xuống cấp. Du lịch bền vững hướng đến du lịch xanh, sạch, thân thiện, an toàn. Hỗ trợ bảo tồn hệ động, thực vật. Bảo vệ môi trường phải được các cơ quan quản lý các cấp coi trọng, phải trở thành yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và các khu, điểm du lịch.

Hai là, về quy hoạch và đầu tư, trên cơ sở của quy hoạch tổng thể, tiếp tục chỉ đạo rà soát, lập quy hoạch chi tiết từng khu, điểm, cụm và vùng du lịch trọng điểm, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch các khu đô thị xanh. Quan tâm giải quyết tốt lợi ích Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp để tạo niềm tin thu hút các nguồn lực xã hội vào hoàn thiện các khu, điểm, cụm du lịch hiện có mang tầm cỡ khu vực phía Bắc để tạo sức hút và sự lan tỏa.

Ba là, nhằm đa dạng sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn với du khách, các địa phương quan tâm khai thác sản phẩm thuộc các loại hình du lịch có thế mạnh đặc thù. Bên cạnh việc khai thác sản phẩm du lịch hiện có, các thành phố tập trung phát triển thêm sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp sinh thái và đường thủy, du lịch hội nghị - hội thảo (MICE), du lịch y tế…

Bốn là, cơ cấu lại ngành Du lịch, từ hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu, hợp tác chặt chẽ giữa ngành Du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan như Hàng không, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch,... Trong đại dịch, người dân có xu hướng nâng cao ý thức về “lối sống xanh”, bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên, góp phần xây vào cộng đồng địa phương bền vững.

Năm là, triển khai nhiều hoạt động cho doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao kiến thức về phát triển bền vững, cách làm để có sản phẩm khác biệt, du lịch trách nhiệm với cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường, áp dụng các tiêu chí của phát triển du lịch bền vững…, bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững gồm: Hiệu quả kinh tế; Phát triển cho địa phương; Đáp ứng sự thỏa mãn của khách du lịch; Bảo tồn các giá trị văn hóa; Bảo vệ tự nhiên; Bảo vệ môi trường; Sử dụng hiệu quả các nguồn lực; An sinh xã hội; Công bằng xã hội.

Sáu là, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực có chất lượng trong cả quản lý ngành Du lịch, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ. Rà soát, bổ sung cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và thực hành nghiệp vụ du lịch nhân lực hiện có; ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, trong quản lý và phát triển du lịch, trong đào tạo nguồn nhân lực cần quan tâm đến yếu tố văn hóa của nguồn nhân lực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Bá Lâm,Trịnh Xuân Dũng (2014), Tổng quan về du lịch và phát triển du lịch bền vững, Giáo trình lưu hành nội bộ, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa (2006), Kinh tế Du lịch, Nhà xuất bản Lao động và Xã hội, Hà Nội.
  3. Phạm Trương Hoàng, Trần Huy Đức và Ngô Đức Anh (2020). Tác động của đại dịch Covid 19 đối với ngành Du lịch Việt Nam và các giải pháp ứng phó. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số 274, 43-53.
  4. Bạch Hồng Việt (2020). Tác động của đại dịch Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học“Covid-19, đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững”, Hà Nội.

Current situation and solutions for the sustainable tourism development in Vietnam

Master. Nguyen Thi Dung

Faculty of Tourism and Hotels, University of Economic and Technical Industries

Abstract:

Vietnam's tourism development strategy to 2020 with a vision to 2030 emphasizes that “Sustainable tourism development is closely linked with the preservation and promotion of national cultural values; preserving the landscape, protecting the environment; ensuring security, national defense, social order and safety". This point of view is also the basis to develop the tourism into a spearhead economic sector of Vietnam by 2030. This paper analyzes difficulties in the development of sustainable tourism in Vietnam and solutions to overcome these difficulties. 

Keywords: sustainable tourism, culture, locality, environment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 4 năm 2022]