Thời kỳ nào tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước cho công nghiệp vượt ngưỡng 50%?

Bước vào giai đoạn khôi phục và phát triển công nghiệp (1955-1957), phương châm của Đảng và Chính phủ là phải dựa vào sức mình là chính, sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, mời chuyên gia nước bạn sang hướng dẫn hoặc gửi cán bộ, công nhân đi học tập ở nước ngoài.

 

công nghiệp
Lễ Khánh thành Nhà máy Cơ khí Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Đây là thời kỳ tập trung cho công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng chế tạo tư liệu sản xuất nhằm đạt được tiến bộ căn bản của ngành này và nhanh chóng hình thành nền công nghiệp theo hướng hiện đại, làm cơ sở cho sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Trong tổng vốn đầu tư cơ bản của Nhà nước cho các ngành sản xuất vật chất, vốn đầu tư vào công nghiệp tăng rất nhanh: từ 7,4% năm 1955, lên 36% năm 1956 và vượt ngưỡng 50% năm 1957.

Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ và ngành Công Thương trong thời gian này là, cùng với việc khôi phục sản xuất công nghiệp ngang mức trước chiến tranh, cần lo ngay việc xây dựng một số ngành công nghiệp phục vụ cho sản xuất mà trước đây, trong thời Pháp thuộc không có, hoặc có nhưng không đáng kể, quan tâm đến công nghiệp phục vụ tiêu dùng.

Kết quả, trong một thời gian ngắn, miền Bắc đã khôi phục về căn bản các nhà máy, xí nghiệp quan trọng, gồm 19 xí nghiệp ở vùng tự do: Than Quán Triều, Than Làng Cẩm, Than Quyết Thắng, Than Tân Trào, Than Bố Hạ, Giấy Hoàng Văn Thụ, Giấy Lửa Việt, Giấy Lam Sơn, Giấy Hồng Phong, Giấy Lao Động, Phân bón Nam Phát, Phân bón Lang Hít, Phân bón Đông Khê, Phân bón Bến Thủy, Xưởng Phim, Nhà in Tiến Bộ, Xưởng Cơ khí Giao thông, Xưởng Thuốc bào chế, Mỏ Crôm Cổ Định - Thanh Hóa; và 9 xí nghiệp ở vùng mới giải phóng: Than Hồng Gai, Điện Hải Phòng, Điện Hà Nội, Điện Nam Định, Xi măng Hải Phòng, Dệt Nam Định, Nước đá Hà Nội, Rượu Hà Nội, Phốt phát Hải Phòng.

Miền Bắc đã xây dựng được 18 xí nghiệp mới, ở mức tương đối hiện đại lúc bấy giờ như các nhà máy Chè Phú Thọ, Thuốc lá Thăng Long, Xay xát gạo Hà Nội, Gỗ dán Cầu Đuống, Diêm Thống Nhất, Cá hộp Hải Phòng, một số nhà máy điện...

Với tư tưởng ngoại giao “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”, ngay sau khi ổn định tình hình của một nửa đất nước sau chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam thăm ba nước Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ từ 22 tháng 6 đến 22 tháng 7 năm1955, mở ra thời kỳ các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam.

Sau chuyến thăm, một loạt các thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ được ký kết. Trong hai năm, Liên Xô giúp Việt Nam các thiết bị máy móc, kỹ thuật trị giá 306 ngàn triệu đồng (tiền ngân hàng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) để khôi phục và phát triển 25 xí nghiệp; Trung Quốc giúp khôi phục hệ thống đường sắt, bến tàu, tu sửa cầu đường, xây dựng nhà máy dệt, nhà máy thuộc da, nhà máy giấy... trị giá 1.224 ngàn triệu đồng trong 5 năm; Mông Cổ giúp 500 tấn thịt và một số bò và cừu để lập một nông trường chăn nuôi.

Trong 3 năm, 1955 - 1957, Việt Nam ký hàng loạt hiệp định kinh tế thương mại với các nước xã hội chủ nghĩa: Hiệp định viện trợ kinh tế - kỹ thuật với Liên Xô, tháng 7/1955; với Hungary, tháng 12/1955; Hiệp định thương mại với Bungary, tháng 01/1956; với Tiệp Khắc, tháng 01/1956; Hiệp định viện trợ hàng hóa với Cộng hòa Dân chủ Đức, tháng 01/1956; Hiệp định mậu dịch năm 1956 với Cộng hòa Dân chủ Đức, tháng 3/1955; Hiệp định viện trợ kinh tế và Mậu dịch Việt Nam - Rumani, tháng 4/1956; Hiệp định trao đổi hàng hóa Việt Nam - Rumani, tháng 02/1957; Hiệp định trao đổi hàng hóa và thanh toán Việt Nam - Tiệp Khắc, tháng 3/1957...

Trong các công trình viện trợ, Nhà máy Cơ khí Hà Nội - còn gọi là Nhà máy Cơ khí trung quy mô, được đánh giá vào loại hiện đại do Liên Xô giúp xây dựng xong vào cuối năm 1957 có thể chế tạo các máy công cụ cắt gọt chính xác, như máy tiện, máy phay, máy bào, máy khoan; hàng năm bán ra thị trường 600 chiếc máy cái.

Kết quả, số lượng các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh tăng từ 41 cơ sở (1954) lên 151 cơ sở (1957); trong đó 2/3 là xí nghiệp công nghiệp trung ương và 1/3 là xí nghiệp công nghiệp địa phương.

Vì thế, chỉ trong vòng 3 năm (1955 - 1957), giá trị sản lượng công nghiệp quốc doanh tăng gấp 6,94 lần, từ 34 tỷ đồng lên 236 tỷ đồng. Nếu cuối năm 1954, giá trị sản lượng công nghiệp chỉ chiếm 1,5% tổng giá trị sản lượng công - nông nghiệp thì năm 1957 đã lên 9,3%. Công nghiệp tư bản tư doanh và tiểu chủ công nghiệp cũng đạt hiệu quả cao trong thời kỳ này; năm 1955 có trên 51,6 nghìn cơ sở và trên 128,6 nghìn công nhân, đến 1956 tăng lên gần 55 nghìn cơ sở và 161 nghìn công nhân.

Kết thúc thời kỳ khôi phục, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của miền Bắc đã đạt ngang và vượt mức năm 1939 - là năm cao nhất dưới thời Pháp thuộc. Trong đó, sản phẩm tư liệu sản xuất (nhóm A) bằng 72%, sản phẩm công nghiệp nhẹ (nhóm B) bằng 112% so với năm 1939.

Cụ thể là sản lượng điện tăng từ 53 triệu kwh lên 121,2 triệu kWh (năm 1939 là 122,6 triệu kWh); than tăng từ 0,6 triệu tấn lên 1,1 triệu tấn (năm 1939 là 2,6 triệu tấn); xi măng tăng từ 8.500 tấn lên 165.100 tấn (năm 1939 là 305.800 tấn); phân bón hóa học tăng từ 6.400 tấn lên 22.500 tấn (năm 1939 là 35.000 tấn); giấy tăng từ 800 tấn lên 2.400 tấn (năm 1939 là 3.000 tấn); diêm tăng từ 2,4 triệu bao lên 87,2 triệu bao (năm 1939 là 323 triệu bao); vải tăng từ 8,8 triệu mét lên 68,1 triệu mét (năm 1939 là 20,1 triệu mét); sợi bông tăng từ 200 tấn lên 9.400 tấn (năm 1939 là 12.900 tấn); gạch xây dựng tăng từ 51 triệu viên lên 409,2 triệu viên; gỗ xẻ tăng từ 29.800 m3 lên 89.600 m3; xà phòng tăng từ 700 tấn lên 2.600 tấn; thuốc chữa bệnh các loại tăng từ 12,1 triệu ống và 69,3 triệu viên lên 45,4 triệu ống và 188 triệu viên…

Đào Mạnh Đức