Thị trường 4/4: Nguồn cung thực phẩm đẩy đủ, hàng hóa bán theo giá niêm yết

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, mặc dù diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp nhưng đa số các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Theo báo cáo nhanh của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 12h ngày 3/4 đến 12h ngày 4/4, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ.

Theo đó, tại Khánh Hòa, tình hình thị trường hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn ổn định. Hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ, trung tâm thương mại dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Mặt khác, đại diện Cục Quản lý thị trường Khánh Hòa còn cho biết, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động kinh doanh (việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá bán bất hợp lý), tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh, quầy thuốc, nhà thuốc...do vậy tình hình thị trường tương đối ổn định.

Các nhà hàng, quán ăn, quán bar, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khu vui chơi giải trí trên địa bàn đã đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu trong ngày ổn định: gạo từ 14.000 - 17.000 đồng/kg (tuỳ loại)); mì gói từ 170.000 đồng đến 190.000 đồng/thùng (tuỳ loại); nước tương từ 6.000 - 15.000 đồng/chai (tùy loại); nước mắm từ 18.000 – 34.000 đồng/chai (tùy loại); đường cát 16.000 - 19.000 đồng/kg; dầu ăn từ 23.000 – 45.000 đồng/chai/lít…; mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và dung dịch diệt khuẩn cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá bán tương đối ổn định.

nguồn cung hàng hóa
Báo cáo nhanh của lực lượng quản lý thị trường các địa phương cho biết, siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung tương đối đầy đủ, hàng hóa được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết

Tại An Giang, hoạt động mua bán các mặt hàng thiết yếu như: lượng thực, thực phẩm, xăng dầu... diễn biến bình thường, nguồn cung hàng hóa dồi dào, tuy nhiên sức mua giảm, do người dân nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hạn chế ra đường nếu không thật sự cần thiết.

Tuy nhiên, mặt hàng khẩu trang y tế vẫn khan hiếm trên địa bàn, nhưng nguồn cung mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn dồi dào, do đó, đại diện Cục Quản lý thị trường An Giang nhận định, nguồn cung khẩu trang sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân trong thời gian tới.

Để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận các điểm bán khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, khẩu trang vải thường) để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Vụ Thị trường trong nước liên tục cập nhật và cung cấp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương thông tin về danh sách các điểm bán khẩu trang vải các loại trên địa bàn một số tỉnh, thành phố.

Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.

Thống kê cho thấy, trong ngày 4/4 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 53 vụ.

Theo đó, lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 4/4, lực lượng kiểm tra, giám sát, xử lý 7.627 vụ với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 3,17 tỷ đồng.

Điển hình vừa qua các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kết thúc xử lý 8 vụ việc, phạt tiền hơn 74,7 triệu đồng.

Điển hình, ngày 3/4/2020, tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, Long An, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Long An đã phát hiện 2 cơ sở có hành vi tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Một cơ sở do bà Nguyễn Thị Tím làm chủ và một cơ sở do bà Nguyễn Thị Bích Thủy làm chủ, có cùng địa chỉ tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, Long An.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 cơ sở nêu trên đều có hành vi tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng để đưa ra thị trường tiêu thụ.

tái chế khẩu trang

tái chế khâu trang
Lực lượng chức năng thu giữ lượng lớn khẩu trang đã qua sử dụng được 2 cơ sở thu gom, tái chế, đưa ra thị trường lưu thông

Cụ thể, tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Bích Thủy, lực lượng chức năng thu giữ 17.500 chiếc khẩu trang y tế đã đóng vào hộp (50 cái/hộp) mang nhãn hiệu HAFAVINAPRO. Cùng 2.500 chiếc khẩu trang y tế đã đóng vào hộp (50 chiếc/hộp) mang nhãn hiệu Gauze Mask VINAPRO.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn thu giữ 99 chai nước rửa tay nhãn hiệu Handwash, loại 250ml/chai và 33 chai nước rửa tay diệt khuẩn nhãn hiệu BIGCARE loại 250ml/chai.

Riêng tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Tím, lực lượng chức năng thu giữ 255 kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng, 830 vỏ hộp khẩu trang y tế nhãn hiệu các loại, 2.000 chiếc khẩu trang y tế đã đóng vào hộp (50 cái/hộp) mang nhãn hiệu HAFAVINAPRO, 2.300 chiếc khẩu trang y tế đã đóng vào túi nylon (10 chiếc/túi nylon).

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tạm giữ 148 bộ đồ bảo hộ y tế không có nhãn hiệu, 2 kg dây thun trắng (để làm quai đeo khẩu trang), 422 chai nước rửa tay nhãn hiệu Handwash, loại 250ml/chai; 235 chai nước rửa tay diệt khuẩn nhãn hiệu BIGCARE loại 250ml/chai; 96 chai nước rửa tay diệt khuẩn nhãn hiệu Seifa; 36 chai và 30 lít dung dịch màu xanh không có nhãn hiệu; 02 bàn ủi là phương tiện tái chế khẩu trang.

Hiện vụ việc đang được Đội Quản lý thị trường số 1 xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hạ An