Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể chạm mức thấp kỷ lục

S&P Global Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ chạm mức thấp kỷ lục  đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, bao gồm nhiều nền kinh tế lớn, khiến hầu hết hoạt động kinh tế bị ngưng trệ.

Ông Paul Gruenwald, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của tập đoàn tư vấn tài chính S&P Global Ratings, nhận định “Xem xét các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến các hoạt động kinh tế và thị trường tài chính, chúng tôi đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống chỉ còn 0,4%, trước khi phục hồi tăng trở lại ở mức 4,9% trong năm 2021”.

Ông Paul Gruenwald cảnh báo sự suy giảm các hoạt động kinh tế sẽ diễn ra rất nghiêm trọng. Mức dự báo tăng trưởng 0,4% nếu thành hiện thực sẽ là mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp nhất kể từ cuộc suy thoái kinh tế hồi năm 1982 – khi mà tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 0,43%. Tính đến thời điểm hiện tại, cuộc suy thoái kinh tế năm 1982 được coi là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929 – 1933.  

Nhà máy đóng cửa vì đại dịch Covid-19
 Hàng loạt nhà máy trên khắp thế giới buộc phải đóng cửa để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters)

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, S&P Global Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức 3,3%. Trong tuần thứ ba của tháng 3/2020, số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ đã lên mức cao kỷ lục 3,28 triệu người, gấp 4 lần so với mức kỷ lục hồi năm 1982.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hàng loạt doanh nghiệp nằm trong diện không hoạt động sản xuất thiết yếu phải ngưng sản xuất đề phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cũng đang khiến cho khoảng 3 tỷ người trên thế giới buộc phải ở nhà. Tính đến ngày 1/4, đã có hơn 850.000 ca nhiễm và hơn 42.000 ca tử vong vì dịch Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu.

Triển vọng kinh tế u ám

Theo S&P Global Ratings, mức đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, tính từ đầu năm đến nay đã giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ cũng đã giảm lần lượt 14% và 21% so với cùng kỳ năm 2019.

Dòng vốn tháo chạy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi cũng lên mức cao nhất từng được ghi nhận trong bất kỳ cuộc khủng hoảng toàn cầu nào trước đây. Trên thị trường tài chính, một trong những chỉ số chứng khoán chính của thị trường Hoa Kỳ là S&P 500 đã giảm tới 30% chỉ trong vòng 22 ngày giao dịch, đánh dấu tốc độ sụt giảm cao kỷ lục trong lịch sử.

Trong khi đó, chỉ số đo lường mức biến động thị trường VIX Volatility Index – thường được giới đầu tư coi là chỉ số đánh giá mức độ “sợ hãi” đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

S&P Global Ratings cho biết sự bùng phát phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến hãng này phải điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Hoa Kỳ và Châu Âu với mức điều chỉnh giảm dự báo lần lượt là 1,3% và 2%.

S&P Global Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế quý 2/2020 của Hoa Kỳ sẽ giảm 12% so với quý 1/2020 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức 10% trong quý 2/2020, và tháng 5/2020 có thể chứng kiến mức tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13% - cao hơn nhiều so mức cao kỷ lục 10,2% hồi tháng 10/2009.  

Các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ ghi nhận mức sụt giảm tăng trưởng kinh tế lớn. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Ấn Độ sẽ giảm tới 3,5% so với năm 2019 trong bối cảnh nước này thực hiện lệnh phong toả toàn quốc trong vòng 21 ngày để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2020 được S&P Global Ratings dự báo sẽ chỉ đạt 3%; trong năm 2019, tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ đạt 6,1% - mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.

Quang Đặng (Theo CNBC)